Du lịch

Việt - Nhật thu hút khách du lịch thông qua ẩm thực

TTO - Ẩm thực là yếu tố quan trọng góp phần định vị thương hiệu du lịch cho VN và Nhật Bản. Do đó, hiểu rõ những điểm tương đồng trong văn hóa ẩm thực Việt - Nhật sẽ hỗ trợ hiệu quả phát triển ngành công nghiệp du lịch, thu hút thêm nhiều du khách hai nước.

Ông Trần Xuân Toàn - Ủy viên BBT báo Tuổi Trẻ trao đổi với các chuyên gia Nhật Bản - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây cũng là những gì đã đọng lại sau hội thảo Ẩm thực Việt - Nhật: sức hấp dẫn từ những nét tương đồng, do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 14-1 tại TP.HCM.

>> Xem phóng sự Ẩm thực Việt - Nhật: những nét tương đồng do Phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện:

Ngày càng phổ biến

Ông Ando Toshiki, giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết hiện số lượng nhà hàng VN tại Nhật Bản ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Trên truyền hình Nhật Bản, cùng với các chương trình phát sóng giới thiệu về những điểm tham quan du lịch thì chương trình giới thiệu về ẩm thực của các vùng miền VN cũng ngày càng nhiều hơn.

Trong khi đó, tại VN mọc lên rất nhiều nhà hàng, quán ăn Nhật Bản, từ các món ăn đậm chất truyền thống như sushi, tempura đến các món mì ramen, mì udon... Theo ước tính, nếu chỉ tính riêng nhà hàng Nhật thuần túy thì tại TP.HCM có hơn 200 nhà hàng, nhưng nếu tính cả nhà hàng bán kèm món Nhật thì con số này lên gần 500 nhà hàng.

Tiết mục múa sen giới thiệu bản sắc Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đến VN đã gần 18 năm, bếp trưởng nhà hàng Fuji, khách sạn Nikko Sài Gòn, ông Nishiyama Kazuo, cho biết ban đầu ông khá ngạc nhiên vì các món ăn Nhật ở những nhà hàng Nhật tại VN không hề giống ở Nhật Bản. Thế nhưng hiện nay tình hình đã khác.

“Các món Nhật ở VN đã trở nên Nhật hơn, gần với hương vị nguyên gốc Nhật Bản hơn. Tôi nghĩ là do đầu bếp Việt đã giỏi hơn trước”, ông Nishiyama Kazuo chia sẻ.

Một phần của quá trình này là quan hệ VN - Nhật Bản được mở rộng và phát triển sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. “Món ăn ngon có sức mạnh rất lớn, làm cho con người cảm thấy hạnh phúc. Món ăn Việt ở Nhật rất phổ biến, còn món Nhật cũng trở thành phong trào rầm rộ trên thế giới. Quá trình này được hỗ trợ rất lớn của Chính phủ Nhật cũng như cơ quan truyền thông Nhật”, ông Ando Toshiki nói.

Đầu bếp Võ Quốc biểu diễn nấu món ăn Việt tại hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hiểu rõ ẩm thực, chinh phục người tiêu dùng

Với các doanh nghiệp Nhật Bản tại VN, nhờ hiểu được hương vị đặc trưng ẩm thực địa phương, họ đã phát triển ra nhiều sản phẩm thực phẩm, gia vị được ưa thích và hiện diện phổ biến trong nhà bếp Việt.

Ông Hiroharu Motohashi, tổng giám đốc Công ty Ajinomoto VN, cho biết qua hơn 25 năm hoạt động, doanh nghiệp đã không ngừng nghiên cứu khẩu vị người Việt và văn hóa ẩm thực VN, từ đó cho ra đời nhiều sản phẩm gia vị và thực phẩm ngon hàng đầu, đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng VN.

Không chỉ đem những gia vị đặc trưng của Nhật Bản phù hợp với khẩu vị VN, trên hết, cùng với những kinh nghiệm có được từ Washoku - nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản phong phú và cân bằng dinh dưỡng, chúng tôi mong muốn đóng góp và phát triển nền văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam”, ông Hiroharu Motohashi nói.

Theo ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Acecook VN, cả người Việt lẫn người Nhật đều rất thích những món ăn chế biến từ sợi như bún, mì, bánh canh... Tuy nhiên, hương vị nước dùng lại khác, chẳng hạn người Việt sử dụng nhiều nước mắm để nêm nếm, còn người Nhật dùng tương.

“Hiểu rõ những khác biệt và tìm được nét tương đồng đã giúp chúng tôi hằng năm xuất khẩu nhiều sản phẩm từ gạo ở VN đi nước ngoài và phát triển những sản phẩm hương vị Nhật phục vụ thị trường VN”, ông Kajiwara Junichi nói.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết ẩm thực là một phần rất quan trọng hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp du lịch cũng như thúc đẩy nền kinh tế. Năm 2016, TP.HCM đã đón lượt khách thứ 5 triệu, trong đó khách đến từ Nhật đạt 515.707 lượt, đứng thứ 4 trong 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu.

Số lượng nhà hàng Nhật Bản tại TP.HCM tăng nhanh đã phản ánh sự ưa thích của người VN với ẩm thực Nhật Bản. “TP.HCM là nơi hội tụ, giao thoa những văn hóa ẩm thực các vùng miền, tạo nên một thế mạnh mà không phải thành phố nào trên thế giới cũng có được. Quảng bá thêm những nét đẹp ẩm thực hai nước thúc đẩy phát triển, du lịch... là cách làm hiệu quả và gần gũi”, ông Vũ nhấn mạnh.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương chia sẻ về sự tương đồng của ẩm thực Việt - Nhật - Ảnh: Duyên Phan
Ca sĩ Hà Vân hát làn điệu dân ca trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khách mời thích thú trải nghiệm nấu các món ăn đặc trưng của Việt Nam tại hội thảo Ẩm thực Việt - Nhật - Ảnh: DUYÊN PHAN
Uống trà kiểu Nhật tại hội thảo Ẩm thực Việt - Nhật - Ảnh: DUYÊN PHAN

Những nét tương đồng trong ẩm thực Việt - Nhật

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng nhanh chóng này còn nhờ sự tương đồng của ẩm thực Nhật - Việt là không nêm nhiều mà chú trọng khai thác hương vị tự nhiên của nguyên liệu đó. Điểm chung của VN - Nhật là tiếp xúc với đường bờ biển dài nên sử dụng nhiều hải sản và rau củ.

TS Nguyễn Nhã - Ảnh: Duyên Phan

Theo TS Nguyễn Nhã, trưởng đề án Bếp Việt - bếp của thế giới, nền ẩm thực hai nước đều lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành. Tự nhiên từ nguyên vật liệu tươi sống đến cách chế biến nấu luộc, gỏi sống, hấp, gia vị tự nhiên từ củ rau…

“Khi biết thông tin Nhật Bản quyết định lấy ngày 4-4 hằng năm là Ngày của phở, tôi đã rất cảm kích, vui mừng và thực sự muốn nói lời cảm ơn với nước Nhật”, ông Nhã chia sẻ.

N.BÌNH
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,848,437       199/1,642