Trẻ em thường là đối tượng bị thủy đậu tấn công mạnh mẽ nhất vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Dù ban đầu chỉ có một trẻ mắc bệnh thì nguy cơ lây nhiễm cho các trẻ khác và bùng phát thành dịch vẫn rất cao vì trẻ thường tiếp xúc trực tiếp với nhau qua các hoạt động ăn chơi, ngủ nghỉ, học tập…
Để phòng bệnh thủy đậu cần tăng sức đề kháng cho trẻ
Tăng sức đề kháng chính là điều quan trọng nhất để hạn chế bệnh tật ở trẻ ngay cả khi trẻ đã tiêm các vắc-xin phòng bệnh. Thông thường, phụ huynh thường chọn cách giữ gìn vệ sinh và bổ sung vitamin, khoáng chất qua chế độ ăn uống của trẻ. Tuy nhiên, một chế độ vận động hợp lý, tiếp xúc với môi trường thiên nhiên cùng thói quen sinh hoạt tốt cũng góp phần quan trọng không kém để hoàn thiện hệ miễn dịch.
Khoảng 90% người tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh có khả năng bị lây bệnh. Vì vậy, vào mùa dịch, mỗi ngày cần vệ sinh thật kỹ toàn bộ cơ thể của bé bằng xà bông diệt khuẩn, rửa tay sạch sẽ nhiều lần. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên theo dõi, nắm rõ tình hình dịch bệnh, cũng như thông tin về cách nhận biết và xử lý bệnh.
Điều trị bệnh theo khoa học và cân nhắc kỹ với các phương pháp dân gian
Thủy đậu là bệnh lành tính nếu phát hiện sớm và có thể chọn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng yếu, đặc biệt là trẻ nhỏ sẽ dễ gặp những biến chứng nguy hiểm. Trong dân gian thường có khá nhiều mẹo chữa thủy đậu như: uống nước nấu từ gốc rạ, kiêng tắm, ở phòng kín không có nắng, nấu nước lá (tre, chân vịt, dâu tằm…) tắm trị ngứa… Phương pháp dân gian không hẳn là không có tác dụng nhưng phụ huynh cần lưu ý rằng nhiễm trùng da cũng là 1 nguy cơ lớn đối với trẻ mắc bệnh thủy đậy, vì vậy cần cho trẻ tắm với nước ấm để vệ sinh da sạch sẽ, tiếp xúc với môi trường thoáng đãng ít gió. Ngoài ra, các nước lá thiên nhiên dễ gây dị ứng nhiễm trùng da do bụi bẩn, chất chát từ mủ lá, thuốc bảo vệ thực vật… thậm chí có nguy cơ gây dị ứng với các trẻ có cơ địa đặc biệt.
Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều phụ huynh chọn cách cách ly con tại nhà, nghỉ học tạm thời nhưng điều này cũng không khả thi vì thời gian ủ bệnh của thủy đậu khá lâu, khoảng 1-2 tuần. Dù chưa có những biểu hiện rõ rệt như sốt, nổi mụn nước… hoặc nhiều ngày sau khi các nốt đỏ lặn hẳn thì người bệnh vẫn có thể lây cho người lành. Cách tốt nhất để phòng bệnh vẫn là tăng sức đề kháng cho trẻ và tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Nên tiêm vắc-xin phòng bệnh sớm, trước khi vào mùa dịch
PGS.TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện Nhi đồng 1 – Tp.HCM cho biết: “Thủy đậu là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng khó trị như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, xuất huyết, viêm mô tế bào. Khả năng lây nhiễm bệnh rất cao nếu những người tiếp xúc không được tiêm ngừa. Việc tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất và phải được thực hiện trước khi xảy ra dịch”.
.
Một sai lầm thường gặp ở phụ huynh là đưa bé đi tiêm vắc-xin khi thấy xung quanh có nhiều trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên, tiêm càng muộn hiệu quả sẽ càng giảm, vì có thể trẻ đã tiếp xúc với siêu vi trùng gây bệnh. Cách tốt nhất chính là cho trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh sớm ngay từ đầu năm học mới, trước khi mùa dịch thủy đậu bắt đầu. Không chỉ có trẻ nhỏ cần tiêm vắc xin, phụ huynh cũng cần tiêm ngừa phòng bệnh cho mình để tránh lây cho con.
Hiện nay, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh thủy đậu hiệu quả nhất, vì vậy phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ và cho con tiêm ngừa theo đúng lịch trình để bảo vệ sức khỏe của bé tốt hơn.