Du lịch

Du lịch Việt Nam, sao cứ khoác mãi chiếc áo xoàng xĩnh?

TTO - Khi bạn mặc xoàng xĩnh, người ta sẽ nhớ đến chiếc váy. Còn khi mặc lộng lẫy, hiển nhiên họ sẽ nhớ tới bạn.

Sự cũ kỹ, nhàm chán là vấn đề của du lịch Việt Nam hiện tại. Ảnh T.VINH
Sự cũ kỹ, nhàm chán là vấn đề của du lịch Việt Nam hiện tại - Ảnh: T.VINH

Câu nói trên của Coco Chanel có thể ứng với du lịch Việt Nam lúc này. Dường như bấy lâu nay, chúng ta đang khoác cho du lịch Việt Nam một tấm áo quá xoàng xĩnh mà chẳng chịu thay mới, để nhiều du khách chỉ đến Việt Nam một lần rồi không bao giờ trở lại.

Manh áo cũ của những sự nhàm chán

Một anh bạn người Úc sang Việt Nam chơi 10 ngày. Dẫn anh lên Tây Bắc, xuôi xuống Trung bộ, rồi vào tận miền sông nước Cửu Long, hỏi anh thấy Việt Nam sao, anh bảo: “Đẹp, nhưng hơi buồn”.

Mà buồn thật. Ngay trung tâm Hà Nội, hết đi quanh bờ hồ, ngắm phố cổ, qua quảng trường Ba Đình vô Hoàng thành xong rồi thì… chả biết đi đâu nữa. Nói như ông Nguyễn Thái Dũng, phó tổng giám đốc Công ty Thăng Long GTC: “Buổi tối ở Hà Nội du khách chỉ có một việc duy nhất là ngủ tại khách sạn”.

Nhìn ra xa chút, thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đi hoài không chán. Nào Petronas Tower, Lake garden, động Batu, công viên giải trí Sunway Lagoon với hồ bơi lớn nhất thế giới, các trò chơi mạo hiểm thú vị… và trải nghiệm cảm giác run rẩy trên cây cầu đi bộ cao nhất thế giới hay Thủy cung Aquaria KLCC với hơn 150 loại sinh vật biển.

Sang Bangkok, thấy khách du lịch chen chân, mà đi mãi vẫn không hết các điểm đến hấp dẫn du khách nhất thế giới năm 2016 này. Bangkok hiện đại với những tòa cao ốc, những trung tâm mua sắm chọc trời, nhưng cũng rất điền viên với chợ nổi, với những mái chùa cổ kính. Bangkok sôi động với những chương trình tạp kỹ vui nhộn, những món ăn đường phố… nhưng cũng có lúc trầm lặng trong sự thanh bình, duyên dáng khi nhìn từ dòng sông vương triều Chao Phraya.

Đảo ngọc Phú Quốc. Ảnh N.ÁNH
Đảo ngọc Phú Quốc - Ảnh: T.VINH

Hôm rồi, gặp chị hướng dẫn viên người quen ở Tiền Giang, nghe chị nói mà buồn: “Dạo này du khách đến du lịch sinh thái Tiền Giang vẫn thưa lắm. Dịch vụ mình kém quá, bao năm rồi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có uống trà mật ong, ăn trái cây, nghe ca vọng cổ, chèo xuồng...”.

Đi miệt vườn sông nước buồn là vậy, đi biển đâu đâu cũng thấy một màu. Vô Phan Thiết - Mũi Né tắm xong rồi đi chơi cồn cát, bấy lâu nay chủ yếu là khách Nga, rồi giờ thì khách Nga cũng thưa. Qua Đà Nẵng, Hội An thấy du lịch khởi sắc chút ít nhưng cũng chỉ sang ngày thứ hai là hết chỗ vui chơi.

Sự cũ kỹ, nhàm chán cứ lặp đi lặp lại. Thiên nhiên ban cho du lịch Việt Nam cái áo đẹp, nhưng cái áo ấy bấy lâu nay đã cũ mòn, sờn rách. Chưa kể ý thức làm du lịch của người dân mình còn phải nói dài dài.

Ông Đặng Việt Dũng - phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - không ngần ngại chỉ ra hàng loạt điểm yếu: sản phẩm du lịch nghèo nàn, nhiều địa phương chỉ “chăm chăm” phát triển di sản mà thiếu sự sáng tạo đưa ra sản phẩm du lịch có sức hút, độc đáo.

Đà Nẵng về đêm. Ảnh N.ÁNH
Đà Nẵng về đêm - Ảnh: T.VINH

May áo đẹp cho du lịch Việt Nam - chần chừ gì nữa?

Nếu xét về điều kiện thiên nhiên ưu đãi, du lịch Việt Nam hơn hẳn những quốc gia khác như Singapore hay Thái Lan, Malaysia. Nhưng chúng ta có vải đẹp mà thiếu thợ may giỏi.

Hãy nhìn Sentosa của Singapore. 20 năm trước, hòn đảo này chỉ là một làng chài nhỏ bé, nghèo và lạc hậu. Những nhà đầu tư kinh doanh du lịch đã biến đảo Sentosa trở thành điểm du lịch phức hợp vô cùng ấn tượng với hơn 5 triệu du khách mỗi năm. Để thật sự đi hết Sentosa, có lẽ bạn phải mất ít nhất là 2 ngày. Sentosa có đến 15 khách sạn và resort, chưa kể một Resorts World Sentosa sang trọng bậc nhất thế giới. Các điểm giải trí ở Sentosa có thể chiều lòng từ ông già đến con trẻ. Riêng với trẻ em, Sentosa là thiên đường giải trí.

Thái Lan thì sao? Người Thái làm du lịch không phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên. Trong làng văn hóa Noong Noc rộng tới 8 ha, tất cả các loại hình từ dịch vụ tới sân khấu, khu mua sắm đều do con người kiến tạo. Safari World hoàn toàn do tư nhân bỏ tiền ra thiết kế, xây dựng và vận hành. Nhiều loại thú quý hiếm ở đây chẳng buồn chạy khi ôtô đi sát chúng. Và ngay cạnh vườn thú thiên nhiên là khu vui chơi giải trí, nơi khách có thể xem cá heo biểu diễn, hải cẩu làm xiếc…

Cách đây ba năm, trong một lần chia sẻ kinh nghiệm thu hút du khách quốc tế của Malaysia, cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch Malaysia tại Việt Nam, ông Mohd Akbal Setia, đã nói: “Nét nổi bật của du lịch Malaysia là các sản phẩm du lịch đa dạng, đẳng cấp quốc tế với mức giá cạnh tranh. Malaysia tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm, mua sắm… và luôn chú trọng sáng tạo các sản phẩm du lịch mới để thỏa mãn mọi nhu cầu của du khách khắp nơi trên thế giới…”.

Cảnh đẹp Sapa. Ảnh T.VINH
Cảnh đẹp Sa Pa - Ảnh: T.VINH

Việt Nam, theo nhận định của ông Mohd Akbal Setia, có “đầy đủ lợi thế để thu hút đông đảo du khách quốc tế, nền văn hóa đa dạng, phong phú, lâu đời, sở hữu nhiều di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, những bãi biển, vịnh đẹp hàng đầu trên thế giới… Đó chính là những điều kiện để Việt Nam khai thác, sáng tạo thành nhiều sản phẩm du lịch phù hợp”.

Rõ ràng, du lịch Việt Nam đang cần thay áo mới. Chiếc áo đó nếu không được “lộng lẫy” như Coco Chanel nói, thì chí ít cũng cần có sự khác biệt, độc đáo. Và việc của chúng ta là đi tìm những thợ may có tiềm lực, có tài năng chứ không phải cứ khư khư giữ lấy tấm vải đẹp được ban tặng và để nó mục mòn theo năm tháng với những suy nghĩ bảo thủ, ăn bám vào thiên nhiên, di sản. 

QUANG ĐẠT
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,739,137       21/984