Du lịch

Thị trường rượu vang - mối lo cận tết

Mỗi dịp cuối năm, sức mua của người tiêu dùng tăng cao làm hàng giả, hàng kém chất lượng và đặc biệt là các loại hàng hóa “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) lại được dịp “lên ngôi”.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết cận tết là thời gian các mặt hàng tiêu dùng có nhiều biến động do xuất hiện nhiều hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, trong đó có rượu vang. Hiện nay, các sản phẩm trong nước, rượu nhập khẩu đều phải dán tem trên bao bì. Đối với sản phẩm bia rượu nhập khẩu, việc kiểm tra, kiểm soát tem nhãn hết sức khó khăn.

“Từ năm 2015, Tổng cục Hải quan đã xây dựng đề án ứng dụng tem điện tử vào quản lý rượu nhập khẩu, tránh trường hợp rượu giả xâm nhập thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Với công nghệ sản xuất tem giả tinh vi hiện nay, người tiêu dùng lo ngại mua phải hàng giả, ngay cả khi mua tại những cửa hàng lớn và siêu thị uy tín" - đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM chia sẻ. 

Không phải người tiêu dùng nào cũng đủ thông tin để lựa chọn dòng rượu vang uy tín

Cách thức làm một chai rượu giả để đưa ra thị trường không khó, chỉ cần thu gom vỏ chai tại các vựa ve chai, đặt làm giả nhãn mác, tem nhập khẩu, nút, màng co chống giả, sau đó pha cồn và hương vị hóa chất đổ vào. Việc sản xuất hàng giả không chỉ diễn ra với các loại vang nhập khẩu, mà còn xuất hiện với những sản phẩm vang nội địa. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không tiến hành ngâm ủ đúng quy trình mà sử dụng hóa chất pha chế cùng hương liệu và cồn. Bên cạnh đó, vang nhập khẩu cũng có rất nhiều loại, nếu không phải là người sành vang, khách hàng hầu như khó phân biệt được chất lượng ngon dở của sản phẩm, dễ dẫn đến việc mua lầm chỉ vì “mác” rượu ngoại.

Giá thành một chai rượu giả chưa đến 50.000 đồng nhưng khi đưa ra thị trường, nó được bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng. Thị trường các tỉnh là điểm lý tưởng tiêu thụ do kiến thức phân biệt rượu thật - rượu giả của người mua vẫn chưa cao.

"Trong rượu vang nguyên chất có nhiều chất chống oxy hóa tốt cho tiêu hóa, hệ tuần hoàn, tim mạch. Tuy nhiên đối với những sản phẩm kém chất lượng, khi được thêm cồn và các hương hóa chất vào sẽ khiến những chất chống oxy hóa này bị thay đổi, mất tác dụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Chính vì vậy người tiêu dùng phải tìm hiểu thông tin, lựa chọn những hãng rượu vang có uy tín để đảm bảo sức khỏe cho chính mình" - đại diện nhà làm vang Ladora Winery phân tích. Để tránh mua nhầm vang giả, kém chất lượng, người tiêu dùng cần “tỉnh táo”: mua sản phẩm từ những thương hiệu vang uy tín và có hệ thống cửa hàng, đại lý chính thống trên thị trường.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2004 lượng rượu vang nhập khẩu đã tăng khoảng 25% mỗi năm, giai đoạn từ năm 2010 tăng trung bình 10% mỗi năm. Riêng năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 53,2 triệu USD, tăng 85% so với năm 2009. 

Với thị trường vang ngày một lớn mạnh, việc sản xuất rượu giả, kém chất lượng trở nên hấp dẫn với những người chuyên kinh doanh gian lận để kiếm lời. Và theo số liệu từ Hiệp hội Rượu bia và nước giải khát, Việt Nam có trên 15 doanh nghiệp chuyên sản xuất, đóng chai rượu vang. Chính vì vậy, thị trường vang Việt Nam được coi là một trong những thị trường năng động nhất châu Á.

PHẠM KIM
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,910,180       23/1,177