Du lịch

Cuộc hành xác được đền bù với thủy lộ sông Đà

TTO - Đang có thêm một số tour mới đưa khách lữ hành từ TP.HCM trải nghiệm kỳ vĩ sông Đà, với nhiều điểm đến ít khách từng viếng thăm.

Du khách trên thuyền giữa mây nước sông Đà - Ảnh: N.TRIỀU
Du khách trên thuyền giữa mây nước sông Đà - Ảnh: N.TRIỀU

Nhiều địa danh, tuyến đường mới được cung cấp để du khách có thể tham khảo, đặt hàng thêm với các hãng du lịch cũng như lưu vào hành trình của nhóm phượt.

“Hành xác” với cung đường lạ

Bắt đầu hành trình, hướng dẫn viên cảnh báo: cung đường chúng ta qua phong cảnh tuyệt đẹp, nhưng đây là một tua “hành xác” mà ai ham khám phá cũng nên trải nghiệm một lần!

Cung đường từ Sa Pa sang Lai Châu rất đẹp. Đèo Ô Quy Hồ như dải lụa vàng vắt qua những sườn núi bàng bạc sương mây. Xa xa dưới thung lũng là những nóc nhà của người Dao, người Thái.

Theo tỉnh lộ 127 men sông Đà ngược lên hướng tây bắc, càng đi đường càng khúc khuỷu với nhiều con dốc dựng đứng.

Mất hơn hai tiếng, đoàn mới vượt được quãng đường khoảng 50km đến ngã ba Pắc Ma thuộc xã biên giới Mường Tè. Đoạn đường 25km từ ngã ba Nậm Lằn đến Kẻng Mỏ - giáp giới với Trung Quốc - mới thật sự “hành xác” với đá và đá.

Dưới vực sâu hàng chục mét là dòng nước sông Đà đang cuộn mình trắng xóa. Hai bên bờ sông là rừng nguyên sinh, không một bóng người. Gần 11h30, đoàn mới đến được trạm kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ bên bờ hướng mặt ra dòng sông Đà.

Sau khi kiểm tra giấy tờ, thiếu tá Nguyễn Văn Thơ - trạm phó - xác nhận ngoài một vài khách phượt, chúng tôi là đoàn khách lữ hành đầu tiên đặt chân đến trạm này.

Kia rồi, chỉ cách trạm biên phòng hơn trăm mét là chiếc cầu dây văng bắc qua dòng sông Đà. Từ trên cầu này, phóng tầm mắt lên phía thượng nguồn ở khoảng cách cũng chừng trăm mét là ngã ba giao nhau giữa sông Đà với sông Nậm Là và là điểm giáp giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tại ngã ba này có ba cột mốc cùng số gồm 18 (1) ở phía bờ Trung Quốc và 18 (2), 18 (3) nằm phía bờ trên lãnh thổ Việt Nam.

Đặt chân đến Kẻng Mỏ, sải bước trên chiếc cầu treo đầu nguồn sông Đà và chạm tay vào cột mốc chủ quyền nơi biên cương cũng đem lại cho du khách những cảm xúc.

Cô giáo Lê Ngọc Hân (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) viết trên trang cá nhân của mình những dòng tự sự: “Ở chốn sơn cùng thủy tận này, từng thước tấc biên cương không đo bằng bạc vàng châu ngọc, mà đo bằng xương máu, bằng thanh xuân, bằng nghị lực và nỗi cô đơn nhọc nhằn của những chàng trai vệ quốc!”.

Khám phá thủy lộ sông Đà

Nếu đoạn đường lên thượng nguồn là một cuộc “hành xác” đúng nghĩa thì du khách có thể tham gia thủy trình 100km từ thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) về huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La), đây là một sự “đền bù” xứng đáng.

Lòng sông ở ngã ba thị xã Mường Lay mênh mông, phẳng lặng như lòng hồ lớn. Đi tới hẻm núi Kang Chua là đoạn hùng vĩ nhất và cũng là nơi từng được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả hung dữ bậc nhất của sông Đà.

Đoạn sông này dài gần 10km với những vách đá dựng đứng đầy hang hốc, thạch nhũ và thỉnh thoảng có cả những mạch nước vắt ra từ lưng chừng xối thẳng xuống như dòng sữa. Ngước nhìn lên, những chóp núi nhấp nhô ẩn hiện trong các cuộn mây trắng trông như cảnh thần tiên trong phim ảnh.

Qua khỏi hẻm núi, thuyền đi vào địa phận tỉnh Sơn La. Du khách lại bắt gặp một sông Đà khác khoáng đạt với những triền bờ xanh ngát ruộng nương, các thôn bản của người Thái với những nếp nhà sàn không lẫn vào đâu được. Mặt sông biếc xanh, thỉnh thoảng điểm xuyết bởi những chiếc thuyền của người dân làm nghề chài lưới.

Thuyền cập bến ở chân cầu Pá Uôn (huyện Quỳnh Nhai) khi mặt trời sắp lặn. Ráng chiều hắt xuống mặt sông những rẻ quạt vàng như mật ong.

Sông Đà vẫn hiền hòa và trầm mặc tiễn chân du khách trong chặng cuối về TP Sơn La, xuôi về Hòa Bình trước khi kết thúc hành trình chia tay miền Tây Bắc.

Một sông Đà nhiều thay đổi...

Sông Đà từ cao nguyên Vân Nam, Trung Quốc với tên gọi Lý Tiên Giang chảy vào đến biên giới Việt Nam ở cột mốc số 17 thuộc xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sau đó chảy dọc biên giới.

Khu vực này được người dân địa phương gọi là Kẻng Cớn. Khi đến ngã ba sông Nậm Là - cột mốc 18, sông Đà chính thức chảy vào đất Việt.

Trước đây khi ở thượng nguồn phía Trung Quốc chưa xây đập thủy điện, đoạn sông Đà chảy vào biên giới Việt Nam nổi tiếng hung dữ với những ghềnh thác lởm chởm đá, là nỗi ám ảnh của thuyền bè qua lại, tạo nên những địa danh Kẻng Cớn (thác đá lăn), Kẻng Mỏ (thác rơi chảo).

Con sông Đà đoạn chảy vào đất Việt bây giờ dòng nước đã hiền hòa hơn, nhiều lúc như con suối len lỏi qua những bờ bãi lô nhô đá.

NGUYỄN TRIỀU
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,617,380       13/1,024