Du lịch

Hội An quyết dẹp tình trạng hàng rong buôn bán bát nháo

TTO - Từ ngày 13-2, TP Hội An (Quảng Nam) dự kiến chính thức triển khai đề án “Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ”.

Hoạt động mua bán hàng rong tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) sẽ được sắp xếp lại, loại bỏ hiện tượng chèo kéo du khách - Ảnh: Thanh Ba
Hoạt động mua bán hàng rong tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) sẽ được sắp xếp lại, loại bỏ hiện tượng chèo kéo du khách - Ảnh: Thanh Ba

Trước đó ngày 10-2, ông Nguyễn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND TP Hội An - người trực tiếp chỉ đạo thực hiện đề án này, đã dẫn đầu đoàn cán bộ địa phương đến làm việc tại những địa chỉ có các hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa bát nháo, gây bức xúc cho du khách thời gian qua.

Tại bến Bạch Đằng, trải dài ven bờ kè sông Hoài - nơi có hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ được chuyển thành các nhà hàng nổi, ông Sơn đã yêu cầu các hộ kinh doanh ăn uống phải di chuyển phương tiện đến nơi khác.

“Các thuyền lớn đậu ở khu vực này sẽ làm hạn chế tầm nhìn của du khách đứng hai bên bờ sông Hoài, chưa kể các quán ăn trên thuyền chủ yếu hoạt động về đêm thường xả rác tràn lan, gây ô nhiễm dòng sông” - ông Sơn nói.

Tại các tuyến đường chính trong phố cổ như Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Lê Lợi…, đoàn cũng đã nhắc nhở và xử lý đối với các hộ kinh doanh mặt hàng lưu niệm bày biện hàng hóa tràn lan ra vỉa hè cản trở lối đi của người đi bộ. Với các loại hình buôn bán hàng rong, ông Sơn khẳng định sẽ loại bỏ tận gốc vấn nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách.

“Hàng rong đã góp phần tạo nên phần hồn, một nét văn hóa truyền thống của phố cổ, nhưng loại hình buôn bán này hiện đang xuất hiện dày đặc trong phố cổ, phát sinh hiện tượng chèo kéo, “chặt chém” du khách nên chúng tôi kiên quyết chấn chỉnh bằng cách sắp xếp lại” - ông Sơn khẳng định.

Cũng theo ông Sơn, việc sắp xếp lại không gian bày bán hàng rong, vỉa hè trước hết sẽ xóa bỏ tình trạng buôn bán bát nháo, tạo không gian văn minh cho phố cổ. Các hộ kinh doanh hàng rong sẽ được chỉ định đúng vị trí, phạm vi buôn bán của mình và chịu sự quản lý chặt chẽ.

“Một khi đã tổ chức sắp xếp lại, các hộ kinh doanh phải tuân thủ quy định rõ ràng, nếu không sẽ bị xử phạt nghiêm. Đặc biệt, chúng tôi sẽ kiên quyết dẹp bỏ các loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc, tranh 3D và nhiều hàng hóa không phù hợp, đồng thời khuyến khích những mặt hàng truyền thống của địa phương bày bán nhiều hơn” - ông Sơn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - tổ trưởng tổ đề án, cho biết việc xây dựng đề án xuất phát từ thực trạng số lượng hộ kinh doanh đến từ địa phương khác và khu vực lân cận tăng nhanh.

Trong đó nhiều loại hình không phù hợp với cảnh quan phố cổ đã gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh, xã hội và công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững của đô thị cổ.

“Thời gian gần đây chúng tôi nhận được nhiều phản ảnh về hành vi gây phiền toái cho du khách như chèo kéo, bày bán hàng hóa lộn xộn, nhếch nhác...

Do đó, chính quyền TP Hội An đã thống nhất thành lập tổ đề án, khảo sát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng rong trong phố cổ để sắp xếp lại cho phù hợp” - ông Trung nói.

Theo khảo sát của tổ đề án, tại khu phố cổ hiện có tổng cộng 41 loại mặt hàng ăn uống như bánh da lợn, bánh chuối chiên, cà phê, ngũ cốc…; 35 mặt hàng lưu niệm như nón lá, giày dép, tranh 3D, móc khóa, các loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc…

THANH BA
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,775,344       25/835