Nhiễm viêm gan B từ khi sinh hay lúc còn trẻ sẽ có nguy cơ xơ gan và ung thư gan rất cao.
Viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B (HBV) cao nhất thế giới. Trung bình cứ 10 người ngẫu nhiên có 2 người nhiễm HBV, ước tính có khoảng trên 10 triệu người mang HBV. Điều đáng tiếc là số người nhiễm HBV còn có thể cao hơn bởi nhiều người chưa từng kiểm tra xem mình có bị nhiễm hay không hoặc tình cờ phát hiện ra khi đi khám, kiểm tra sức khỏe, hay chỉ biết khi đã bị các hậu quả của nó là xơ gan,
ung thư gan.
HBV lây truyền qua đường máu (các vật dụng dính máu…), đường tình dục hay từ mẹ sang con (cả khi mang thai, khi sinh và khi cho con bú). Nhiễm HBV từ khi sinh hay lúc còn trẻ thì nguy cơ
xơ gan và ung thư gan là rất cao. Bị nhiễm HBV hay bị bệnh viêm gan virus B (VGVR B) nói chung không phải là tình trạng bệnh lý nặng nề và nguy hiểm, không phải là khó để kiểm soát và xử lý với y học hiện đại ngày nay. Sự nguy hiểm của nó chính là các hậu quả như xơ gan và ung thư gan nguyên phát do nhiễm HBV.
Tại Việt nam, tỉ lệ ung thư gan đang được xếp đứng thứ 2 thế giới, và là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 4 trong các loại ung thư ở cả hai giới nam và nữ. Nguyên nhân ung thư gan chủ yếu được xác định là do nhiễm HBV. Người bị nhiễm HBV có nguy cơ
ung thư gan cao gấp 200 lần so với người không bị nhiễm.
HBV có thể lây truyền từ mẹ sang con dễ dàng. (Ảnh: Internet)
Theo GS Phạm Hoàng Phiệt, khoảng 25 - 40% số người bị nhiễm HBV mạn tính chết sớm vì xơ gan và/hoặc ung thư gan. Người mang HBsAg(+) có nguy cơ mắc bệnh xơ gan là 30-40%. Ung thư gan chiếm 38/100.000 dân, đứng thứ hai sau ung thư phổi, HBsAg(+) trong ung thư gan là 80-90%. Nói chung, 80 đến 85% số trường hợp ung thư gan có kết hợp căn nguyên với HBV.
Người nhiễm HBV (xét nghiệm máu có HBsAg (+), có thể có virus đang hoạt động mạnh - bệnh tiến triển, hoặc virus không hoạt động, hoạt động ít - bệnh tiến triển chậm) đa phần là không có hoặc ít triệu chứng nên nhiều người không biết, có người biết lại bỏ qua, coi nhẹ nên tỉ lệ ung thư gan vẫn rất cao. Ung thư gan được gọi là sát thủ thầm lặng vì đa số bệnh nhân vẫn cảm thấy khỏe và không có dấu hiệu gì.
Những u nhỏ thì khó có thể phát hiện được. Đau nhức vùng gan thường không thấy cho đến khi u đã lớn, và một số u lại không gây đau nhức hay những triệu chứng khác dù nó đã lớn. Giai đoạn sau của ung thư gan, lúc u đã to hoặc gây trở ngại cho các chức năng gan thì có thể có những triệu chứng như đau vùng gan,
giảm cân, ăn không ngon, mắt và da vàng...
Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân chỉ có thể sống khoảng 3-6 tháng sau đó. Cách tốt nhất để có được kết quả điều trị tốt chính là phát hiện được ung thư gan khi còn sớm. Lúc này, khối u còn nhỏ, ít khối, khu trú, chưa xâm lấn nhiều, chưa di căn thì hiệu quả điều trị rất cao. Thực tế, đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư gan nguyên phát do HBV điều trị hiệu quả vẫn sống được hơn 10 năm.
Vấn đề quan trọng nhất đối với những người nhiễm HBV là phải kiểm soát và xử lý tốt, nghiêm túc tình trạng nhiễm HBV của mình để tránh các hậu quả xảy ra trước khi quá muộn. Việc kiểm soát và xử lý nhiễm HBV không phải là khó và khi thực hiện tốt, hiệu quả phòng tránh rất cao, giảm đáng kể nguy cơ xơ gan và ung thư gan.
Với những người nhiễm HBV, đừng lo lắng thái quá, nhất là khi chưa hiểu rõ bệnh tật mà hoang mang, mất tinh thần. Điều đầu tiên nên làm là phải gặp bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm, được tư vấn chính xác, đầy đủ về tình trạng bệnh và các biện pháp xử lý, cùng bác sĩ lựa chọn các biện pháp phù hợp với bản thân, đưa ra các bước thực hiện cụ thể và tiến trình điều trị, theo dõi. Cuối cùng, rất quan trọng là đánh giá hiệu quả, tiếp tục đưa ra các biện pháp tiếp theo phù hợp hơn để đạt hiệu quả điều trị cao nhất có thể.
Người bệnh không nên chỉ dựa vào việc tự tìm hiểu thông tin (trên mạng, hỏi han người cùng bệnh…) vì nhiều thông tin trên mạng không thực sự chính xác và cùng một bệnh nhưng ở mỗi người khác nhau và cách xử lý cũng không giống nhau… Nếu không hiểu đúng, làm đúng, tiền mất tật mang và hậu quả khó lường, đáng tiếc.
Người nhiễm virus viêm gan B dễ bị xơ gan, ung thư gan. (Ảnh: Internet)
Xử lý khi bị nhiễm HBV
- Đầu tiên cần gặp và được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm (không nghe ngóng người nọ người kia, không tin tưởng quá nhiều theo những điều tự tìm hiểu, thông tin trên mạng, người bệnh khác, người không chuyên môn).
- Ý thức rõ ràng tình trạng bệnh và nghiêm túc chấp hành chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thiết lập lại lối sống của bản thân, chế độ dinh dưỡng phù hợp: Không bia, rượu, làm việc quá sức, thức đêm, tăng cường hoa quả, vitamin và đạm, đường, hạn chế mỡ động vật, đồ chiên, rán (không quá kiêng khem).
- Kiểm tra và phòng tránh cho người thân: Xét nghiệm HBsAg cho người thân, nếu không có thì tiêm phòng, dùng riêng các vật dụng dễ dính máu, giữ gìn khi chảy máu, vết thương, dùng bao cao su khi
quan hệ tình dục… (virus không lây qua ăn uống, hôn, tiếp xúc da lành).
- Thảo luận cùng bác sĩ việc can thiệp điều trị sớm: hiện nay, xu hướng y học hiện đại là điều trị kháng virus sớm cho người bệnh (không như chỉ định kinh điển). Những nghiên cứu mới nhất của Mỹ cho thấy, những người mang virus ít nhiều đều có tổn thương gan và tiến triển nặng dần theo thời gian, cho nên việc điều trị sớm là phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn bệnh tiến triển.
- Tuyệt đối chấp hành đơn điều trị đều đặn.
- Kiểm tra tình trạng bệnh định kỳ theo chỉ dẫn bác sĩ.
Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục giúp bạn phòng tránh nhiễm virus viêm gan B. (Ảnh: Internet)
Các xét nghiệm kiểm soát tình trạng nhiễm HBV:
- Định lượng nồng độ virus HBV-DNA: đánh giá mức độ hoạt động nhân lên của virus trong cơ thể (sau mỗi 3-6 tháng, khi đã ổn định thì 1 năm).
- Xét nghiệm các marker HBeAg, anti-HBe: xem khả năng hoạt động và lây truyền của virus, đáp ứng của cơ thể, xa hơn nữa là sự đột biến của virus hay đáp ứng điều trị.
- Xét nghiệm sinh hóa máu (Glucosa, Bilirubin, SGOT, SGPT, Albumin…): theo dõi chức năng gan (sau mỗi 2 tuần - 1 tháng, ổn định rồi thì làm khi có gì bất thường).
- Siêu âm gan mật: tầm soát khối u (sau mỗi 6 tháng).
- Xét nghiệm AFP/máu (alpha-fetoprotein): phát hiện sớm nguy cơ ung thư gan (sau mỗi 3-6 tháng).
- Chụp cắt lớp CT.Scanner, MRI gan: xác định khối u (sau mỗi 6 tháng hoặc 1 năm).
- Xét nghiệm sinh thiết gan bằng kim nhỏ chọc đơn thuần hoặc cùng siêu âm để chẩn đoán mô bệnh học (ít khi làm).
Với phụ nữ nhiễm HBV có ý định sinh đẻ thì cần chú ý đặc biệt bởi HBV có thể lây sang con trong cả 3 giai đoạn: mang thai, chu sinh và cho bú (cao nhất là chu sinh - lúc sinh). Các phương án cần chú ý là:
- Tốt nhất, được điều trị ổn định trước khi sinh hoặc chỉ mang thai khi đã ổn định.
- Khi đã mang thai, cần xem xét điều trị ở tuần thứ 30-32 khi có chỉ định để tránh nhiễm sang thai nhi.
- Trẻ sinh ra trong vòng 24-48 h đầu được tiêm giải huyết thanh và sau đó tiêm chủng vắc-xin chống HBV bình thường.
ThS.BS Nguyễn Lê (Chuyên ung thư và viêm gan siêu vi, Bệnh viện Quân y 103)