TTO - Ngày 7-11, tại buổi nói chuyện chuyên đề về phát triển du lịch với người dân, giáo viên, học sinh và tiểu thương ở Phú Quốc, các chuyên gia khẳng định người dân địa phương giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường du lịch.
TS - kiến trúc sư Ando Katsuhiro, chuyên gia phát triển du lịch của JICA, giao lưu với các em học sinh Trường THPT An Thới tại chương trình giao lưu chung tay đồng hành cùng du lịch xanh Phú Quốc - Ảnh: HỮU KHOA |
Đây là một trong các hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình “Du lịch xanh Phú Quốc 2016”, do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức với sự đồng hành của Vinpearl Phú Quốc.
Phải biết yêu du lịch!
Mở đầu buổi giao lưu tại Trường THPT An Thới, TS Ando Katsuhiro - chuyên gia phát triển du lịch thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - dẫn những hình ảnh con kênh, góc phố đầy rác tại Phú Quốc mà ông vừa chụp được và đặt câu hỏi: “Các em muốn Phú Quốc mình sẽ là một hòn đảo xinh đẹp hay một nơi đầy rác?”.
Dù thừa nhận chuyện ô nhiễm môi trường, rác thải tràn lan không chỉ có ở Phú Quốc mà ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng ông Katsuhiro dẫn câu chuyện xử lý rác tại đảo Okinawa (Nhật Bản) rồi khẳng định vai trò của cộng đồng mang tính quyết định.
Theo ông Katsuhiro, để giải quyết nguy cơ “ngập rác”, người dân Okinawa cùng nhau phân loại rác ngay từ trong nhà, vừa thuận tiện xử lý vừa có nguồn tái chế. Các bà nội trợ đi mua sắm cũng tự mang theo giỏ đựng hàng hóa chứ không được cho không túi nilông như ở VN.
“Tôi thấy ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), người dân đã đồng lòng nói không với túi nilông là một điển hình rất thành công mà Phú Quốc có thể áp dụng” - ông Ando Katsuhiro nói.
Cũng theo ông Ando Katsuhiro, học sinh ở Okinawa được hướng dẫn các trò chơi đóng vai người mua sắm để tự đưa ra những lựa chọn sao cho tiết kiệm chi phí nhất và ít tạo ra rác thải nhất, đồng thời khuyến khích Phú Quốc có kế hoạch đưa vào chương trình giáo dục ngoại khóa những bài học về bảo vệ môi trường để giúp các em hình thành thói quen tốt ngay từ buổi ban đầu.
“Ở Cù Lao Chàm, các em học sinh được trang bị kiến thức về môi trường và tôi biết có rất nhiều nhóm học sinh còn hướng dẫn cho khách du lịch phân loại rác thải. Đây là một kinh nghiệm rất thú vị” - ông Ando Katsuhiro dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN - cũng khuyên các em học sinh phải biết tự hào mình đang làm chủ một hòn đảo tuyệt đẹp và phải có ý thức gìn giữ nó.
Theo ông Thọ, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của cả nước, riêng với Phú Quốc vai trò của kinh tế du lịch càng quan trọng gấp bội. Người dân, trong đó có thế hệ học sinh, cần hình thành văn hóa du lịch để đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của Phú Quốc.
“Làm du lịch phải đam mê và dành sức cho nó mới làm tốt. Lãnh đạo Kiên Giang và Phú Quốc phải hết sức yêu du lịch mới có thể khai thác tốt tiềm năng du lịch của Phú Quốc. Các em cũng vậy, các em phải biết yêu Phú Quốc, yêu du lịch” - ông Thọ nói.
Mỗi người là một “đại sứ du lịch”
Chia sẻ với người dân thị trấn Dương Đông và tiểu thương chợ đêm Phú Quốc, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng Phú Quốc có vị trí đặc biệt trong bản đồ du lịch VN và cả khu vực.
Dân số Phú Quốc khoảng 100.000 người nhưng từ đầu năm đến nay đã đón hơn 1 triệu khách du lịch và dự kiến chỉ năm năm nữa là đạt mục tiêu 2,5 triệu khách.
“Nơi mà chúng ta thấy đáng sống nhất là nơi du khách sẽ tìm đến. Chúng ta xây dựng Phú Quốc xanh sạch, trước hết nơi đây trở thành nơi đáng sống cho bà con và sẽ là nơi thăm viếng của du khách” - ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, nhiều du khách yêu Phú Quốc nên đã chụp những bức ảnh rồi chia sẻ trên mạng xã hội bày tỏ sự tiếc nuối cho Phú Quốc. Vì thế, người dân tại chỗ của Phú Quốc phải thấy thấm thía.
Chính quyền sẽ đầu tư xử lý rác nhưng mỗi người dân phải có trách nhiệm hạn chế thấp nhất lượng rác thải từ việc kinh doanh, sinh hoạt của mình.
“Riêng khu vực chợ đêm là nơi du khách trong và ngoài nước đến rất nhiều. Tôi đề nghị ở đây nên trang bị những cụm gồm ba thùng rác để phân loại, tận dụng nguồn tái chế, biến rác thành tiền để đầu tư bảo vệ môi trường” - ông Thọ gợi ý.
Ông Thọ cũng kêu gọi người dân, tiểu thương hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilông vì nếu sử dụng không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường rất trầm trọng.
Mỗi người dân, tiểu thương và nhân viên bán hàng là những người tiếp xúc trực tiếp với du khách trong và ngoài nước nên phải thể hiện lòng mến khách, để du khách mang theo về những ấn tượng tốt đẹp.
“Mỗi tiểu thương là một “đại sứ du lịch” nên cần phục vụ du khách với nụ cười luôn nở trên môi, một nụ cười mang thương hiệu Phú Quốc” - ông Thọ gợi ý.
Đặc biệt, theo ông Thọ, tiểu thương cần buôn bán với một phong thái hết sức văn minh, đừng nói thách với khách, đã bán hàng thì phải niêm yết giá.
“Chính quyền không quy định bà con phải bán bao nhiêu, nhưng mình làm ăn tử tế, muốn bán 10.000 phải ghi 10.000 để khách thấy thích, hợp lý thì mua” - ông Thọ gợi ý.
Anh Nguyễn Tuấn Anh - quản lý cửa hàng ẩm thực Quốc Anh tại chợ đêm Phú Quốc - thừa nhận việc niêm yết giá không khó và sẽ làm du khách an tâm, nhưng “mặt hàng hải sản tươi sống do phụ thuộc vào thời tiết nên giá cả biến động hằng ngày, phải cập nhật rất mệt”.
Em Trần Thị Mai Xuân (lớp 10C2): Sẽ vận động bạn bè, gia đình và hàng xóm phân loại rác Em từng tham gia nhiều chương trình thu gom rác thải do nhà trường tổ chức nhưng vài ngày sau quay lại, rác thải còn nhiều hơn trước. “Qua chương trình hôm nay, em sẽ có thêm cách để vận động bạn bè, gia đình và hàng xóm phân loại rác sinh hoạt hằng ngày, vì hiện nay cả đảo này chưa có nhà máy xử lý rác. Anh Bùi Văn Lợi (39 tuổi, ở khu phố 5, thị trấn An Thới): Kinh nghiệm của Nhật rất đáng quý Câu chuyện mà các chuyên gia chia sẻ rất thiết thực. Tôi thấy những việc mà người Nhật làm để bảo vệ môi trường rất đơn giản nhưng người Việt mình lại không làm. Theo tôi, những kinh nghiệm như thế này nếu phổ biến và áp dụng sâu vào từng khu dân cư, xóm ấp sẽ có hiệu quả thiết thực hơn. |
Tiểu thương cam kết “4 không” Ngay sau buổi giao lưu, nhiều tiểu thương chợ đêm Phú Quốc đã đăng ký chung tay đồng hành cùng chương trình Du lịch xanh Phú Quốc. Theo đó, các tiểu thương cam kết thực hiện “4 không”, gồm: không xả rác ra sông và đường phố, không xả nước thải trực tiếp ra môi trường, không tráo đổi hải sản khi chế biến phục vụ du khách, không sử dụng túi nilông để đựng thực phẩm. |