Du lịch

Bắt nước quay vòng!

TTO - Tọa lạc ở nơi xa dân cư, không có hệ thống cấp nước công cộng, Vinpearl Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn tự chủ được nguồn nước ngay cả trong mùa khô để phục vụ du khách nhờ hệ thống hồ điều hòa và tái sử dụng nguồn nước thải đã qua xử lý.

Nhân viên kỹ thuật Nguyễn Ngọc Ánh lấy mẫu kiểm tra độ lắng của nước thải ở khu vực bể vi sinh - Ảnh: K.THU
Nhân viên kỹ thuật Nguyễn Ngọc Ánh lấy mẫu kiểm tra độ lắng của nước thải ở khu vực bể vi sinh - Ảnh: K.THU

Tại hội thảo “Quy chuẩn và giải pháp phát triển du lịch xanh cho Phú Quốc” thuộc chương trình “Du lịch xanh Phú Quốc 2016” do báo Tuổi Trẻ và Sở Du lịch Kiên Giang tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo tình trạng suy giảm nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển du lịch trong những năm tới.

Do đó, các cơ sở kinh doanh du lịch, du khách và người dân nên sử dụng nước tiết kiệm để bảo đảm sự phát triển bền vững cho đảo ngọc trong tương lai. Vinpearl Phú Quốc là một trong những nhà đầu tư đang “bắt nước quay vòng” rất hiệu quả.

Tự chủ nước ngọt 
từ hồ điều hòa

Nằm dọc bờ biển Bãi Dài, cách thị trấn Dương Đông gần 30km, quần thể Vinpearl Phú Quốc có tổng diện tích hơn 300ha (chưa kể vườn thú Safari) với hơn 1.000 phòng nghỉ, hàng trăm biệt thự, phục vụ hàng ngàn lượt du khách mỗi ngày.

Đây cũng là cơ sở du lịch có nhu cầu sử dụng nước nhiều nhất ở Phú Quốc hiện nay, khoảng 5.000 m3/ngày, gần bằng một phần ba tổng công suất 16.500m3 của Nhà máy nước Phú Quốc cấp cho hai thị trấn Dương Đông, An Thới và một phần xã Dương Tơ.

Do ở cách xa trung tâm và không có hệ thống cấp nước công cộng, mọi nhu cầu về nguồn nước sử dụng Vinpearl phải tự chủ hoàn toàn, chủ yếu là từ hệ thống hồ điều hòa, vừa là hồ cảnh quan vừa trữ nước mưa nằm trong khuôn viên dự án.

Các hồ chứa thiết kế với mặt đáy và xung quanh thành được thảm lót HDPE, tránh được thẩm thấu gây thất thoát trong mùa khô và hạn chế tối đa ô nhiễm hữu cơ tự nhiên.

Ông Trần Đình Liệu - kỹ sư trưởng mảng ngoài nhà của Vinpearl Phú Quốc - cho biết tổng diện tích hồ hiện hữu đang sử dụng gần 10ha có dung tích chứa khoảng 640.000m3, chưa kể năm giếng khoan khai thác nước ngầm dùng dự phòng.

Sau hơn hai năm hoạt động, quần thể rộng lớn này chưa từng bị thiếu nước, ngay cả trong mùa khô. Một hệ thống hồ điều hòa thứ hai với diện tích 12ha nữa cũng đang được hoàn thiện, đảm bảo đủ nước cho nhu cầu ngày càng tăng để phục vụ du khách tại đây.

Nước thải 
thành nước tưới

Nước ở hồ chứa được xử lý qua trạm lọc công suất 120 m3/giờ đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Sau khi được sử dụng ở các khu resort và nhà hàng, nước được gom về trạm xử lý nước thải tập trung, có công suất xử lý 2.000 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư gần 20 tỉ đồng, nằm trong khuôn viên dự án.

Tại trạm xử lý, nước thải được bơm vào hệ thống tách dầu mỡ, rồi qua các bể tuần hoàn, bể vi sinh, bể hóa chất, bể lắng...

“Nước thải ở đây chủ yếu từ nguồn sinh hoạt của du khách, các nhà hàng nên tương đối sạch và nhờ đó việc xử lý không quá phức tạp. Kết quả kiểm tra sau xử lý luôn đạt tiêu chuẩn loại B, đủ điều kiện dùng cho tưới tiêu” - kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hằng, trưởng ca vận hành, cho biết.

Nước thải sau xử lý được hệ thống bơm tự động trung chuyển hơn 500m sang hồ nhận của sân golf để tưới cho cây xanh, thảm cỏ ở đây.

Anh Nguyễn Văn Long - phó bộ phận kỹ thuật của sân golf - cho hay sân golf 27 lỗ tiêu chuẩn quốc tế có diện tích 105ha này mở cửa đón khách hằng ngày nên thảm cỏ, cây xanh ở đây đòi hỏi được chăm sóc đặc biệt.

“Chiều cao của cỏ, định lượng nước tưới theo mùa, mực nước hồ cảnh quan... luôn được kiểm soát gắt gao. Tùy theo mùa, nhu cầu nước tưới dao động 2.200-2.500 m3/ngày. Nhờ nguồn nước thải sau xử lý từ khu resort chuyển sang và các hồ tại chỗ nên thảm cỏ sân golf luôn xanh tốt quanh năm” - anh Long nói.

Theo kỹ sư Trần Đình Liệu, với khoản đầu tư trạm xử lý nước thải chưa tới 20 tỉ đồng và chi phí vận hành khoảng 10 triệu đồng/ngày, Vinpearl Phú Quốc có hơn 1.500m3 nước để nuôi cây, tưới cỏ mỗi ngày là rất “đáng đồng tiền”!

KIỀU THU
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,936,606       16/896