TTO - Đã lên chức ông, chức bà nhưng họ không ngần ngại bắt tay khởi nghiệp ở những lĩnh vực hoàn toàn lạ lẫm với bản thân...
Ông Lê Văn Thành (giữa) thăm hỏi sự hài lòng của du khách khi đến điểm du lịch của ông - Ảnh: NGỌC TÀI |
Hơn nửa đời người gắn bó với cái cuốc, cái cày, lão nông Lê Văn Thành - ngụ xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) - hiểu lắm nỗi cơ cực của nghề nông. Lam lũ cả đời, ông mới có được chút ít ruộng vườn để lại cho con cháu.
Đến tuổi U-90, những tưởng ông sẽ chọn cách hưởng thú điền viên, an nhàn, nhưng ai cũng té ngửa khi ông quyết định mở điểm du lịch sinh thái.
Lão nông mê du lịch sinh thái
Ông Thành cùng với một doanh nghiệp làm du lịch nhận thấy cồn Tân Thuận Đông có phong cảnh nên thơ hữu tình, cây xanh trái ngọt, sông nước hiền hòa nên quyết định làm du lịch sinh thái.
Điểm du lịch Thiện Thành tại nhà ông Thành hiện là điểm du lịch sinh thái được UBND thành phố Cao Lãnh chọn để khai trương Năm du lịch 2017.
Điểm này không chỉ được du khách trong nước tìm đến, mà nhiều du thuyền chuẩn 3 sao quốc tế cũng đưa khách nước ngoài cập bến tham quan. Trung bình mỗi tháng điểm du lịch của ông Thành đón tiếp hơn 1.000 lượt khách.
Bạn Lý Hữu Phúc, hướng dẫn viên du lịch của Công ty du lịch MeKong Eyes, nhận xét:
“Những gian nhà lá phục vụ thức ăn đồng quê rất vừa miệng. Nhà vệ sinh và các dịch vụ kèm theo cũng được khách Tây đánh giá cao. Nhất là cách ông Thành chào hỏi khách rất nhiệt tình, gần gũi. Ông tạo thêm động lực cho giới trẻ biết làm ăn. Ai nghĩ ông cụ gần 90 tuổi mà khởi nghiệp giỏi như vậy”.
Ông Phan Văn Thương, chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, chia sẻ: “Ông Năm đã vượt lên tuổi tác, không chỉ là người đặt nền móng phát triển mới cho nông dân xứ cồn Tân Thuận Đông mà còn là người truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ mạnh dạn đeo đuổi ước mơ”.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân bên những cây bồ công anh mà bà mất hơn 2 năm thuần dưỡng - Ảnh: NGỌC TÀI |
“U-60 thì đã sao”
Bà Nguyễn Thị Bích Vân (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) bắt đầu khởi nghiệp với một số vốn ít ỏi khi tuổi đã U-60, mang trong người nhiều chứng bệnh trầm kha. Bà Vân hiện là giám đốc chi nhánh một công ty chuyên sản xuất trà, cà phê làm từ bồ công anh.
Bà không thích người khác gọi mình là giám đốc, mà muốn được gọi là dì Bảy. “Thú thật lần đầu nghe nói đến chức danh giám đốc tui cảm thấy không quen, nghe kỳ kỳ vì mình chỉ là một người lao động bình thường ở nông thôn, không qua trường lớp bài bản nào” - bà Vân nói.
Lúc 50 tuổi, bà Vân đi Pháp phụ giúp việc nhà cho người quen và tại đây, bà được một ân nhân chỉ cho cách trồng và làm trà từ bồ công anh.
Năm 2014, bà Vân mang giống bồ công anh từ Pháp về, chúng khá yếu ớt lại không thể thích ứng với khí hậu nhiệt đới. Không đến một tuần, 20.000 cây giống giá 100 triệu đồng của bà Vân chết sạch. “Lúc đó cũng không thể nào buồn hơn được nữa” - bà Vân nhớ lại.
Quãng đời bôn ba, cay đắng đều nếm cả nên bà Vân nhanh chóng đứng dậy và mua tiếp vài ngàn cây giống khác.
Lần này bà không vội xuống giống ngay, mà mang đến Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp để thực hiện quá trình nuôi cấy mô. Dù vậy, phải gần 2 năm sau những cây bồ công anh mới chịu sống trên đất Việt.
Hiện tại ngoài cơ sở ở Tân Hồng, bà Vân còn trồng bồ công anh ở Lâm Đồng và Long An với hơn 20ha. Ngoài mặt hàng trà, bà còn làm cà phê bồ công anh. Mới đây, sản phẩm của bà được một công ty bao tiêu sản phẩm với số lượng 300 thùng/tháng.
Nếu có ai đó khen bà rằng tuổi cao mà biết làm ăn giỏi thì bà sẽ trả lời ngay rằng: “U-60 thì đã sao”.