Du lịch

Ăn vặt ở chợ... ​“xịn” của dân Naples

TTO - Người Ý có câu “Vedi Napoli e poi muori - See Naples and die” với hàm ý hãy đến Naples, thưởng thức Naples rồi hãy chết, nhưng cậu bạn tôi mỗi ngày tỉnh giấc ở Naples đều nói “Eat Naples and die”, tạm dịch "đến Naples, ăn cho đã rồi hãy chết"!

Khu chợ nhỏ nằm giữa các con phố dưới chân các dãy nhà cao tầng - Ảnh: Thủy OCG

Bạn nhấp một ngụm cafe espresso, mắt vẫn không rời tấm bản đồ Naples chằng chịt, lẩm bẩm như tự bảo “Muốn biết cuộc sống thật sự của một điểm đến, hãy đi ra chợ”. Và chúng tôi cùng châu đầu trên tấm bản đồ, vạch ra những con phố mà mình sẽ đi qua để tới chợ địa phương Naples, chỉ cách khách sạn khoảng 15 phút đi bộ.

Bản thân những con phố mà chúng tôi đi qua đã là một phần của cái chợ khổng lồ Naples, những quầy hàng san sát, với vô số các mặt hàng từ quần áo, giầy dép, túi xách đến các cửa hàng hoa, đồ lưu niệm, trang trí, quầy bánh ngọt, hàng kem, quán cà phê hay cửa hàng tạp hóa.

Người và xe như nêm trên phố, sống động, rộn ràng. Đôi khi, thật khó để phân biệt du khách và dân bản địa, trừ khi thấy ai đó đứng lơ ngơ trên vỉa hè nhìn ngược nhìn xuôi tay cầm cuốn sách hay tấm bản đồ kiểu như chúng tôi.

Chợ... “xịn” của dân Naples

Cái chợ mà chúng tôi muốn tới, là cái chợ “xịn” của dân Naples, không phải chợ dành cho khách du lịch, nơi họ bán thực phẩm, hàng tiêu dùng, những thứ đồ ăn thức uống hàng hóa thiết yếu mà bất kỳ người dân thành Naples nào cũng cần có để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, với giá cả đáp ứng mức thu nhập của họ, phù hợp với lối sống hay thói quen truyền thống.

Một nơi, mà văn hóa sống Naples sẽ hiện lên rõ nét đậm đặc nhất, với những khách du lịch tò mò thích khám phá, trải nghiệm mà không có nhiều thời gian để la cà và tận hưởng.

Như bất kỳ một khu phố Naples điển hình nào, khu chợ thuộc quận Montecalvario nằm giữa những khối nhà cao tầng cũ kỹ, san sát, cao vút tạo ra những lối đi dài và hẹp.

Những khoảng tranh sáng tranh tối, tranh nắng, tranh gió kéo dài tưởng như bất tận, và quần áo, chăn đệm, ga gối được phơi phóng tài tình trên ban công, hay ngoài ô cửa sổ, nối từ nhà nọ sang nhà kia.

Đây vốn dĩ là một hình ảnh đặc biệt thú vị có tính đóng đinh của người Ý đã được ghi vào trong nhiều phim ảnh, giờ đang hiển hiện trước mắt, một cách sống động và ngọt ngào.

Tại nơi các tòa nhà cao tầng gặp nhau có một khoảng trống khá lớn, ở đó, là những quầy hàng rau củ, hoa quả, áo quần, mũ nón, xe máy, thùng hộp chia nhau chỗ đứng.

Những ông bà già đẩy xe hàng đi chợ, mấy cô gái rám nắng, chân dài rảo bước trên con phố lát đá, cánh thanh niên đẹp trai hối hả, đâu đó lạc vào những vị khách du lịch ngác ngơ.

Sát vỉa hè và đôi khi ngay giữa lòng ngã ba ngã tư những con phố nhỏ là những quầy hàng rong bán thắt lưng, túi xách, giầy dép, phụ kiện trang điểm và các loại phụ kiện đồ chơi linh tinh khác, không phân biệt khách hàng là người bản địa hay từ xa tới, được bày biện một cách tận dụng và linh động.

Người bán hàng chủ yếu là cánh đàn ông, không nói được nhiều tiếng Anh, nhưng sẵn sàng mời mọc và trả giá, mặc cả với khách du lịch bằng chiếc máy tính hoặc những ngón tay hay điệu bộ cơ thể.

Rất hào hứng và nhiệt tình, không có vẻ chèn ép hay chộp giật, cũng như không có những dấu hiệu nguy hiểm nào cho thấy Naples vốn hay được nhắc tới như là một thành phố “tội phạm” của móc túi và cướp giật ở Ý.

Khách du lịch rất thích đến chợ để khám phá cuộc sống người dân địa phương - Ảnh: Thủy OCG
 Rực rỡ sắc màu - Ảnh: Thủy OCG
Quầy hàng rong linh động - Ảnh: Thủy OCG

Thế giới ẩm thực

Chúng tôi bị cuốn vào một cửa hàng thực phẩm với bơ, váng sữa, phomát các kiểu, mì pasta đóng gói với vô số hình thái, màu sắc, định dạng, thịt muối, hàng đông lạnh, rượu vang, rượu chanh, dầu oliu nguyên chất...

Thoạt tiên là tò mò ngắm các mẫu hàng được bày trong tủ kính, nghiên cứu thành phần, giá cả. Bước tiếp theo là vào sâu bên trong cửa hàng và kín đáo quan sát những cư dân Naples bản địa đi chợ mua thức ăn.

Chốt hạ là chọn mua mấy lạng thịt muối đỏ au thái mỏng với một hộp bánh mỳ ngâm rượu chanh Baba’al Limoncello, một trong những đặc sản truyền thống của Ý (bánh mì ngâm rượu hoặc siro).

Trả tiền xong là bóc ngay hộp Baba’al, lấy dĩa xiên một miếng bánh mì vuông vắn như viên xúc xắc cỡ đại, ướt rượt rượu chanh, lại còn ngọt lịm, cho tọt vào miệng, tận hưởng hơi rượu cay tan theo từng thớ bánh mì mềm mịn. Xong tặc lưỡi bảo, ăn từ từ kẻo say!

Cả ngày hôm trước toàn ăn pizza, mì Ý, rượu vang, vừa nhìn thấy hoa quả là tôi cuống lên. Cà chua bi từng cành từng cành còn nguyên núm, vừa đẹp vừa ngon không tưởng, nho xanh căng mọng vẫn còn phủ phấn.

Cầm mấy đồng xu euro cẩn thận để không lọt qua kẽ tay, chỉ trỏ một lúc là tôi có luôn một túi trái cây ngon lành. Vừa nhẩn nha ăn vừa ghé xem quầy hàng hải sản đông lạnh.

Bạn muốn xem hải sản của thành phố bên bờ vịnh Naples có gì hay. Chủ yếu là cá, một ít tôm, mực, ốc, vẹm xanh. So với chợ hải sản Hạ Long của mình thì khó có thể sánh về mặt quy mô và chủng loại. Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là một chợ nhỏ thuộc nội thành Naples mà thôi.

Khu chợ không lớn, có lẽ vì bản thân Naples đã là một cái chợ khổng lồ. Cửa hàng, dịch vụ có mặt ở khắp các tuyến phố, quảng trường, lối hẻm, ăn thua ở chỗ, bạn phải biết nên ghé những hàng nào.

Chúng tôi đi đến vòng thứ ba quanh khu chợ tập trung, lúc thì ngó vào cửa hàng đồ ngọt, lúc xem đồ gia dụng, lúc thì đứng giữa phố ngắm dân mua hàng.

Pasta các kiểu - Ảnh: Thủy OCG
 Bánh mì ngâm rượu hoặc sirô - một món ăn đặc sản của Ý - Ảnh: Thủy OCG
Quầy hàng hải sản - Ảnh: Thủy OCG
  Cà chua vừa đẹp vừa ngon - Ảnh: Thủy OCG

Lượn dọc phố ẩm thực Pignasecca thấy một cửa hàng đề biển “Fiorenzano Tripperia”, bạn khá tò mò và bản thân tôi cũng bị hút mắt vào những món đang bày trong tủ kính, trắng trong, tươi mát do liên tục được tưới nước bởi một hệ thống treo chuyên nghiệp.

“Fiorenzano Tripperia” là một dạng cửa hàng cung cấp các món ăn có liên quan đến nội tạng gia súc bao gồm dạ dày bò với cả 4 phần dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá xách và dạ múi khế, trực tràng, mõm bê, đuôi bò, đuôi lợn, chân giò.

Có thể thấy “lòng bò” (chúng tôi thường gọi thế cho gọn) có cùng công thức xử lý ở Naples nói riêng và nước Ý nói chung, được làm sạch, trắng trong, được luộc chín và có độ giòn giòn sần sật rất đặc biệt.

Chúng thường được treo trong tủ kính, trang trí với những thảm cỏ và dây leo bằng nhựa màu xanh, dăm quả chanh vàng nhạt, được làm mát bằng nước.

Bản thân các món ăn “lòng bò” xưa kia là món ăn dành cho người nghèo, nó không có quá nhiều calo và giá cả không hề đắt đỏ. Vì thế chỉ cần chưa đến 5 euro, là bạn có thể chọn mấy món đồ ăn như mõm bê, sách bò, đuôi lợn được chặt nhỏ.

Rắc chút muối tinh, vắt thêm vào nửa quả chanh thơm nức, với hai cái dĩa nhựa, là có thể đắc chí thưởng thức tinh hoa ẩm thực đường phố Naples rồi. Vừa dò dẫm ăn kiểu lạ lùng, vừa tự vấn, món này có nhiều collagen.

 “Fiorenzano Tripperia” - quầy bán “lòng bò” - Ảnh: Thủy OCG
 Một gói đồ ăn theo phong cách “ẩm thực đường phố” Naples - Ảnh: Thủy OCG
 “Eat Naples and die” -  “Đến Naples, ăn cho đã rồi hãy chết” - Ảnh: Thủy OCG

Đến Naples, ăn cho đã rồi hãy... chết

Người Ý có câu “Vedi Napoli e poi muori - See Naples and die” với hàm ý, hãy đến Naples, thưởng thức Naples rồi hãy chết, nhưng cậu bạn tôi mỗi ngày tỉnh giấc ở Naples đều nói “Eat Naples and die” (tạm dịch là "Đến Naples, ăn cho đã rồi hãy chết").

Quả thật, đó không phải là một ý kiến tồi, bạn hãy thử đi!

THỦY OCG
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,936,573       17/894