Thực sự thì giảm cân có thể làm bạn bớt hạnh phúc hơn. Ăn kiêng có thể dẫn tới mối quan hệ thực sự không lành mạnh với thực phẩm.
Thực tế là ăn kiêng chẳng có ý nghĩa gì. Một trong những lý do giải thích cho sự vô nghĩa của việc ăn kiêng là: Nó không hẳn là khoa học. Đó là lý do tại sao bạn thường thấy khi theo một chế độ ăn kiêng nào đó, kết quả lại không như mong đợi.
Có rất nhiều thông tin xấu ngoài kia và thứ hợp với người này không nhất thiết hợp với người khác. Những hiểu lầm về giảm cân này - bằng cách nào đó vẫn trôi nổi trong nhận thức của nhiều người - đã chứng minh cho bạn thấy "ăn kiêng" có thể chỉ làm bạn phí phạm thời gian mà thôi.
Dưới đây là 7 hiểu lầm về chuyện giảm cân mà bạn cần tỉnh táo nhận ra càng sớm càng tốt.
Hiểu lầm 1: Bạn cần ăn 6 lần/ngày để giảm cân hoặc để khoẻ mạnh
Jessica Jones, chuyên gia dinh dưỡng và ăn kiêng đã được chứng nhận, đồng tác giả cuốn sách "The 28 day plant-based reboot", chia sẻ quan điểm: "Chia ra thành nhiều bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn thường được ca ngợi là thứ có thể giúp bạn khoẻ mạnh. Nhưng tôi đã làm việc với rất nhiều người chẳng cảm thấy đủ đói để ăn nhiều bữa tới vậy trong 1 ngày và mọi việc vẫn ổn".
Bà cũng cho rằng: "Không có một nghiên cứu đáng tin cậy nào cho thấy thói quen ăn 5-6 bữa/ngày hỗ trợ quá trình trao đổi chất của bạn. Tôi thực sự nghĩ rằng, vấn đề nằm ở chỗ điều gì hợp với bạn nhất. Với tôi, tôi thấy mình hợp với 5 bữa ăn nhỏ/ngày. Điều quan trọng là bạn ăn gì chứ không phải số lần ăn".
Hiểu lầm 2: Cắt giảm lượng calo là cách duy nhất và/hoặc tốt nhất để giảm cân
Theo Kim Larson, chuyên gia dinh dưỡng và ăn kiêng đã được chứng nhận của trang TotalhealthRD, đồng thời là người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng và Ăn kiêng: "Thực sự thì chế độ ăn kiêng theo kiểu bỏ đói cơ thể chỉ khiến cơ thể bạn rơi vào trạng thái suy cơ mà thôi. Khi chúng ta không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, nó sẽ sử dụng mọi nguồn calo sau đó để lấy năng lượng.
Vì vậy, lượng calo nạp vào giảm cũng đồng nghĩa với việc chẳng có thứ gì bạn ăn có thể giúp duy trì cơ. Suy cơ là điều không thể tránh khỏi. Khi mất cơ, mức độ trao đổi chất của cơ thể cũng giảm theo. Một khi chúng ta bắt đầu ăn uống bình thường trở lại, chúng ta gánh chịu hậu quả của việc mất cơ, thể hiện qua mức độ trao đổi chất thấp hơn (nghĩa là nhìn chung, chúng ta đốt cháy ít calo hơn)". Do đó, về cơ bản, bạn phải nỗ lực gấp hai lần. Chẳng phải dạng bài toán mà bạn muốn tìm đáp án.
Hiểu lầm 3: Giảm cân giúp bạn khoẻ mạnh hơn
Sự thật là: "Giảm cân dữ dội là không bền vững và nó cũng không làm bạn khoẻ mạnh hơn. Một nghiên cứu về các chế độ ăn kiêng nhằm mục đích giảm cân cho thấy, chỉ tập trung vào con số trên bàn cân một cách thường xuyên hơn là không để ý cũng chẳng giúp cải thiện được sức khoẻ cả đời bạn", Christy Harrison, chuyên gia ăn kiêng chứng nhận.
Hiểu lầm 4: Giảm cân = hài lòng với ngoại hình
Beth Warren, bác sĩ kiêm chuyên gia dinh dưỡng và ăn kiêng đã được chứng nhận, tác giả cuốn "Living a real life with real food often", chia sẻ: "Trái ngược với quan niệm thông thường, đạt tới một con số nhất định trên bàn cân không nhất thiết đồng nghĩa với việc cơ thể bạn sẽ tự động trông giống như những gì bạn luôn mong muốn.
Đôi lúc, tôi chứng kiến những người theo chế độ nhịn ăn hoặc giảm cân siêu tốc. Mặc dù cân nặng của họ có giảm, họ vẫn không thích ngoại hình mới của mình. Giảm cân quá nhiều còn gây mất cơ và chứng đầy hơi, chẳng hề xinh đẹp chút nào".
Hiểu lầm 5: Giảm cân giúp bạn hạnh phúc hơn
Lại sai! Chuyên gia Harrison cho biết: "Thực sự thì giảm cân có thể làm bạn bớt hạnh phúc hơn. Ăn kiêng có thể dẫn tới mối quan hệ thực sự không lành mạnh với thực phẩm. Các chế độ ăn uống kiêng khem quá nhiều và ý tưởng bạn cần ăn kiêng để cảm thấy hạnh phúc có thể dẫn tới những nhầm tưởng trong đời.
Tôi thực sự khuyến khích mọi người tập trung vào những gì có thể làm ngay bây giờ để giúp mình hạnh phúc. Nghĩ về tương lai của bạn dựa trên khía cạnh "khi nào tôi giảm cân" sẽ chỉ dẫn bạn tới tình trạng bỏ lỡ những điều bạn muốn làm trong cuộc sống hiện tại mà thôi".
Hiểu lầm 6: Có một số thực phẩm nhất định – ngay cả những thứ tốt cho sức khoẻ - mà bạn cần tránh hoàn toàn để có thể giảm cân
Không có thứ gì được gọi là thực phẩm tốt hay thực phẩm xấu. Chuyên gia Larson nhấn mạnh: "Đảm bảo sự cân bằng của chế độ ăn bằng những thực phẩm từ tất cả các nhóm sẽ đảm bảo cho bạn hấp thụ được đa dạng dưỡng chất bạn cần cho sức khoẻ. Không có một loại thực phẩm cụ thể nào bạn phải tránh. Đừng chỉ sống nhờ vào nước ngọt có ga, tất nhiên, nhưng nghiêm cấm những nhóm thực phẩm "vượt qua ngoài ranh giới", đặc biệt là những thứ tốt cho sức khoẻ như sữa hay gluten, nhất định là một ý tưởng tồi tệ.
Hiểu lầm 7: Ăn ít đi luôn tốt hơn
Không phải bạn đang cố gắng giảm số lượng bữa ăn trong ngày của mình đấy chứ? Theo chuyên gia Jones: "Khi tôi nhìn vào những bệnh nhân bỏ bữa, tôi thường nhận thấy khi họ ăn, họ đã ăn những thực phẩm thực sự rất giàu calo. Đó là bởi vì bạn cần những loại thực phẩm đó để cảm thấy no bụng nếu bạn không ăn nhiều. Bạn nên ăn thực phẩm nhiều dưỡng chất và ít calo. Khi đó, bạn sẽ có thể ăn nhiều hơn và cảm thấy no lâu hơn".
(Nguồn: Glamour)
giảm cân, hiểu sai về giảm cân, cảm giác thèm ăn, ăn kiêng