Thế giới

Thêm cảnh sát Mỹ tự tử sau bạo loạn ở quốc hội

Cảnh sát Smith, người tham gia ứng phó vụ bạo loạn tại quốc hội Mỹ, tự tử trên đường đi làm, sau khi một đồng nghiệp cũng tìm đến cái chết.

"Thật là một tình huống đáng buồn và bi thảm đối với chúng tôi. Jeffrey Smith bị thương trong vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội và vài ngày sau, anh ấy tự tử", quyền Cảnh sát trưởng khu vực thủ đô (MPD) Washington Robert Contee cho biết trong cuộc họp báo hôm 27/1.

Contee nói rằng cảnh sát đang điều tra về cái chết của Smith, nhưng anh dường như tự sát khi đang trên đường đi làm. "Một lần nữa, chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình Smith vì mất mát bi thảm này", Contee nói thêm.

Lực lượng thực thi pháp luật Mỹ tham gia phản ứng trong cuộc bạo loạn ở quốc hội ngày 6/1. Ảnh: AFP.

Lực lượng thực thi pháp luật Mỹ tham gia phản ứng trong cuộc bạo loạn ở quốc hội ngày 6/1. Ảnh: AFP.

Ít nhất hai cảnh sát khác đã chết sau vụ tấn công tòa nhà quốc hội hôm 6/1. Cảnh sát quốc hội Howard Liebengood chết do tự sát sau khi làm nhiệm vụ. Một cảnh sát quốc hội khác là Brian Sicknick chết tại bệnh viện do chấn thương sau khi bị kẻ bạo loạn ném bình cứu hỏa vào đầu.

Trong buổi điều trần trước Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện hôm 26/1, Contee cho biết ít nhất 65 sĩ quan MPD bị thương trong khi ứng phó với vụ bạo loạn. Ông lưu ý "nhiều cảnh sát khác" bị thương với các vết trầy xước, bầm tím hoặc bỏng mắt do hơi cay nhưng không nộp báo cáo thương tích của họ.

Theo Chủ tịch hiệp hội Cảnh sát Quốc hội Gus Papathanasiou, khoảng 140 cảnh sát quốc hội và cảnh sát MPD đã bị thương, trong đó một số người bị thương nặng. "Có những cảnh sát không được cấp mũ bảo hiểm trước vụ tấn công đã bị chấn thương sọ não. Một người bị nứt hai xương sườn và dập hai đĩa đệm cột sống. Một người sắp bị mất một mắt và một người bị đâm bằng cọc hàng rào kim loại", Papathanasiou nói.

Quyền Giám đốc Cảnh sát Quốc hội Yogananda Pittman xin lỗi vì đơn vị đã không chuẩn bị đầy đủ cho cuộc tấn công, dù biết trước nhiều ngày rằng các nhóm vũ trang và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng sẽ gây mối đe dọa. Pittman đảm nhận vai trò này sau khi cựu giám đốc Cảnh sát Quốc hội Steven Sund từ chức sau cuộc bạo loạn.

"Chúng tôi biết có khả năng xảy ra bạo lực và quốc hội là mục tiêu. Chúng tôi chuẩn bị để đáp ứng những thách thức này, nhưng đã không làm đủ", Pittman nói, thêm rằng việc nói Cảnh sát Quốc hội không chuẩn bị cho cuộc bạo loạn và không thông báo cho cấp dưới là "vô lương tâm" và "không thể lý giải được". "Các sĩ quan tức giận, và tôi không trách họ. Toàn bộ đội ngũ điều hành đã thất bại và họ phải chịu trách nhiệm".

Huyền Lê (Theo Hill)

VNExpress

Quốc hội Mỹ, bạo loạn tại quốc hội, cảnh sát quốc hội, cảnh sát tự tử, Chính trị xã hội thế giới, Tin


© 2021 FAP
  3,530,729       1/1,119