Du lịch

Du lịch - cần câu cho cộng đồng nghèo

TTO - Xu hướng du lịch cộng đồng vì phát triển bền vững đang trở thành xu thế những năm gần đây. Tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đặc biệt hỗ trợ loại hình này với những thành công đã hiển hiện.

Nhân viên Chay Lap farmstay tự tin trao đổi bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài đến lưu trú - Ảnh: THANH LIÊM
Nhân viên Chay Lap farmstay tự tin trao đổi bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài đến lưu trú - Ảnh: THANH LIÊM

Có một thực tế đang đổi thay tại một số xã nghèo ở tỉnh Quảng Bình. Những con người trước đây chỉ biết sống nhờ rừng, thậm chí khai thác gỗ rừng, giờ đây biết làm du lịch theo cách chuyên nghiệp.

Ông Võ Xuân Thái, 68 tuổi, từng có gần 50 năm gắn bó tại đất Chày Lập một bên là núi một bên là sông này. Ông chẳng khác một thổ địa rành rẽ từng mẩu đất, khoảnh rừng ở đây.

242 hộ dân với tổng cộng 1.016 nhân khẩu ở Chày Lập, thuộc xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, xưa nay chỉ biết làm ruộng và vào rừng khi vụ mùa đã xong. Nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Tính ra có đến 75% hộ dân ở đây từng được xếp vào diện nghèo.

Khi hoạt động khai thác rừng bị cấm đoán, người dân càng hoang mang với những vuông đất không đủ nuôi sống gia đình. Thế rồi xuất hiện ý tưởng khai thác du lịch cho địa phương với chính người dân nơi đây làm chủ xị.

Du lịch cây nhà lá vườn

Một khoảnh đất vốn chỉ là đất hoang bên chân núi được chọn lựa. Chính người dân địa phương cũng không thể hình dung nơi đó có thể dùng làm cho nghỉ dưỡng du lịch. Những người nước ngoài có cách nhìn khác.

“Họ đã khảo sát kỹ lưỡng với du khách nước ngoài rồi mới chọn địa điểm này” - ông Lê Thế Lực, giám đốc dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mekong tỉnh Quảng Bình, cho biết.

Dự án thành hình với vốn vay ODA từ ADB. Hợp tác xã du lịch cộng đồng Chày Lập ra đời năm 2008 và ông Võ Xuân Thái là người được bà con tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Họ háo hức với một viễn cảnh mới không phải lệ thuộc vào những sào đất một năm hai mùa vụ và sống dựa vào rừng.

Người dân ngay tại địa phương được đưa vào học trong 12 lớp ngắn hạn tập huấn kỹ năng nghề phục vụ du lịch, tiếp thị các sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng, nấu ăn phục vụ du khách, tiếng Anh giao tiếp trong du lịch...

Địa thế đẹp phù hợp cho loại hình nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên. Người dân Chày Lập tuy vậy rất trầy trật với ngành nghề mới toe: làm du lịch đón khách trong và ngoài nước. Họ cũng nghĩ đơn giản như lúc ý tưởng lóe ra: cứ đi ắt thành đường.

Con đường dẫn vào khu nghỉ dưỡng không xa trục đường chính là mấy nhưng đến là gian nan. Người dân vẫn chỉ làm theo cách đơn giản: khách đến thì đón, không có thì về nhà làm nông. Gần năm năm liền, hợp tác xã du lịch của họ đón không bao nhiêu khách.

Như ông chủ nhiệm Xuân Thái cũng thừa nhận: họ đã khai thác du lịch địa phương không được tốt vì yếu về năng lực quản lý và ngoại ngữ để giao tiếp với du khách và quảng bá.

Điều đó cũng phản ánh qua thu nhập có được khi tự làm du lịch kiểu cây nhà lá vườn: khách ít nên thu nhập cũng ít, nhiều tháng thành viên trong hợp tác xã chỉ được chia 200.000 - 300.000 đồng/người.

Bàn tay chuyên nghiệp

Ban quản lý dự án của tỉnh Quảng Bình quyết định thay đổi phương cách với sự đồng thuận của người dân địa phương.

Họ chọn cách kết hợp với công ty du lịch chuyên nghiệp. Tổ chức đấu thầu rõ ràng với yêu cầu rõ: cho thuê dài hạn toàn bộ tài sản sẵn có để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào khu vực sẵn có, sử dụng 75-80% lao động địa phương.

Phụ nữ ở làng A Ka tham gia dệt loại vải của người Tà Ôi - có tên gọi là dèng - để bán cho du khách khi không phải làm nương rẫy. Dự án do ADB tài trợ tại đây đã bước đầu giúp nguồn thu từ du lịch đạt mức 11.700 USD và bán sản phẩm lưu niệm đạt 18.000 USD. Hai doanh nghiệp du lịch cộng đồng đã tuyển dụng 107 người, trong đó 48% là phụ nữ - Ảnh: THANH LIÊM

Công ty lữ hành Oxalis trúng thầu vào năm 2014. Bộ mặt của làng du lịch cộng đồng Chày Lập (tên tiếng Anh là Chay Lap farmstay) thay đổi hẳn từ đó. Điển hình như cô Lê Thị Huế, con dâu làng Chày Lập, đang làm bếp tại Chay Lap farmstay.

Người con gái thôn Thanh Sen lân cận trước đây chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời với mấy sào ruộng của gia đình.

Sau khi được tập huấn về nấu ăn, bà mẹ hai con này nay đã trở thành một phụ bếp chuyên món Á ở Chay Lap farmstay. Cô cùng 60 nhân viên của khu nghỉ dưỡng cũng được đào tạo chuyên nghiệp hơn từ sự huấn luyện của chuyên gia nước ngoài do Công ty Oxalis giới thiệu đến.

Con đường dần hình thành rõ nét hơn qua những quảng bá trên mạng với kiểu làm việc chuyên nghiệp và tiếng tăm sẵn có của Oxalis. Cuộc sống của cô Huế vì thế cũng đổi thay nhanh chóng. Cô đã có hợp đồng với công ty. Có lương ổn định 3,5 triệu đồng/tháng và chồng cô có mức lương 5 triệu đồng/tháng với công việc bảo trì.

Ngoài giờ làm việc theo ca 8 giờ mỗi ngày, nhà ngay cạnh đó, cô Huế vẫn có thể tiếp tục chăm con và làm nghề nông khi vào mùa.

Làm một phép toán đơn giản, cô con dâu thôn Chày Lập cũng tính ra được lợi ích của du lịch đang đem lại cho gia đình cô: trước đây thu nhập từ trồng trọt trên 5 sào ruộng của gia đình với 2 mùa mỗi năm, có trúng thì chỉ thu về được 30 triệu đồng cả năm với công sức của bốn người làm.

Chay Lap farmstay hiện có 27 phòng. 62 nhân viên ở đây thay ca làm việc theo cách chuyên nghiệp.

Quan trọng hơn là loại hình này đã giúp nhiều phụ nữ địa phương như cô Huế bởi có đến phân nửa trong số đó là nữ, và Công ty Oxalis cũng đảm bảo cam kết lúc trúng thầu khi bước đầu sử dụng 25 người ở trong thôn Chày Lập và một số người ở các thôn lân cận hoặc trong tỉnh Quảng Bình.

Ông Nguyễn Châu Á - giám đốc Công ty lữ hành Oxalis - thừa nhận công việc bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm làm đến cùng bởi người con Quảng Bình này muốn làm nhiều việc hơn cho quê nhà.

Ông Lê Thế Lực thì chỉ đưa ra một nhận xét đủ để cho thấy hiệu quả của sự bắt tay giữa doanh nghiệp lữ hành chuyên nghiệp với cộng đồng địa phương: “Họ đã làm tốt hơn suy nghĩ của tôi”.

Theo ông, vấn đề ở đây là cần có cái nhìn và cơ chế thông thoáng trong việc quản lý tài sản công, nhất là trong các dự án phát triển nông thôn, hỗ trợ cộng đồng, cần thay đổi tư duy về quản lý tài sản công cho các doanh nghiệp tư nhân có năng lực quản lý, khai thác...

Giờ đây người dân thôn Chày Lập đã có thể nghĩ đến tương lai. “Không còn người dân nào ở địa phương vào rừng khai thác nữa”, ông Xuân Thái khẳng định. Số hộ dân nghèo cũng đã giảm mạnh xuống chỉ còn 34,7%.

Không chỉ làm việc ở khu Chay Lap farmstay, còn có 70 người dân địa phương được đến hành nghề chụp ảnh, chèo thuyền cho du khách ở khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Họ được chọn lựa vì đã tham gia các khóa tập huấn nghề nghiệp nằm trong dự án.

Người dân ở Chày Lập giờ bắt đầu đầu tư cho giáo dục. Theo lời ông Xuân Thái, trước đây con trẻ ở thôn chỉ được học đến lớp 3, lớp 4 rồi ở nhà phụ cha phụ mẹ. Nay riêng thôn Chày Lập đã có 47 em đang học cấp II và 13 em học cấp III.

Có lẽ cái được lớn nhất của dự án hỗ trợ cộng đồng không thể chỉ tính bằng những đồng lương cụ thể. Nó còn là sự thay đổi nhận thức trong từng hộ gia đình, từng người dân.

“Điều tôi thấy rõ nhất là cách sống của người dân ở thôn đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Bà con đã điều chỉnh cách cư xử, phát ngôn, ý thức tốt hơn về hệ thống vệ sinh trong nhà và xung quanh để làm đẹp trong mắt du khách”, ông Xuân Thái nhận xét.

Ưu tiên đầu tư cho du lịch

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có nhiều kế hoạch đầu tư cho loại hình du lịch cộng đồng nhiều năm qua ở các quốc gia châu Á. Loại hình này đã chứng tỏ hiệu quả ở nhiều nước trong khu vực.

Trong tổng kết sơ bộ liên quan các dự án tài trợ cho phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh thành của Việt Nam vừa thực hiện xong, chuyên gia Steven Schipani của ADB ghi nhận riêng về tác động của dự án tại Chày Lập:

“Với thu nhập ít nhất 166 USD mỗi tháng/người và sử dụng khoảng 60% thực phẩm có nguồn gốc từ địa phương, Chày Lập farmstay đã chi trả khoảng 800.000 USD tiền lương hằng năm cho người lao động và 18.000 USD chi trả cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Ước tính trong năm 2016, khoảng 5.000 khách tới thăm khu du lịch và 40% lưu trú tại Chày Lập sẽ đem lại khoảng 394.000 USD trong năm hoạt động đầu tiên theo mô hình tư nhân quản lý”.

Những con số đó không biết nói dối.

THANH LIÊM
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,709,865       26/940