Du lịch

Lướt đa chiều cùng Dubai - Kỳ 1: Luôn muốn là tầm cỡ thế giới

TTO - Giàu có xa hoa! Thiên đường sáng tạo! Công trường của các dự án kỳ vĩ! Sa mạc nắng cháy! Một trong những thành phố biển an toàn nhất thế giới! Vương quốc du lịch! Trung tâm mua sắm của Trung Đông …

Một góc phố Dubai nhìn từ tòa nhà cao nhất thế giới
Một góc phố Dubai nhìn từ tòa nhà cao nhất thế giới

Rất nhiều ngôn từ có cánh trên các phương tiện truyền thông dành cho Dubai.  Đó cũng chính là lời mời chào hàng chục triệu du khách tìm đến thành phố này mỗi năm, trong đó có tôi.

Mái vòm tráng lệ của sân bay quốc tế Dubai đã tạo ngay ấn tượng ban đầu với du khách về một thiết kế đương đại, cùng vẻ sang trọng có phần lộng lẫy. Vừa từ tàu điện xuống, dù mệt mỏi sau một chuyến bay xuyên đêm, nhưng anh Trần Thanh Minh ở quận 5 TP.HCM đã vội lôi cái máy ảnh nặng ký ra tác nghiệp.

Như nhiều du khách lần đầu đến đây, anh cũng thấy choáng ngộp bởi “cái ruột” của nhà ga khổng lồ này. Từng đường đi lại rộng gần bằng xa lộ của ta, những cửa hàng, điểm nghỉ ngơi sang trọng... đến các “phòng thang máy” có thể tải 40-50 người, cùng vô số cây cột tráng bạc to đùng... Thật hoành tráng. Cách quãng, lại có những cây cọ rũ lá như tô điểm thêm nét đặc trưng của  một thành phố nằm ngay trong sa mạc Ả Rập, bên vịnh Ba Tư.

Sân bay vĩ đại và sang trọng có tầm cỡ rồi, nhưng Dubai vẫn chưa thỏa mãn sự tự sướng. Thành phố Dubai mà cũng là tiểu quốc, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đang tiến hành dự án hơn 30 tỷ USD nhằm mở rộng sân bay thành điểm đi lại lớn nhất thế giới.

Dubai đúng là thành phố giàu. Nhưng tài sản mang tầm cỡ thế giới nào chỉ có sân bay.

Bãi biển gần “Ngọn lửa Ả Rập’ được chọn làm điểm để du khách tham quan, học sinh tập thể dục sáng
Bãi biển gần “Ngọn lửa Ả Rập’ được chọn làm điểm để du khách tham quan, học sinh tập thể dục sáng

Gần 1 giờ để chờ đi 1 phút thang máy

Chiếc buýt sang trọng chạy bon bon trên đại lộ Sheikh Bastakia. Ngồi trên xe, tôi phải mỏi cổ để ngắm nhìn những tòa nhà cao 100 tầng mọc lên nhan nhản bên đường. Dù  phát triển nhiều. Nhưng thành phố giờ vẫn như một đại công trường, nhìn đâu đâu cũng thấy công trình đang xây. Theo hướng dẫn viên Minh Vũ, nơi đây tập trung khoảng 15-20% lượng cần cẩu của thế giới.

Xe chạy gần đến Trung tâm tài chính của Dubai. Hiện ra trước mắt chúng tôi tòa tháp Burj Khalifa  thẳng đứng, tựa như một cây thương nhọn hoắc đâm lên bầu trời mênh mông. “Cây thương” này dài tới 828m, có 164 tầng.

10g15 đoàn chúng tôi vào sảnh xếp hàng, kiểm tra an ninh, nhích từ từ... 11g 07 thang máy bắt đầu chạy vút lên. Nhiều khách lùng bùng lỗ tay. 11g08, tôi bước ra ban công bằng kính của tầng 124. Đứng từ độ cao 628m, nhìn ngắm toàn cảnh Dubai bên dưới, mỗi du khách sẽ có cảm xúc lâng lâng khác nhau. Với tôi, một chút hài hước khi nghĩ rằng mình đang trên… thiên đình nhìn xuống hạ giới.

Nhưng ngay trên thiên đình này có một dịch vụ rất đời thường đã chờ sẵn: chụp ảnh. Khách chỉ cần ngồi vào ghế, nhìn thẳng vào ống kính gắn trên chân máy cố định, tít một cái là có ngay tấm ảnh ngồi bên trên các tòa nhà. Trước đó đội ngũ nhiếp ảnh đã chận khách bên dưới cầu thang nháy một cái để rồi khi trở xuống, khách đã thấy ảnh mình đứng cao ngang hàng với tòa tháp, treo trên tường. Ảnh thiên đình hay hạ giới đều đồng giá, khoảng 1,5 triệu đồng. Thích thì lấy, không thì… tự chụp vậy.

Rời Burj Khalifa rồi, tôi mới được biết nó chiếm đến 4 kỷ lục "cao nhất" của thế giới:  tòa nhà, công trình nhân tạo, đài quan sát và nhà hàng.

Đến chợ vàng, du khách thường ngắm nhìn, chụp ảnh chiếc nhẫn vàng vĩ đại
Đến chợ vàng, du khách thường ngắm nhìn, chụp ảnh chiếc nhẫn vàng vĩ đại

Vàng ơi… quen quá

Dù Dubai có hơn 50 khách sạn 5 sao trở lên, nhưng  đoàn Việt Nam làng nhàng như chúng tôi chỉ được qua đêm trong khách sạn 4 sao. Bù lại, ban ngày, nhiều lần đoàn đặt chân vào (rồi ra) ở một số khách sạn 5, 7 sao.

Nhớ buổi sáng đầu tiên ra biển, nhiều vị khách đã lác mắt với một cánh buồm khổng lồ như đang căng gió ra khơi. Đó chính là khách sạn nổi 7 sao  Burj Arab - “Ngọn lửa Arập”. Đứng trên biển, quay lưng với khách sạn, chụp một bô ảnh, tôi bị ảo tưởng là thấy mình cao đẹp dần lên theo chiều  cao 321m của Ngọn lửa Ả  Rập.

Không thử qua đêm cùng cánh bườm được vì giá quá cao (1.000 - 20.000 USD/ phòng), nhiều thành viên trong đoàn lại thử qua trưa cùng buffet với giá…vài trăm USD/ người. Tương tự, nhiều khách đã chọn thưởng thức bánh phủ vàng (gần 2 triệu đồng /bánh) trong khách sạn 7 sao Emirate Palace - thuộc Abu Dhabi, thành phố liền kề với Dubai. Hơi tiếc tiền, khi có người chỉ vừa xơi muổng đầu tiên đã bỏ ra ngoài tham quan, vì vị quá ngọt, không chịu nổi.

Vào 7 sao, nhưng tôi cùng một vài anh em khác lại tò mò, đi xem…phòng vệ sinh.  Đi và đọng lại hình ảnh một căn phòng lộng lẫy đến không ngờ giữa mùi thơm nước hoa thanh thoát, cùng ánh vàng sáng chóe ở các vật dụng. Toilet mà còn thế, nói gì đến phòng ngủ.

Ánh vàng đày rẫy ở Dubai. Nhưng phải đến buổi chiều ngồi taxi nước (thuyền gỗ Abra với  ghế ngồi cao hơn mạn thuyền), lướt qua cái lạch tự nhiên  Dubai Creekr, chúng tôi mới đặt chân lên nơi tập trung đủ thể loại vàng - Chợ vàng Gold Souk.

Ngay từ lối vào ở đường Old Baladiya, sừng sửng một cổng chào to đùng, với hàng chữ đầy vẽ kiêu hãnh: DUBAI CITY OF GOLD ( Dubai Thành phố vàng). Dọc con đường chính, hơn 200 cửa hàng vàng nằm san sát nhau. Vàng không chỉ bày trong tủ kiến mà còn treo la liệt trên tường. Sản phẩm thì đủ loại, từ trang sức cổ xưa đến hiện đại, từ những nhẫn, lắc, dây chuyền… cho đến thắt lưng, lọ hoa, váy áo… 

Tại tiệm Kanz ở gần đầu đường, khách tây ta dừng lại khá lâu ngắm nghía hoặc chụp ảnh chiếc nhẫn vàng nổi tiếng thế giới nặng gần 60kg. Vàng được bán theo gram và kilogram thay vì bằng chỉ hoặc lượng. Ngay trong chợ lại có bảng điện tử thường xuyên cập nhật giá vàng theo giờ. Do không bị thuế nên giá vàng ở Dubai rẻ hơn các nơi...Tuy nhiên vì đã được thông tin là công chế tác rất cao nên chẳng thấy mấy du khách Việt  mua sắm.

Những ngày lướt cùng thành phố Dubai, tôi còn  nhìn thấy một số cách dùng - chơi vàng khác: cây ATM mạ vàng để khách chú ý đút thẻ rút vàng; những chiếc ô tô dát vàng từ đầu tới đuôi bóng lộn; nhiều điện thoại dát vàng bày bán, có chiếc giá lên tới 700.000 Dirham (hơn 4 tỷ đồng);  rồi bánh, kem, trà dát vàng hay mạ vàng.

Trong một cửa hàng lưu niệm, chúng tôi được đưa vào một phòng toàn thảm thêu chỉ vàng. Một anh trong đoàn chắc yêu thích hàng độc nên đã mạnh tay mua một tấm thảm gần 50 triệu đồng.

Có lẽ cách chơi - dùng vàng đã góp phần làm nên thương hiệu “Thành phố xa hoa” cho Dubai chăng?.

Thành phố - cũng là tiểu quốc Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Diện tích 4.114 km2, tương đương diện tích tỉnh Tây Ninh.

Dân số Dubai  hơn 2,7 triệu người, trong đó chỉ có khoảng 20% là dân bản xứ. Thu nhập quốc dân trên đầu người  75.000 đô la /năm

Hơn 70 trung tâm mua sắm, trong đó  Dubai Mall là khu mua sắm có diện tích lớn nhất hành tinh, gần 550.000m2

Dubai có vô số nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt bằng màng Polyamide. Nước sinh hoạt được tái chế để tưới cây cỏ. nhằm làm xanh hóa sa mạc.

   (Nguồn tổng hợp)

Kỳ 2: Những kiểu chơi ít đụng hàng 

LƯU ĐÌNH TRIỀU
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,513,343       37/829