Du lịch

Những người mang món Việt ra khắp năm châu

TTO - Không chỉ nấu món Việt như một cách để vơi đi nỗi nhớ nhà hay đơn giản là nấu cho... đỡ thèm đồ ăn Việt, nhiều người Việt Nam sống ở nước ngoài còn cất công “khoe” những món họ nấu hằng ngày lên các mạng Instagram, Facebook và YouTube.

Món bánh tét do 

Dù đều có công việc riêng, nhưng những người mang tình yêu với văn hóa ẩm thực nơi mình sinh ra này vẫn luôn dành thời gian để nấu, để chăm chút cho các món ăn của mình và chia sẻ với nhiều người khác, giúp văn hóa ẩm thực Việt được biết đến rộng rãi hơn.

“Khoe” món Việt ra thế giới

Từ khóa #vietnamesefood (món ăn Việt Nam) trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram cho ra gần 786.900 bài đăng có liên quan đến món ăn Việt Nam do nhiều tài khoản trên khắp thế giới đăng tải. Trong số đó có những tài khoản là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài như @thepetitechef của cô Agnes Bạch Thủy Đinh.

Sở hữu hơn 19.000 follower (người theo dõi) trên Instagram, @thepetitechef là nơi cô “mê hoặc” follower của mình bằng đủ món đậm chất Việt như bún măng giò heo, bánh mì bò kho, bánh thuẫn hấp, chè sương sa hột lựu, bánh lọt đậu đỏ...

Agnes Bạch Thủy Đinh
Agnes Bạch Thủy Đinh

Dù hiện đang có công việc kinh doanh riêng, nhưng đầu bếp gia đình 49 tuổi này vẫn thường đều đặn cập nhật trang Instagram của mình. Bà mẹ ba con hiện đang sống tại Melbourne cho biết đó là những món ăn mà mình nấu cho gia đình và bạn bè hằng ngày. 

“Nấu ăn là niềm đam mê từ lâu của tôi - cô Agnes chia sẻ - Tôi cũng thường nấu cho những người bạn của mình, họ không phải là người Việt nhưng thích các món tôi nấu”.

Bắt đầu chỉ với 18 người theo dõi sau khi cô được con cái khích lệ nên chia sẻ tình yêu ẩm thực của mình với nhiều người, trang Instagram của cô Agnes cứ vậy mà có số người xem tăng dần theo số món ăn cô đăng tải lên. “Nhiều người bình luận rất tích cực và tôi cũng nhận được rất nhiều email xin công thức nấu các món đó” - cô Agnes chia sẻ.

Justine Nguyen
Justine Nguyen

Cũng tích cực “khoe” món Việt trên Instagram, tuy nhiên cô Justine Nguyen, sống ở Canada, còn có “địa bàn phủ sóng” rộng hơn với hơn 100 video dạy nấu ăn trên kênh YouTube Jn Cooking Channel và gần 15.000 người theo dõi.

Justine chia sẻ gia đình mình có truyền thống dạy nấu ăn cho các thế hệ sau nên khi các cháu cô chuyển ra ở riêng, cô quay video để dạy họ nấu ăn. Sau đó bạn bè của bọn trẻ bắt đầu thấy hứng thú và học theo, cứ vậy mà dần dà Justine tiến tới việc đăng video lên YouTube và duy trì hoạt động hơn bốn năm qua.

Ngoài ra, hai trang Facebook và Instagram với tổng cộng hơn 47.000 người theo dõi cũng là hai “kênh” giúp đưa các món ăn Việt của Justine đến với nhiều người hơn. Dường như không để “học viên mạng” của mình chờ đợi lâu, trong lúc đợi video “ra lò” trên YouTube, mỗi ngày Justine đều chụp ảnh một món mình nấu ngày hôm đó rồi đăng lên các tài khoản mạng này. Đó có thể là bánh canh cua, bún riêu, nghêu xào lá quế, bánh bò nướng, hay có khi là đĩa xoài và táo xanh chấm muối ớt tôm bắt mắt.

Cô cho biết mình thường xuyên nhận được phản hồi từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Á đến Trung Đông, Nga, Mỹ, Pháp...

Một vài bạn người Mỹ của Justine còn nói với cô họ thấy ghen tị vì ẩm thực Việt Nam quá đa dạng, đủ món từ xúp đến hải sản, cơm, mì, các loại cuốn...

“Chồng tôi là người Mỹ và anh ấy cũng cực thích đồ ăn Việt Nam, thậm chí cả mắm và rau” - Justine vui vẻ nói.

Tô Văn Anh Kiệt
Tô Văn Anh Kiệt

Không chọn YouTube hay Instagram làm nơi để quảng bá món Việt, anh Tô Văn Anh Kiệt, từng công tác ở Bến Thành Audio&Video và hiện sống ở Brazil, lại duy trì hẳn một nhóm học nấu ăn để kết nối với những người yêu thích và muốn học nấu món Việt tại Rio de Janeiro.

“Lớp học của tôi thường có từ 8-12 học viên, hầu như là người nước ngoài ở khắp các nước, có người sinh sống và làm việc tại Rio, có người tình cờ đến Rio du lịch” - anh Kiệt chia sẻ. 

Khi nào không có thời gian tổ chức lớp, anh Kiệt sẽ chia sẻ các món ăn và công thức lên Facebook của nhóm Culinaria VietnamitaOriental No Rio.

Theo anh Kiệt, các món như gỏi cuốn tôm thịt, phở bò, canh chua, cơm gà, gỏi gà, thịt kho dưa giá... là những món ăn luôn được đề nghị lặp lại trên lớp.

Tôn Nữ Thùy Trang
Huyền Tôn Nữ Thùy Trang

Nấu ăn để gần hơn với quê nhà

Tô Văn Anh Kiệt kể anh đến và làm việc ở Rio từ năm 2011. Vì số lượng người Việt Nam sinh sống ở đây rất ít, thời gian đầu anh nấu các món ăn Việt Nam vì thèm hương vị quê nhà. Từ từ sau đó anh đưa món Việt vào thực đơn của tiệc trong những sự kiện mình phụ trách, dần dần bạn bè anh, nhất là người Brazil, rất thích vì hầu hết các món ăn Việt Nam rất bổ dưỡng. 

“Gia vị luôn là phần khó khăn nhất khi dạy nhưng cũng may là ở Rio cũng có thể tìm được một số nguyên liệu chính, tuy nhiên các món rau như rau răm, tía tô, ngò gai, húng quế... thì không thể thay thế được nên một số tôi trồng ở vườn, một số nguyên liệu khô tôi mang trực tiếp từ Việt Nam sang mỗi lần về thăm gia đình” - anh Kiệt chia sẻ.

Trong khi đó với những người sống xa Việt Nam lâu năm hơn như cô Agnes, Thùy Trang hay Justine, nấu món Việt không những giúp họ gần gũi hơn với nơi mình sinh ra, mà còn là cách để lưu giữ các giá trị truyền thống trong gia đình.

“Tôi gọi Úc là nhà nhưng Việt Nam chắc chắn là quê hương - cô Agnes Bạch Thủy Đinh tâm sự - Tôi học nấu ăn từ bà và mẹ, do vậy tôi muốn giữ truyền thống gia đình trong căn bếp của mình. Nhờ đó mà các con tôi cũng biết về nguồn cội thông qua việc nấu ăn, cũng như các phong tục và giá trị truyền thống mà chúng tôi lưu giữ trong gia đình”.

 “Tôi sống ở Việt Nam đến năm 6 tuổi và đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh và mùi vị của hàng rong và những ngôi chợ ở Sài Gòn - Justine bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian khi mình còn nhỏ - Mặc dù khi đó chúng tôi khá nghèo, nhưng các món ăn luôn được chú trọng mỗi khi hội họp gia đình. Mẹ và các chị tôi có khả năng biến những món đơn giản thành một bữa tiệc chỉ với tài sử dụng gia vị và nước xốt”.

“Việt Nam là quê hương tôi, nấu ăn không chỉ giúp tôi gắn kết hơn với nguồn cội của mình mà còn giúp tôi gần gũi hơn với truyền thống gia đình” - Justine nói đầy cảm xúc.

Ngoài ra, một trong những điều làm Justine Nguyen xúc động nhất là có nhiều người nói việc học nấu món Việt qua video của cô đã giúp họ kết nối với gia đình mình hơn, hay được nhìn thấy những món mà họ đã lâu rồi chưa được thấy từ thời thơ ấu.

Tương tự, chủ nhân kênh YouTube RunAwayRice Huyền Tôn Nữ Thùy Trang cũng chia sẻ một trong những điều làm chị thấy hạnh phúc nhất là các món ăn của mình giúp người khác tìm lại được ký ức thời thơ ấu, gợi nhớ những kỷ niệm về ông bà, cha mẹ và gia đình.

“Việt Nam là quê hương tôi, niềm đam mê với ẩm thực Việt là con đường tuyệt vời giúp tôi gắn kết với nguồn cội của mình hơn” - chị Thùy Trang tâm sự. 

Hơn 63.500 người theo dõi

Chủ nhân kênh YouTube RunAwayRice Huyền Tôn Nữ Thùy Trang - hiện sống ở San Diego, California - cho biết người xem video của chị đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ.

Bắt đầu đăng tải các video công thức đơn giản như làm nước mắm chanh, làm đồ chua… từ năm 2012 nhằm cho mọi người thấy món ăn Việt Nam rất dễ nấu và tốt cho sức khỏe sau khi được em gái khích lệ, đến nay kênh YouTube dạy nấu ăn của chuyên viên tư vấn phần mềm này đã có hơn 63.500 người theo dõi, và “ngập tràn” nào chả lụa, bắp xào, bò bía, bò tái chanh...

>> Xem clip Thùy Trang hướng dẫn làm bánh chưng trên Youtube:

KHÁNH HẠ
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,581,374       19/928