Du lịch

50 năm đi xe đạp vòng quanh thế giới

TTO - Cụ ông 77 tuổi Heinz Stücke, người Đức, thực hiện một chuyến hành trình vòng quanh thế giới dài hơn 600.000km bằng xe đạp, trong hơn 50 năm.

Cụ Heinz Stücke đặt chân lên 1.104 quốc gia và khu vực trên thế giới - Ảnh: designmuseum

Cụ Heinz hiện đang chiếm giữ vị trí á quân trong bảng xếp hạng những người đi nhiều nơi nhất trên thế giới của trang web du lịch The Best Travelled.

Cụ có được thành tích trên là nhờ từng đặt chân lên 1.104 quốc gia và khu vực trên tổng số 1.281 khu vực trên thế giới theo như cách phân chia của trang web The Best Travelled có hơn 13.000 thành viên toàn thế giới.

Cụ ông Heinz Stücke đạp xe vòng quanh thế giới suốt 50 năm - Ảnh: road.cc

Đáng nể hơn, cụ Heinz đã thực hiện một chuyến hành trình dài hơn 600.000km bằng xe đạp, trong hơn 50 năm.

Kết thúc chuyến đi với hơn 18.000 trang nhật ký, 100.000 bức ảnh và 21 quyển hộ chiếu, năm 2015, cụ Heinz ra mắt quyền hồi ký kể lại chuyến phiêu lưu khó tin của mình.

Quyển sách được đặt tên là Home is elsewhere: 50 years around the world by bike (tạm dịch: Nhà là nơi nào đó: 50 năm vòng quanh thế giới bằng xe đạp), được cộng đồng cua rơ Road.cc gọi là quyển sách mà bất cứ người yêu thích đạp xe nào cũng nên có.

Heinz Stücke và tấm bản đồ ghi lại hành trình vòng quanh thế giới - Ảnh: road.cc

Du hành từ tuổi đôi mươi

Từ năm 18 tuổi, cậu thanh niên Heinz Stücke mê địa lý đã có sở thích rong ruổi khắp châu Âu bằng xe đạp.

Năm 1962, Heinz Stücke (lúc đó 22 tuổi, làm thợ máy) nghỉ việc tại nhà máy mình đang làm, và bắt đầu một chuyến du hành bằng xe đạp. Khi ấy ông không nghĩ rằng đó lại là chuyến đi kéo dài gần hết cuộc đời mình.

Heinz không nghĩ mình lại đi xa và đi lâu như vậy, thậm chí còn định bụng là sẽ về trước lúc Thế vận hội 1972 diễn ra tại Munich.

Tuy nhiên, cứ hết điều này đến điều khác, hết nước này đến nước khác, Heinz bị cuốn vào những cuộc rong ruổi triền miên, nơi cậu được thỏa thích “ngắm nhìn thế giới” như ước muốn của mình.

“Chuyện này tốt hơn làm việc ở nhà máy nhiều”, Heinz hứng khởi nhớ lại cảm xúc buổi ban đầu trong một lần trả lời phỏng vấn báo The Telegraph năm 2015.

Tại mỗi quốc gia mình đi qua, Heinz thường dành từ 2 đến 6 tháng để khám phá. Ông đạp xe mà không vạch sẵn lịch trình cho mình, trung bình mỗi ngày ông đạp 100-120km, nhưng cũng có khi chỉ 30-60km ở những nơi có địa hình xấu.

Cụ ông 77 tuổi Heinz Stücke đạp xe từ khi còn là một thanh niên (ảnh góc trên bên trái) - Ảnh: weltsichten.de

Một trong những kỷ lục đáng gờm của ông là đạp xe 300km chỉ trong vòng 12 tiếng qua một sa mạc ở Syria nhờ thuận chiều gió.

Một vài những kỷ niệm đáng nhớ khác trong chuyến đi dài cả nửa thế kỷ của Heinz, có thể kể đến lần ông bị xe tải đụng ở Chile, bị đám đông giận dữ truy đuổi ở Haiti, bị ong tấn công ở Mozambique, bị quân đội Cameroon bắt giữ, bị mất xe đạp ở Siberia, và đi dưới cái nóng 53 độ C ở Mauritania, châu Phi.

Ông cũng từng ghé Việt Nam, đi qua rất nhiều nơi như TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long, Phú Quốc, Huế, Thanh Hóa, Hạ Long, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Giang, Nha Trang, Đà Lạt, Hà Nội…

Ông Heinz Stücke - Ảnh: wikipedia

Có ai leo núi mà dùng trực thăng?

Khởi đầu chỉ với 300 euro (hơn 7,2 triệu đồng), chàng thanh niên lúc bấy giờ Heinz chỉ dám chi tiêu dè xẻn mỗi ngày khoảng 50 - 75 xu.

Gần như không còn xu nào dính túi khi ở Ethiopia, nhưng Heinz may mắn được chính quyền và nhà vua Haile Selassie tặng cho 500 USD.

Sua đó, để tiếp tục có tiền trang trải, Heinz bán ảnh chụp và viết bài cộng tác với nhiều tờ báo ở Đức và các nước mà ông đi qua. Ngoài ra ông còn ra mắt một quyển sách nhỏ.

“Tôi là một người giỏi giao tiếp. Tôi bán sách của mình trên đường phố và nếu kiếm được một chỗ tốt, tôi có thể bán được cả trăm cuốn mỗi ngày. Mỗi cuốn khoảng 3-4 euro, đến cuối ngày là tôi có được 300-400 euro rồi”, ông Heinz từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn với trang blog du lịch Travelling Two năm 2010.

Cụ Heinz triển lãm những vật dụng, phụ tùng xe đạp từ chuyến đi vòng quanh thế giới của cụ - Ảnh: Wikimedia

Heinz lý giải lý do mình chọn xe đạp làm phương tiện vì nó giúp cụ thấy độc lập, lại là phương tiện rẻ nhất, đồng thời lại rất lý tưởng cho việc nhìn ngắm thế giới.

“Đi xe đạp chậm vừa đủ để cho phép tôi học hỏi ở mỗi nơi mình đi qua, về đất nước, về con người, nhưng cũng đủ nhanh để đi những chặng đường dài”, cụ nói.

“Ngoài ra, bộ nhớ của tôi cũng làm việc tốt hơn khi tôi có thể liên tưởng một khu vực hoặc một sự kiện nào đó với sự vận động của cơ thể mình”.

Với Heinz, đạp xe còn là một thử thách mà “ông già gân” này bắt bản thân mình chinh phục.

“Thỉnh thoảng người ta hỏi tôi sao không gắn một chút động cơ vào để đạp cho khỏe, tôi chỉ trả lời họ rằng có ai leo núi mà dùng trực thăng đâu”, cụ Heinz dí dỏm nói.

Ông Heinz Stücke - Ảnh: road.cc

Mải miết đạp xe, đam mê khám phá, cụ Heinz khẳng định rằng mình hiếm khi thấy mệt hoặc nhớ nhà, dù thỉnh thoảng có “thèm” được thoải mái và tiện nghi như ở nhà.

Tuy nhiên, cơn “thèm” ấy lại mau chóng nguôi ngoai khi Heinz gặp được nhiều người tốt với ông, cho ông ở nhờ nhà, và mang lại cho ông chút cảm giác gia đình.

"Xe đạp là một tấm hộ chiếu tuyệt vời", cụ Heinz nói. "Bạn gặp gỡ mọi người lúc đạp xe, và nhìn thấy bạn đi như vậy, người ta nghĩ bạn là người tốt. Người ta thấy tò mò về bạn và sẽ tiếp cận bạn”.

Khi đi, Heinz luôn cố gắng “né” những nơi tấp nập nhiều du khách vì ông muốn gặp gỡ người dân bản địa và học hỏi từ họ.

“Đi du lịch là để học hỏi, để gặp gỡ mọi người, tôn trọng họ và kết giao bạn bè để tương lai chúng ta có thể sống hòa bình với nhau”, cụ Heinz nói.

Ảnh: Design Museum
NGỌC ĐÔNG (tổng hợp)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,752,258       17/1,026