Du lịch

Mộ cự thạch Hàng Gòn 2.000 năm tuổi thành điểm đến đặc biệt

TTO - Mộ Cự thạch Hàng Gòn có niên đại khoảng 2.000 năm vừa đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Mộ cự thạch Hàng Gòn (thị xã Long Khánh) - Ảnh: A.LỘC

Ngày 22-11, UBND tỉnh Đồng Nai công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt cho di tích khảo cổ mộ cự thạch Hàng Gòn (thị xã Long Khánh) của Thủ tướng và bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia cho Văn miếu Trấn Biên 
(TP Biên Hòa).

Tại buổi lễ, ông Lê Kim Bằng - giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đồng Nai, cho biết Mộ cự thạch Hàng Gòn là di chỉ khảo cổ duy nhất trong số hàng trăm địa điểm, di chỉ khảo cổ có phát hiện vết tích nền văn hóa cổ trên địa bàn tỉnh được xếp hạng.

Di chỉ khảo cổ Mộ cự thạch Hàng Gòn thuộc loại hình Dolmen có kiến trúc độc đáo, quý hiếm không những ở Việt Nam mà tầm cỡ khu vực và thế giới, được kỹ sư cầu đường người Pháp J.Bouchot phát hiện vào năm 1972 trong khi thi công đường.

Từ khi phát hiện đến nay, nhiều đợt điều tra, khảo sát, thám sát, khai quật, nghiên cứu đã được thực hiện. Qua các mẫu vật khai quật được, các nhà khoa học xác định niên đại của di tích Mộ cự thạch Hàng gòn trong khoảng thời gian 150 trước công nguyên đến 240 năm sau công nguyên.

Năm 2011, dự án trùng tu, tôn tạo di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn được khởi công thực hiện trên diện tích 37.120m2 với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Ảnh: Ban quản lý di tích và danh thắng Đồng Nai

Di tích là một nấm mồ được làm bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30-40 tấn. Ngôi mộ hình hộp chữ nhật, dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m được ghép bới 6 tấm đá hoa cương bào khá nhẵn mặt ngoài, bên trong đục đẽo sơ sài.

Bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Liên kết giữa tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn.

Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5 mét, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,1m x 0,3m phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.

Ông Lê Kim Bằng cho rằng di tích Mộ cự thạch Hàng gòn là nguồn dữ liệu quan trọng góp phần nghiên cứu tiến trình lịch sử của khu vực.

Theo Ban quản lý di tích và danh thắng Đồng Nai, "trải qua thời gian dài tồn tại với bao biến thiên của tự nhiên, xã hội, các khối đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt để lại nhiều bí ẩn thú vị mà cho đến nay vẫn cần những giải mã thấu đáo.

Đó là bằng cách nào người cổ vận chuyển những tấm đá, trụ đá hoa cương nặng hàng chục tấn từ các địa điểm khác đến Hàng Gòn vốn là vùng rừng núi bạt ngàn, địa hình khó khăn, đường thủy không có? Cư dân cổ đã sử dụng kỹ thuật gì để dựng các trụ đá, nâng hạ các tấm đan to lớn, ghép chúng thành một dạng hầm mộ độc đáo?

Tại sao cư dân cổ xây dựng hầm mộ ở Hàng Gòn là hình khối chữ nhật mà không là các dạng thức khác? Vùng Hàng Gòn chỉ có duy nhất một hầm mộ hay là còn những hầm mộ khác của cư dân cổ mà con người ngày nay chưa phát hiện?

Mộ Cự thạch Hàng Gòn có phải là một “dấu chỉ” về một kho báu nào đó mà con người ngày nay chưa giải mã được..."

Với ý nghĩa và vị thế ấy, Chính Phủ, Bộ VH-TT&DL và các bộ ngành Trung ương, các Viện nghiên cứu, trường đại học hỗ trợ kinh phí, nhân lực giúp tỉnh Đồng Nai bảo quản, tu bổ, tôn tạo và quản lý khai tích di tích đúng quy định, góp phần tạo nên diện mạo khang trang như hiện nay.

Trong khi đó, Ban quản lý di tích và danh thắng Đồng Nai cho rằng "trong các tuyến du lịch của tỉnh Đồng Nai, tuyến Xuân Lộc - Long Khánh với di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn, ngoài các giá trị khảo cổ học, việc khai thác phát triển du lịch tâm linh, tham gia các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí tại di tích cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Cụ thể hàng năm, vào ngày 13-9 âm lịch tại di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn, Lễ hội vía Ông Đá (tên gọi trong dân gian về Mộ Cự Thạch) với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, thể hiện được lòng ngưỡng vọng của người dân đối với bậc thần linh với sự tham dự của hang ngàn người dân và du khách.

Ban quản lý di tích và danh thắng Đồng Nai đánh giá: "Với tiềm năng hiện có và nếu được sự đầu tư, quảng bá hợp lý di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn hứa hẹn sẽ trở thành một điểm tham quan, nghỉ ngơi và hoạt động văn hóa hấp dẫn cho nhân dân và du khách, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương cũng như bảo vệ, phát huy các giá trị di sản khảo cổ học độc đáo cho thế hệ hôm nay và mai sau".

A LỘC
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,722,781       18/964