Giấc ngủ giúp não bộ tự dọn dẹp và làm mới chính mình. Thiếu ngủ sẽ khiến rất nhiều hệ thống trong cơ thể bạn không thể vận hành một cách phù hợp.
Có lẽ không thứ gì đem lại cảm giác thư thái, sảng khoái hơn việc được ngả lưng trên giường sau một ngày dài mệt mỏi. Có lẽ cũng không có thứ gì khiến bạn bực bội, khó chịu hơn việc cứ nằm trơ ở đó, tỉnh như sáo và chờ đợi giấc ngủ chẳng bao giờ ghé thăm.
Thiếu ngủ, đâu chỉ dừng lại ở cảm giác khó chịu ấy, mà thực sự gây nguy hại cho cơ thể bạn.
Bác sĩ Daniel Amen lý giải: “Giấc ngủ giúp não bộ tự dọn dẹp và làm mới chính mình. Không ngủ đủ giấc, rất nhiều hệ thống trong cơ thể bạn không thể vận hành một cách phù hợp. Hệ thống dịch có đảm nhận chức năng làm sạch não hoạt động chính trong lúc chúng ta ngủ”.
1. Bạn dễ cáu kỉnh, bực bội
Chúng ta đều có những ngày bản tính cáu kỉnh hơn thường lệ, vì chuyện nọ chuyện kia. Nhưng nếu không ngủ đủ giấc, thì lỗi khi đó hoàn toàn thuộc về chúng ta. Nhà tâm lý học Yelena Chernyak cho biết, thiếu ngủ có thể dẫn tới trạng thái cáu kỉnh, bẳn gắt trong một thời gian ngắn. Một đêm ngủ ít cũng đủ để lại hậu quả cho tâm trạng và sức khoẻ của bạn vào ngày hôm sau.
Nhưng nếu thiếu ngủ thường xuyên, hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn thế. Đó là khả năng bạn bị mắc các hội chứng rối loạn tâm lý như lo lắng hay trầm cảm và làm cho tâm trạng bạn trở nên vô cùng thất thường.
2. Bạn thường gặp các vấn đề về nhận thức
Nếu bạn thấy mình gặp khó khăn trong việc tập trung hay học hỏi những thứ mới, thiếu ngủ có thể chính là nguyên nhân. Bác sĩ Chernyak giải thích, nếu bạn không ngủ đủ, khả năng tập trung và học hỏi của bạn sẽ bị tác động tiêu cực. Tất nhiên, mất tập trung lúc này lúc khác không phải rắc rối gì lớn.
Nếu bạn thường xuyên thấy mình rơi vào trạng thái lơ đãng, hãy nhanh chóng xem xét lại khoảng thời gian ngủ nghỉ của mình.
3. Khả năng phán đoán, đánh giá yếu kém
Không phải lúc nào bạn cũng có thể đưa ra các quyết định sáng suốt và đúng đắn. Nếu bạn thiếu ngủ, khả năng bạn dễ nhầm lẫn, sai sót khi đưa ra các nhận xét và quyết định sẽ tăng lên. Theo bác sĩ Daniel Amen, ngủ quá ít thường dẫn tới hạn chế trong việc phán đoán tình hình cũng như khả năng kiểm soát, kiềm chế cơn giận. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy, tác hại của thiếu ngủ thể hiện ở những người dễ cáu giận, bốc đồng chẳng kém gì rượu.
Bác sĩ Jyothi Rao, đồng tác giả cuốn sách “Finding balance: Empower yourself with tools to combat stress and illness”, trích dẫn một nghiên cứu: “Những người ngủ 6 tiếng/ngày hoạt động kém hiệu quả như những người thiếu ngủ suốt 24 tiếng – tương đương với hậu quả của việc uống rượu với mức được pháp luật cho phép”.
4. Bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn
Mắc bệnh chẳng dễ chịu gì. Mọi người thường cố gắng giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên, không chạm vào những nơi có khả năng truyền nhiễm vi khuẩn, vi trùng cao như nắm đấm cửa ra vào… Nhưng nhà tâm lý học Yelena Chernyak cho biết, những loại vi khuẩn đó cũng có khả năng tấn công bạn nếu bạn không đảm bảo ngủ đủ giấc.
Thiếu ngủ làm suy giảm kháng thể và đó chính là thời điểm cơ thể bạn dễ bị
viêm nhiễm hơn. Khi bạn thiếu ngủ và mắc bệnh như một lẽ tất yếu, điều đáng lo ngại là bạn thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.
5. Bạn dễ bị béo phì
Bất kể bao nhiêu nỗ lực bạn bỏ ra để lấy lại vòng eo thon gọn, ngủ quá ít có nguy cơ huỷ hoại mọi nỗ lực đó. Bác sĩ Chernyak cho biết, những người mất ngủ trong thời gian dài có nguy cơ bị béo phì cao hơn so với người khác. Nguyên nhân ít nhất là do tình trạng mệt mỏi, kiệt sức khiến chúng ta có xu hướng nạp thức ăn vào người dù không hẳn thấy đói và ít quan tâm tới hậu quả của những loại thức ăn vừa hấp thụ đó.
Tồi tệ hơn, thiếu ngủ còn khiến bạn khó lấy lại vóc dáng gọn gàng.
Bác sĩ Jyothi Rao nhấn mạnh: “Nhiều người thiếu ngủ không thể giảm cân, mặc dù đã hạn chế tối đa lượng calo đưa vào cơ thể. Thiếu ngủ làm chậm quá trình đốt cháy mỡ tới 55% trong tương quan với nhóm người hấp thụ cùng lựng calo nhưng ngủ đủ giấc”.
6. Bệnh tiểu đường
Nguy cơ mắc căn bệnh ảnh hưởng tới rất nhiều người này cũng bắt nguồn từ một nguyên nhân: Thiếu ngủ triền miên. Theo các chuyên gia, một trong số những lý do khiến thiếu ngủ lại làm tăng nguy cơ bị tiểu đường là tình trạng mỏi mệt vì cơ thể không được nghỉ ngơi hợp lý. Một khi đã mệt mỏi, bạn lại có xu hướng ăn nhiều hơn vì cơ thể thèm khát được bổ sung năng lượng.
Hệ quả là bệnh béo phì và béo phì lại dẫn tới tiểu đường – đây chính là “đôi bạn cùng tiến”. Quá mệt mỏi cũng có thể phản ánh mức độ kháng insulin – 1 trong những dấu hiệu đầu tiên của cơ thể báo bệnh tiểu đường. Tác động của trạng thái mệt mỏi đó cũng chẳng cần mất nhiều thời gian mới cho thấy tính chất tiêu cực.
Bác sĩ Jyothi Rao khẳng định: “Thiếu ngủ trong vòng 1 tuần cũng đã có thể gây ra những biến đổi với cơ thể, phản ánh mức kháng insulin thường thấy trong bệnh tiểu đường tuýp 2”. Để cải thiện tình hình, ngủ đủ giấc và chăm chút cho chế độ dinh dưỡng của bạn là lựa chọn đúng đắn.
7. Nguy cơ bị đột quỵ
Bác sĩ Chenyak cho biết, thiếu ngủ quá nhiều có thể tăng
nguy cơ đột quỵ. Điều thực sự đáng sợ ở đây là, đột quỵ hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn không hề có yếu tố nguy cơ bị đột quỵ nhưng lại thường xuyên thiếu ngủ. Một phần nguyên nhân nằm ở các hormone và hoá chất cơ thể sản sinh trong lúc ngủ.
Tình trạng thiếu ngủ khiến bạn dễ bị đột quỵ - vốn xảy ra khi máu lên não bị ngưng trệ. Là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Mỹ, do đó, không thể đùa được với đột quỵ và ngay từ bây giờ, bạn nên chăm chút cho giấc ngủ của mình nhiều hơn.
8. Làm cho làn da trở nên xấu xí
Thiếu ngủ không chỉ tác động tới bên trong cơ thể mà còn thể hiện ra ở ngoại hình của bạn. Bác sĩ Alan J. Parks, chuyên gia về da, giải thích: “Không phải vô cớ mà người ta hay gọi ‘người đẹp ngủ’. Hoàn toàn là có lý do chính đáng. Thiếu ngủ vừa tác động xấu tới cơ thể và não bộ, vừa ảnh hưởng đến vẻ đẹp làn da.
Không có gì tệ hơn khi phát hiện ra sau 1 đêm thiếu ngủ, làn da trở nên nhăn nheo, xám xịt, bọng mắt nổi rõ trên gương mặt và mụn nhọt thi nhau “biểu tình”. Khi bạn mệt mỏi, da bạn trông cũng sẽ mệt mỏi theo. Không ngủ đủ giấc, ngon giấc làm cho da khô, ngứa, trở nên nhạy cảm hơn. Thiếu ngủ thường xuyên khiến da nhàu nhĩ, nếp nhăn xuất hiện nhiều.
Theo một nghiên cứu do National Sleep Foundation (Mỹ) tiến hành, người trưởng thành cần 7-9 giờ ngủ/đêm; người lớn tuổi hơn cần 7-8 giờ ngủ/đêm.
Để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho khoảng thời gian ngủ nghỉ, bác sĩ Daniel Amen chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau: “Lập thời khoá biểu cho khoảng thời gian ngủ nghỉ hàng ngày. Ví dụ, sau khi làm vệ sinh cá nhân, bạn đọc một cuốn sách rồi tắt đèn đi ngủ. Nhưng việc đọc sách không nên kéo dài quá 20 phút”.
Bác sĩ Amen cũng gợi ý rằng, nên ngừng sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng 1 tiếng trước giờ đi ngủ vì ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử làm giảm quá trình sản sinh melatonin. Nếu những biện pháp trên chưa cho thấy hiệu quả, bác sĩ Amen đề xuất một cách làm truyền thống: “Uống một cốc sữa ấm với một thìa cà phê vani và cỏ ngọt Stevia tự nhiên có thể giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn”. |
(Tổng hợp)