TTO - Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Đinh Dậu 2017 đi vào hoạt động ngày 25-1-2017 (28 tháng chạp) đến ngày 31-1-2017 (mùng 4 tết) có nhiều nét mới.
Cặp gà ở đường hoa Nguyễn Huệ được Công ty sản xuất Mỹ thuật, Q.12, TP.HCM thực hiện - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Ngày 26-12, ông Trần Hùng Việt, tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - đơn vị được UBND TP.HCM giao tổ chức thực hiện đường hoa Tết Đinh Dậu 2017 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, cho biết mọi công đoạn chuẩn bị cho đường hoa đều đã hoàn tất kịp tiến độ, đồng thời tiết lộ đường hoa năm nay có nhiều nét mới so với mọi năm.
Chẳng hạn, việc ứng dụng ánh sáng công nghệ kết hợp với ánh sáng tự nhiên giúp hoa tươi giữ được lâu hơn, chủng loại hoa cũng gấp đôi năm ngoái với 180 loại, trong đó có nhiều loại hoa hiếm được nhập khẩu.
Đặc biệt, với việc ứng dụng công nghệ phần mềm chụp hình ảo tại một số điểm, khách tham quan thấy được hình ảnh đồ họa 3D khi quét điện thoại thông minh vào đúng biểu tượng (marker) được bố trí tại những điểm chụp hình ảo.
Theo ban tổ chức, đường hoa Tết Đinh Dậu 2017 có chủ đề “Thành phố mang tên Bác - khát vọng ngời sáng” trải dài từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng với tổng chiều dài khoảng 720m.
Trong đó, đoạn đường từ giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ được chia làm ba phân đoạn chính: Mùa xuân trên thành phố mang tên Bác, Thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình và Khát vọng ngời sáng.
Khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang trí bởi 36 chậu mai vàng, cùng sắc hồng hoa đào ngày tết dẫn đến tượng đài Bác Hồ. Khởi đầu của phân đoạn “Mùa xuân trên thành phố mang tên Bác”, ngay giao lộ đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ là cổng đường hoa 2017.
Với đại cảnh “Xuân sum họp” khắc họa hình ảnh gia đình gà đầm ấm, sung túc, sum vầy, biểu tượng linh vật của năm Đinh Dậu được đặt ở vị trí trung tâm với gà trống cao 3,5m, gà mái cao 2,8m và 15 chú gà con cao 0,6m.
Thân gà có gắn môtơ điện để gia đình gà có thể chuyển động và thỉnh thoảng chú gà trống sẽ cất tiếng gáy tạo nên sự bất ngờ thú vị cho du khách.
Điểm nhấn của phân đoạn số hai “Thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình” là những mô hình kiến trúc tiêu biểu mang tính lịch sử của TP như bến Nhà Rồng, tòa nhà UBND TP.HCM, chợ Bến Thành, cầu Phú Mỹ..., được bố trí bên trên một đài sen lớn lấy nền cỏ xanh mướt làm nhụy thể hiện một TP vừa có tính lịch sử vừa mang tính hiện đại phát triển không ngừng.
Ngoài ra, du khách và người dân TP có thể thưởng lãm các khu tiểu cảnh “Bản đồ Việt Nam”, “Vườn lan treo” với bộ sưu tập những loại hoa lan hiếm, mới cả về hình dạng hoa và màu sắc; “Khu vườn trẻ thơ” đầy hình ảnh những chiếc búp măng, các em bé gà đọc sách...