Du lịch

“Bùng nổ” khách Trung Quốc ở Hạ Long

TTO - Những ngày cuối tuần trong tháng 3 này, hàng chục ngàn du khách quốc tế đổ đến TP Hạ Long (Quảng Ninh), có thời điểm lên tới 15.000 lượt người/ngày.

Khách du lịch Trung Quốc đến tham quan vịnh Hạ Long tăng mạnh dịp cuối tuần - Ảnh: Đức Hiếu
Khách du lịch Trung Quốc đến tham quan vịnh Hạ Long tăng mạnh dịp cuối tuần - Ảnh: Đức Hiếu

Đáng chú ý, du khách Trung Quốc chiếm đến 70% và vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái bằng đường bộ.

Dù đánh giá đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch VN nói chung, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc có quá nhiều du khách quốc tế đổ đến địa phương này cũng gây ra nhiều hệ lụy, nhất là khi công tác quản lý du lịch, kiểm soát tour tuyến còn nhiều bất cập.

Tăng đột biến

Sáng 25-3 tại khu vực cảng quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh), khoảng 2-3 phút lại có một ôtô du lịch loại 45 chỗ đưa những đoàn khách đến nhà ga cảng tàu, hầu hết là khách Trung Quốc.

Chưa đầy ba giờ, hơn 250 lệnh được cấp cho tàu du lịch cập bến, phục vụ nhu cầu tham quan của 5.000 khách. Càng về trưa, lượng khách đổ về đây càng tăng.

Hàng chục đoàn khách cùng đến làm thủ tục vào một thời điểm khiến khu nhà chờ tàu đông bất thường và náo nhiệt với nhiều cuộc hội thoại, phần lớn bằng tiếng Trung Quốc.

Phía ngoài khu vực đỗ xe ở cả trong và bên cạnh cảng tàu này chật kín ôtô. Ước tính có hơn 100 xe loại 45 chỗ chuyên chở khách Trung Quốc đậu tại đây.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các hãng lữ hành đều chọn khu du lịch Bãi Cháy là điểm nghỉ ngơi cho khách. Không khó để nhận biết những tốp khách Trung Quốc đi dạo, mua sắm dọc tuyến đường Hạ Long - Cái Dăm (phường Bãi Cháy) đặc biệt là vào chiều muộn, sau khi hết giờ thăm vịnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tuấn Hà - phó giám đốc cảng tàu quốc tế Tuần Châu - cho biết vào tháng 3 hằng năm, lượng du khách quốc tế đổ về đây chưa đến 3.000 khách/ngày, nhưng con số này thời gian gần đây lên tới hơn 10.000 người/ngày, thậm chí có thời điểm lên đến 15.000 khách tham quan vịnh Hạ Long, trong đó khách du lịch Trung Quốc chiếm tới hơn 70%, thường chỉ đi trong ngày chứ ít nghỉ đêm trên vịnh.

Ông Vũ Đức Trường - một trong những đầu mối cung cấp phòng nghỉ cho khách du lịch đến Hạ Long - cho biết so với thời điểm cùng kỳ 2016, lượng khách Trung Quốc tăng hơn 30%.

“Chúng tôi có khoảng 300 phòng nghỉ và đã được khách tour Trung Quốc thuê hết. Họ đến nghỉ khoảng 19h-20h, sáng hôm sau đi sớm và trả phòng luôn” - ông Trường nói.

Trong khi đó, anh Nam - một chủ tàu chuyên đón khách Trung Quốc - khẳng định các hợp đồng của đơn vị trong tháng 3 đã tăng hơn 50% so với thời điểm sau tết.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, những ngày cuối tuần của tháng 3, mỗi ngày có khoảng 5.000 du khách Trung Quốc qua lại cửa khẩu này, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Một chuyên gia du lịch nhận định hiện tượng này là do nhu cầu đi du lịch của du khách nước này ngày càng tăng, đặc biệt sau khi có thông tin Trung Quốc cấm người dân đi du lịch Hàn Quốc.

“Ngoài ra, hệ thống giao thông kết nối của khu vực Quảng Ninh - Hà Nội với các tỉnh phía nam của Trung Quốc hiện rất thuận lợi, chi phí du lịch thấp cộng với công tác quảng bá du lịch đẩy mạnh nên khách đến Quảng Ninh ngày một nhiều” - vị này nhận định.

Hướng dẫn viên dẫn đoàn khách du lịch Trung Quốc đến tham quan vịnh Hạ Long vào dịp cuối tuần - Ảnh: Đức Hiếu
Hướng dẫn viên dẫn đoàn khách du lịch Trung Quốc đến tham quan vịnh Hạ Long vào dịp cuối tuần - Ảnh: Đức Hiếu

Phải biết 
chăm sóc khách

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Đăng Thanh - phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh - cho biết lượng khách Trung Quốc đến Quảng Ninh nhiều trước hết là một cơ hội lớn cho du lịch địa phương này, cho thấy Quảng Ninh thực sự thu hút du khách quốc tế.

Đó cũng là cơ hội để các nhà đầu tư đến đây xây dựng hạ tầng lưu trú, hạ tầng giao thông, dịch vụ vui chơi giải trí... Qua đó, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ khai khoáng sang dịch vụ du lịch, tạo thêm nhiều việc làm trong khu vực này.

Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận việc có quá nhiều du khách Trung Quốc cũng phát sinh nhiều vấn đề và nếu công tác quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

“Khách đông cũng gây áp lực đến vấn đề môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Có một số doanh nghiệp với cách làm chưa bài bản, hay dùng các chiêu trò làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch...” - ông Thanh nói.

Ngoài ra, một số điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc có dấu hiệu bất minh trong hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, chủ các cửa hàng cấu kết với đơn vị lữ hành để tổ chức những tour du lịch giá bèo, đưa khách đến các điểm này với mức hoa hồng cao và thu tiền “đầu khách”.

Có những điểm bán hàng thường xuyên thay đổi pháp nhân và tên cửa hiệu, giá cả các mặt hàng cao hơn nhiều so với giá thị trường. Một số hướng dẫn viên sử dụng thẻ hướng dẫn giả hoặc không có thẻ hướng dẫn, nhất là vào các ngày cao điểm...

Trong một cuộc họp về du lịch mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nêu ra những tồn tại của hoạt động kinh doanh lữ hành, nhất là với đối tượng khách đường bộ từ Trung Quốc, trong đó các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá tour hoặc khoán trắng cho hướng dẫn viên... làm xấu hình ảnh của du lịch Quảng Ninh.

Do vậy, ông Long đã phát động chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch địa phương.

Theo đó, lực lượng liên ngành của địa phương sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp lữ hành, xử lý nghiêm các vi phạm, có thể tạm đình chỉ hoặc chấm dứt cấp phép hoạt động. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, VN cần một chiến lược lâu dài với thị trường khách du lịch Trung Quốc.

“Chúng ta cần chăm sóc và xác định thị trường để có một cách ứng xử phù hợp. Đừng bao giờ nghĩ khách Trung Quốc là khách rẻ tiền vì thực tế sức tiêu dùng và nhu cầu mua bán của dòng khách này rất lớn” - vị này nói.

Du lịch Hàn Quốc mất hàng tỉ USD

Theo Đài truyền hình quốc gia CCTV của Trung Quốc, vào đầu tháng 3 này, cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc đã phát đi cảnh báo công dân Trung Quốc phải suy xét kỹ trước khi quyết định sang Hàn Quốc, sau sự kiện một số du khách Trung Quốc bị chặn ở cửa kiểm soát nhập khẩu vào Hàn Quốc.

Ngay sau cảnh báo này, nhiều công ty du lịch tại Trung Quốc đã rút các chương trình tổ chức tour sang Hàn Quốc khỏi trang web của mình. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh không xác nhận có chuyện cấm đoán du khách sang Hàn Quốc.

Với việc du khách Trung Quốc đồng loạt bỏ tour Hàn Quốc, theo một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, mảng kinh doanh hàng miễn thuế và du lịch của Hàn Quốc, hai ngành có lượng khách chính đến từ Trung Quốc, sẽ bị thiệt hại khoảng 11,7 tỉ USD trong năm nay.

Trong đó, ngành du lịch sẽ thiệt hại khoảng 6,39 tỉ USD so với năm 2016, ngành kinh doanh hàng miễn thuế mất 5,35 tỉ USD. Riêng ngành mỹ phẩm cũng sẽ bị tổn hại tới 1,44 tỉ USD.

TÚ ANH

PGS.TS Phạm Trung Lương (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch):

Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm

Dù số lượng khách Trung Quốc (TQ) đến tăng đột biến nhưng với các "tour du lịch không đồng" sẽ không mang lại lợi ích cho ngành du lịch VN. Bởi du khách TQ đến các nơi mua sắm đã thỏa thuận trước, số tiền đó lại quay về TQ hoặc rơi vào túi cá nhân nào đó.

Lỗi đầu tiên là do các cơ quan chức năng VN đã buông lỏng quản lý nhà nước. Vì sao lại để các doanh nghiệp câu kết để thao túng thị trường khách du lịch như vậy? Chính quyền địa phương đã không phối hợp tốt để xử lý nghiêm các trường hợp này.

Cùng với tăng cường quản lý nhà nước, theo tôi, giải pháp lâu dài là phải nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp để họ không câu kết, tiếp tay cho các đối tượng làm hại đất nước.

Ông Ngô Hoài Chung (phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL):

Không phân biệt đối xử với dòng khách nào

Việc du khách TQ vào VN qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) tăng đột biến do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do chính sách thông thoáng về thị thực du lịch, làm visa trực tiếp tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế, trong đó có khách TQ.

Ngoài ra, căng thẳng chính trị với Hàn Quốc nên du khách TQ đã tìm điểm đến mới và VN trở thành điểm đến hấp dẫn, chưa kể sau dịp Tết Nguyên đán 
là thời điểm du khách TQ sang VN có xu hướng tăng.

Chúng ta không phân biệt đối xử với bất cứ dòng khách nào, luôn đối xử như nhau và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách. Nhưng tình trạng xuất hiện nhiều “tour du lịch không đồng” cùng một số cửa hàng chỉ bán hàng cho người TQ đã làm méo mó hình ảnh du lịch VN.

Việc này làm cho chất lượng sản phẩm và việc đón khách du lịch ở VN ngày càng phức tạp. Ngày 22-3, chúng tôi đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh để tăng cường chấn chỉnh lại môi trường du lịch, rà soát lại hệ thống quản lý, nếu có các trường hợp sai phạm phải xử lý kịp thời.

Quan điểm của Tổng cục Du lịch là chúng ta không thu hút khách du lịch bằng mọi giá. Phải gắn liền giữa việc thu hút khách với tăng cường vai trò quản lý nhà nước để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, chất lượng.

VŨ VIẾT TUÂN

ĐỨC HIẾU
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,688,100       63/1,005