Bệnh viêm tai giữa tiết dịch khá “thầm lặng”, khó phát hiện. Do bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên những bé hắt hơi sổ mũi được cha mẹ đưa đến bác sĩ nội nhi khám cũng khó tìm ra bệnh.
Chỉ khi tình cờ gặp bác sĩ tai mũi họng bệnh lý mới được tìm ra nhờ nội soi, tuy nhiên lúc này thường sức nghe của trẻ đã giảm sút.
Phát hiện bệnh do tình cờ
Ở phòng khám Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ, chị Thanh Thủy (ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) buồn bã kể: “Vài tuần gần đây con trai 5 tuổi của tôi thường ra mũi xanh mỗi sáng ngủ dậy, lúc ngủ khò khè nhưng không ho hay sốt nên không đi khám.
Mấy lần trước bác sĩ nhi nói viêm họng, viêm phế quản... cho uống thuốc 5-7 ngày. Lần này bé ra mũi xanh khoảng vài tuần không rõ nguyên nhân, tôi đưa con đến bệnh viện nội soi, bác sĩ soi mũi, họng và tai bé thì biết bé bị viêm tai giữa có mủ cả hai bên, viêm VA, viêm họng.
Bác sĩ nói nếu không điều trị đến nơi đến chốn, bé không chỉ bị giảm sức nghe mà còn ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức”.
Một bệnh nhi khác là bé B.B.Y.T. (24 tháng tuổi, ở Bình Minh, Vĩnh Long) vào khám trong tình trạng sốt nhẹ, sổ mũi, ho đã điều trị nhiều lần nhưng bệnh cứ tái phát. Gia đình kể trước đó không hề nghĩ bé bị bệnh lý ở tai vì không có triệu chứng gì.
Tuy nhiên, qua thăm khám nội soi tai mũi họng, ngoài bệnh viêm VA ở vòm mũi họng, bác sĩ phát hiện màng nhĩ hai bên tai bé căng phồng ứ mủ.
Sau đó bé được nhập viện để bác sĩ đặt ống thông khí màng nhĩ và nạo VA mới điều trị dứt điểm.
Các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ cần được thăm khám ở các cơ sở chuyên khoa, không gửi trẻ đi nhà trẻ quá sớm (dưới 12 tháng tuổi), không hút thuốc lá trong nhà, giữ không khí trong lành, tránh ô nhiễm, không cho trẻ bơi khi bị viêm hô hấp trên.
Tại phòng nội soi Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ, bé T.G.B. (18 tháng tuổi, ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) đang được bác sĩ nội soi tai, mũi.
Bên trong tai bé dịch mủ và máu khá nhiều, bác sĩ cho biết phải nhập viện để đặt ống thông khí và nạo VA mũi. Chị Ngọc Quyên, mẹ bé, nói từ lúc 9 tháng tuổi bé hay sổ mũi, quấy khóc ban đêm, lớn hơn chút nữa bé thường gãi tai.
Chị Quyên đưa con đi khám, bác sĩ nói bé bị viêm họng, viêm mũi cho thuốc uống hoài không hết. Đến khi tai bé bị chảy mủ ra ngoài chị đưa con đi khám ở nhiều bệnh viện, bác sĩ nói bé bị viêm tai giữa, cho hút mủ rồi uống thuốc.
Hiện bé 18 tháng tuổi, uống thuốc và đi bệnh viện suốt mà vẫn chưa khỏi bệnh. Lần này bác sĩ yêu cầu gia đình cho bé nhập viện đặt ống thông khí tai và điều trị dứt điểm.
Trẻ em thường mắc các bệnh viêm, nhiễm vùng mũi họng như viêm VA mãn tính, viêm VA và amiđan, viêm mũi xoang, viêm mũi họng cấp, hội chứng trào ngược họng - thanh quản...
Các bệnh lý này kéo dài là nguyên nhân gây viêm tai giữa tiết dịch, vì vậy những trẻ bị viêm tai giữa tiết dịch thường có các biểu hiện ở mũi họng. Nhiều trường hợp bệnh lý khá nặng ở hai tai, nhưng triệu chứng ở tai khá mờ nhạt và khó nhận biết.
Bé T.G.B. được các bác sĩ nội soi tai tại Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ - Ảnh: T. Lũy
Nhiều trẻ lứa tuổi mẫu giáo mắc bệnh
Đề tài nghiên cứu “Tình hình viêm tai giữa tiết dịch và các yếu tố liên quan ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo” được nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ tiến hành trong hai năm (2012-2014) tại các trường mẫu giáo trên địa bàn TP Cần Thơ cho thấy tỉ lệ trẻ mắc bệnh lứa tuổi này khá cao. Bác sĩ CKII Hồ Lê Hoài Nhân - Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ (phụ trách đề tài) - cho biết:
“Điều tra khoảng 1.200 trẻ lứa tuổi mẫu giáo tại các trường trên địa bàn, tỉ lệ mắc viêm tai giữa tiết dịch chiếm 19,4%.
Việc chẩn đoán viêm tai giữa tiết dịch thường muộn do bệnh diễn biến âm thầm, cha mẹ không nhận biết bệnh của con mà chỉ phát hiện tình cờ khi đến đúng bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng”...
Do đó, bác sĩ Nhân khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý một số biểu hiện thường gặp của bệnh viêm tai giữa ở trẻ như: vùng mũi họng xảy ra trước (sốt, chảy mũi, ngạt mũi, bú kém, ho...), sau đó là các triệu chứng ở tai (đau tai, chảy dịch tai, sốt và hiện tượng bé hay đưa tay lên gãi tai...).
Nếu viêm tai giữa tiết dịch kéo dài không điều trị hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến tình trạng bé có biểu hiện: lơ đãng mất tập trung, nghe kém và ù tai, kém linh hoạt, không phản ứng hoặc phản ứng chậm khi bố mẹ gọi, xem tivi với âm lượng lớn...
Ở trẻ lớn hơn trong độ tuổi đi học thường có các biểu hiện: thay đổi tính tình, kém tập trung, kém linh hoạt, kết quả học tập kém đi.
Bác sĩ Phạm Thanh Thế - bộ môn tai mũi họng Trường đại học Y dược Cần Thơ - cũng cảnh báo viêm tai giữa tiết dịch nếu không điều trị sẽ diễn tiến theo hai hướng: cấp tính, là từ viêm tai giữa tiết dịch sẽ bị bội nhiễm vi trùng, gây viêm xương chũm cấp rồi gây các biến chứng như xuất ngoại sau tai hoặc vào nội sọ gây viêm màng não, apxe não, apxe tiểu não... Hoặc độc tố vi trùng ngấm vào tai trong gây điếc vĩnh viễn cho trẻ, một số trường hợp gây liệt mặt.
Nếu mãn tính, quá trình viêm tái phát nhiều đợt làm dịch trong hòm tai lúc đầu là thanh dịch sau đó trở thành dịch quánh nhầy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Cần điều trị triệt để viêm hô hấp trên Theo bác sĩ CKII Hồ Lê Hoài Nhân, các bậc cha mẹ cần quan tâm điều trị triệt để các viêm nhiễm vùng tai mũi họng, nhất là viêm hô hấp trên ở trẻ. |