TTO - Gần 200m nữa mới đến bãi rác An Thới, chúng tôi đã ngửi được mùi hôi nồng nặc. Con đường đất đỏ huyết mạch nối An Thới - Dương Đông xuống cấp nghiêm trọng do lượng xe chở rác cày ải suốt ngày đêm.
Mỗi ngày, hàng chục xe chở rác từ các nơi đến tập kết rác tại bãi rác An Thới, dù nhiều người dân cho biết bãi rác này đã quá tải - Ảnh: DUY KHÁNH |
Được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất ở khu vực ĐBSCL đối với du khách trong và ngoài nước những năm gần đây, nhưng vẻ “lung linh” của đảo ngọc Phú Quốc đã giảm đi ít nhiều do... rác thải.
Sau khi sân bay quốc tế Phú Quốc được nâng cấp cùng sự xuất hiện của các khu nghỉ dưỡng 3-5 sao, lượng du khách quốc tế và cả trong nước đến Phú Quốc ngày càng tăng.
Đặc biệt, hệ thống giao thông trên đảo đã được nâng cấp và mở rộng không những giúp Phú Quốc thay da đổi thịt, mà việc đi lại trên đảo cũng thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, hình ảnh rác thải vương vãi ở nhiều bãi biển, chất thành đống ở một số điểm tham quan du lịch và nhất là một số bãi tập kết rác khổng lồ đập vào mắt du khách khiến môi trường du lịch của Phú Quốc ít nhiều bị ảnh hưởng.
Rác dồn như núi
Hơn một tuần nay, khi UBND huyện Phú Quốc quyết định đóng cửa bãi rác Cửa Dương, tất cả lượng rác thải hàng trăm tấn mỗi ngày được chở xuống đổ tại bãi rác An Thới (khu phố 7, thị trấn An Thới), khiến bãi rác này trở nên quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhất là bãi rác này lại nằm phía đầu nguồn rạch Cầu Sấu - nơi có hàng ngàn hộ dân sinh sống phía cuối nguồn.
Mặc dù còn gần 200m nữa mới đến bãi rác An Thới nhưng chúng tôi đã ngửi được mùi hôi nồng nặc. Con đường đất đỏ huyết mạch nối An Thới - Dương Đông trước kia giờ xuống cấp nghiêm trọng do lượng xe chở rác cày ải suốt ngày đêm.
Bà Bùi Thị Hương (63 tuổi, người gắn bó với bãi rác An Thới gần 30 năm, giờ là người “quản lý” bãi rác này) cho biết: “Trước kia bãi rác này chỉ chứa rác của thị trấn An Thới, mỗi ngày trung bình hơn 10 tấn thì nay đã gấp 10 lần. Không khéo chỉ tháng sau thôi, cái bãi này cũng quá tải chứ đừng nói chi xa”.
Trong căn nhà lụp xụp ngay đầu bãi rác, gia đình anh Hoàng Văn Thiên (45 tuổi, trước đây vốn chạy xe chở rác cho Phòng Tài nguyên - môi trường Phú Quốc) đang ăn cơm nhưng vợ anh phải dùng nón lá quạt cho bớt... ruồi.
Anh Thiên cho biết mấy hôm nay trời mưa, lượng rác đổ về tăng đột biến nhưng không hề có biện pháp xử lý, chỉ đổ lộ thiên nên mùi hôi thối càng trở nên nghiêm trọng. Chỉ tay về phía ngọn núi Rađa sừng sững trước mặt, anh Thiên khẳng định: “Tháng sau anh quay lại đi, tui cam đoan bãi rác này cao hơn ngọn núi kia cho mà coi!”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Quốc Thới - chủ tịch UBND thị trấn An Thới - cho biết: “Khi huyện có kế hoạch đóng cửa bãi rác Cửa Dương và lượng rác thải của toàn huyện sẽ tập trung về bãi rác An Thới, tôi đã có ý kiến đề nghị xem lại.
Vì bãi rác An Thới vốn đã quá tải, lại nằm phía đầu nguồn rạch Cầu Sấu nên chắc chắn gây ô nhiễm con rạch này. Hàng ngàn hộ dân và một số công trình lớn đang xây dựng phía cuối rạch Cầu Sấu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”.
Trong khi đó bãi rác Cửa Dương dù đã ngưng tiếp nhận, nhưng núi rác khổng lồ rộng hơn 3ha nằm sát ngay con đường nhựa từ thị trấn Dương Đông đi các xã Cửa Cạn, Gành Dầu vẫn tiếp tục thải mùi hôi “tấn công” người qua đường.
Cũng nơi đây hằng ngày có hàng chục hộ gia đình nghèo dựng lều lục lọi tìm phế liệu, khiến khung cảnh càng nhếch nhác.
Bữa cơm trưa nhà anh Hoàng Văn Thiên gần bãi rác phải vừa ăn vừa quạt ruồi - Ảnh : DUY KHÁNH |
Rác khắp nơi!
Không chỉ chất ngất ở hai bãi tập kết nói trên, rác thải sinh hoạt của người dân và từ hoạt động du lịch cũng xuất hiện khắp nơi. Ngay tại khu vực Dinh Cậu - trái tim của thị trấn Dương Đông - cũng đầy rác.
Rác từ khu vực chợ đêm Dinh Cậu được công nhân vệ sinh quét gom thành đống cạnh công viên đường xuống Dinh Cậu. Có hôm đến 9g sáng chưa được bốc đi khiến nhiều du khách ra ngắm biển phải quay gót trở lui.
Hay các điểm du lịch được nhiều người khắp nơi tìm đến như suối Tranh, suối Đá Bàn, làng chài Hàm Ninh... đâu đâu cũng vương đầy rác.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, hiện nay lượng rác thải hằng ngày của Phú Quốc lên đến 300 tấn. Trong đó số được thu gom chỉ khoảng 150 tấn/ngày (50%), chủ yếu ở hai thị trấn Dương Đông và An Thới. Các xã còn lại mỗi ngày chỉ thu gom được khoảng 5 tấn rác thải. Lượng rác không được thu gom này phân tán khắp nơi, từ khu dân cư tới ven đường, bãi biển.
Nguyên nhân là do các dự án xử lý rác thải tại Phú Quốc chưa được đầu tư đồng bộ, nên lượng rác thải của hàng chục năm qua dồn lại ngày một chất chồng.
Từ năm 2005, quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Quốc đã đặt mục tiêu xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung và tiếp tục được nhắc lại tại quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ năm 2010, với hai khu vực cụ thể tại xã Cửa Dương và xã Hàm Ninh mỗi nơi quy mô 25ha.
Do đầu tư khu xử lý rác thải cần nguồn vốn lớn nên tỉnh Kiên Giang chủ trương kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, mãi đến năm 2015 mới có nhà đầu tư xúc tiến triển khai dự án và đến đầu năm 2016 Công ty CP năng lượng tái tạo Toàn Cầu (TP.HCM) mới được giao đất để xây dựng nhà máy xử lý rác thải công suất 200 tấn/ngày tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh.
Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện mặt bằng và theo cam kết của nhà đầu tư sẽ đưa vào hoạt động từ cuối quý 1-2017.
Với tốc độ phát triển của Phú Quốc như hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt, rác thải từ hoạt động du lịch sẽ còn gia tăng mỗi ngày. Nếu không khẩn trương đầu tư các nhà máy xử lý rác thải thì dù dự án xử lý rác thải nêu trên có kịp hoàn thành như cam kết, chắc chắn Phú Quốc còn phải loay hoay, chật vật với bài toán rác thải trong nhiều năm nữa.
* Bà HỒ THỊ THANH HƯƠNG (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Đồng Đội, Phú Quốc): Mỗi người phải chung tay hành động! Đúng là vấn đề rác thải là một gam màu tối trong bức tranh du lịch đầy màu sắc của Phú Quốc. Sự phát triển của Phú Quốc đã được nhìn thấy từ nhiều năm trước và đương nhiên câu chuyện rác thải cũng hoàn toàn có thể tính toán được, không phải là chuyện bất ngờ. Tiếc là việc thu gom và xử lý rác thải quá chậm nên hậu quả quá tải như hôm nay là tất yếu. Vấn đề cần nhất bây giờ là phải chung tay hành động ngay lập tức. Người dân tại chỗ, du khách cần ý thức hơn, không nên xả rác bừa bãi, hạn chế thấp nhất lượng rác thải càng tốt. Các cơ sở kinh doanh du lịch cũng phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần khẩn trương đầu tư nhà máy xử lý đủ công suất và tổ chức thu gom tốt hơn để trước mắt giải quyết được lượng rác phát sinh hằng ngày và xử lý lượng rác tồn đọng ở các bãi rác hiện nay. |
Giải pháp phát triển Du lịch xanh cho Phú Quốc Ngày 29-9, tại khu resort Sài Gòn - Phú Quốc sẽ diễn ra hội thảo “Quy chuẩn và giải pháp phát triển Du lịch xanh cho Phú Quốc”, do báo Tuổi Trẻ cùng với Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang và Vinpearl Phú Quốc phối hợp tổ chức. Đây là một trong các hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình Du lịch xanh Phú Quốc 2016. Hội thảo quy tụ khoảng 200 khách mời là các chuyên gia nghiên cứu, các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành. Ngoài việc công bố bộ tiêu chí ứng xử về Du lịch xanh Phú Quốc, các đại biểu tham gia hội thảo cũng sẽ bàn bạc tìm giải pháp giúp Phú Quốc phát triển du lịch nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, trong đó có câu chuyện về xử lý rác thải trên địa bàn hiện nay. |