Du lịch

​Thương con mắm thính Hội An

TTO - Không biết có tự bao giờ nhưng mắm thính đã trở thành món ăn gần gũi với người dân Hội An và khách du lịch. Nhiều du khách trước khi rời phố cổ còn tranh thủ mua ít mắm thính về làm quà cho người thân.

Mắm thính là một trong những mặt hàng được chuộng ở chợ Hội An nhất là những ngày vào mùa mưa
Mắm thính là một trong những mặt hàng được chuộng ở chợ Hội An, nhất là những ngày vào mùa mưa - Ảnh: T.Ly

Đến phố cổ Hội An, du khách thường không thể bỏ qua khu chợ Hội An, nơi lưu giữ nhiều tinh hoa văn hóa một thời thương cảng xưa. Đó là những mặt hàng truyền thống như chiếu Trà Nhiêu, sản phẩm gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng… và cả những món ăn truyền thống bình dân xứ Quảng.

Đặc biệt chợ Hội An là nơi họp mặt các loại mắm đặc sản chế biến từ những con cá, con tôm được đánh bắt từ biển Cửa Đại, Cù Lào Chàm..., trong đó có nhiều loại mắm thính.

Cư dân Hội An rất hiểu con cá xứ biển quê mình để chọn làm thính, phổ biến là cá de, cá chuồn, cá nục bởi các loại cá này thịt săn chắc, tươi, ngon và rất rẻ.

Để có một ghè cá thính ngon quả thật là rất cầu kỳ. Cá đem về bỏ ruột, đuôi và dùng nước muối nấu sôi để nguội rửa cá cho sạch, vớt ra để ráo. Khâu quan trọng là ủ cá với muối. Cứ bỏ một lớp cá vào hũ thì rắc một lớp muối mỏng, cẩn thận hơn người ta còn dùng nẹp tre để chần cá.

Đem hũ cá đã đậy kín phơi vài nắng, khi cá dậy mùi thì chắt cạn nước. Khâu tiếp theo là trộn cá với thính. Thính là thứ bột được giã nhỏ từ bắp rang hoặc gạo rang. 

Vớt cá ra để khô nước mới trộn thính và chờ cá cứng lại cho vào hũ, sau đó dùng lá dông phơi khô đậy kín cùng mo cau, thắng nước đường đen hòa chung với nước mắm đổ lên. 

Tiếp tục ủ thêm vài ngày. Tiếp xúc với thính sau một thời gian ủ và phơi nắng sẽ làm cá có mùi thơm đậm đà, thịt cá lúc này trở màu nâu vàng rất đẹp, đó cũng là lúc mắm chín tới.  

Mắm thính cá de thành phẩm sau gần hai tháng ủ
Mắm thính cá de thành phẩm sau gần hai tháng ủ - Ảnh: T.Ly
Mắm thính cá nục, cá chuồn thành  phẩm sau ba tháng ủ
Mắm thính cá nục, cá chuồn thành phẩm sau ba tháng ủ - Ảnh: T.Ly

Cá cơm, cá de từ khi mới làm đến lúc sử dụng được thường hai tháng, riêng cá chuồn, cá nục, cá trích phải đợi đến ba tháng.

Từ mắm thính, có thể chế biến thành các món ngon làm “mê mệt” nhiều người. Chỉ cần gắp vài con thính, đem ra chưng với cơm hay kho cùng thịt ba chỉ, một ít ớt quả, tiêu, nén.

Ngoài ra muốn lạ miệng có thể trộn mắm thính cùng với các loại dưa gan, dưa chuột.

Đặc biệt không thể quên rang cá thính với lá nén. Chỉ cần khử dầu phộng, cho cá thính vào, đợi cá thấm dầu lật đều hai mặt và thêm lá nén. Hạ nhỏ lửa đến khi mùi thơm lan tỏa, bay từ nhà này sang nhà khác đến nức cả mũi thì nhanh tay nhắc xuống.

Hiện nay nghề làm mắm thính của cư dân vùng cửa biển Hội An được Trung tâm bảo tồn di sản Hội An đưa vào danh sách nghề truyền thống và chọn làm điểm tham quan của tour sinh thái làng quê. 

Thế nên, dù rất giản dị nhưng mắm thính vẫn nghiễm nhiên trở thành món đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước.

Mắm thính chiên nén đã trở thành nổi nhớ thương của nhiều thực khách khi “lỡ” nếm thử một lần và cũng là món nhớ nhung của những người con xa quê
Mắm thính sống - Ảnh: T.Ly
Mắm thính chưng cơm - món ngon dân dã ở các vùng quê xứ Quảng
Mắm thính chưng cơm - món ngon dân dã ở các vùng quê xứ Quảng - Ảnh: T.Ly
Mắm thính chiên nén đã trở thành nổi nhớ thương của nhiều thực khách khi “lỡ” nếm thử một lần và cũng là món nhớ nhung của những người con xa quê
Mắm thính chiên nén đã trở thành nỗi nhớ thương của nhiều thực khách khi “lỡ” nếm thử một lần và cũng là món nhớ nhung của những người con xa quê - Ảnh: T.Ly
THANH LY
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,812,614       66/897