Du lịch

Ứng dụng thông minh giúp khách đi du lịch Đà Nẵng

TTO - Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hàn, anh Nguyễn Văn Chương (34 tuổi, quận Thanh Khê) ấp ủ giấc mơ quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng đến với du khách trong và ngoài nước.

*** Error ***
Nguyễn Văn Chương luôn có ý tưởng dùng công nghệ thông tin để quảng bá du lịch - Ảnh: H.HÀ

Tháng 3-2016, ý tưởng “InDaNang” - ứng dụng di động hỗ trợ người dân và du khách trên nền tảng IOS hoặc Android - ra đời, giúp người dân và du khách khám phá các địa điểm du lịch, ẩm thực, nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng một cách thân thiện và dễ dàng hơn. Thông tin về các sự kiện hoặc giảm giá tại các địa điểm liên tục được cập nhật.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, du khách có thể tải miễn phí ứng dụng này. Hơn nửa năm chạy thử và ra mắt sản phẩm, ứng dụng đã thu hút hơn 15.000 lượt tải, 1.000 người truy cập thường xuyên, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài.

Thống kê đến thời điểm hiện tại, lượt du khách Hàn Quốc truy cập ứng dụng nhiều nhất (trên 20%), còn lại là du khách Nga, Trung Quốc và Việt Nam. Theo Nguyễn Văn Chương, mọi thông tin chia sẻ trên “InDaNang” được trích từ nguồn Sở Du lịch và Sở Công thương cung cấp, đều được kiểm soát chặt chẽ.

Tiêu chí trung thực, minh bạch thông tin, hình ảnh rõ nét là điều quan trọng nhất khi phát triển ứng dụng này. Ứng dụng còn có tính năng trải nghiệm lắc điện thoại để nhận được những gợi ý thông minh về địa điểm theo thời gian mà không cần kết nối Internet.

“Mỗi người phải giữ lửa đam mê, khó khăn gì cũng phải từ từ giải quyết, chấp nhận đương đầu và làm đến cùng sẽ là chìa khóa giúp mình thành công” - Chương bộc bạch.

Anh Lý Đình Quân (nguyên phó giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES) cho biết dự án “InDaNang” là một trong những hạt giống đầu tiên và nổi bật nhất được ươm tạo thành công.

“Chương là công dân trẻ của thành phố, có khát vọng lập nghiệp, được sự hỗ trợ về chuyên môn, không gian làm việc cộng với kiến thức, nghiệp vụ tích lũy, “InDaNang” trở thành một dự án hữu ích cho người dân và du khách khi ghé thăm thành phố này” - anh Quân chia sẻ.

“Do tính chất công việc nên mình thường xuyên bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng để công tác kết hợp với du lịch, nên mình rất thích ứng dụng này. Chỉ mất mấy phút để tải ứng dụng vì WiFi được phủ sóng toàn thành phố” - bạn Nguyễn Mạnh cho hay.

Riêng bạn Tâm Nguyện khi trải nghiệm về “InDaNang” đã góp ý thêm: “Phần mềm có nhiều tiện ích khi tìm kiếm nhanh các địa điểm đang đứng, tuy nhiên mình thấy nên cập nhật thêm hình ảnh cho địa điểm cần tìm để phong phú hơn”.

Chương và các bạn trong nhóm đã phát triển “InDaNang” ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước với mô hình lớn hơn, được mọi người sử dụng nhiều hơn. Và “InVietNam” đã ra mắt vào cuối năm 2016. Từ một ứng dụng mang tính địa phương, chỉ có tại thành phố Đà Nẵng, nhóm của Chương đưa sản phẩm công nghệ hỗ trợ du lịch rộng khắp, từ Mộc Châu (Sơn La) đến Hội An (Quảng Nam)...

Trong tương lai gần, Chương sẽ hoàn thiện ứng dụng này tốt hơn và nhanh chóng nhân rộng độ phủ sóng đến du khách trong và ngoài nước, với nhiều tính năng tích hợp như thông tin các mặt hàng giảm giá, đặt vé máy bay, giá phòng khách sạn, thẻ dịch vụ trả trước...

Nguyễn Văn Chương khẳng định: “Ngoài quảng bá hình ảnh du lịch thì trên ứng dụng, nhóm đã lựa chọn và đăng tải nhiều thông tin về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, góp phần tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam với bạn bè quốc tế”.

HUỲNH HÀ
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,785,823       10/832