Du lịch

Đừng bất chấp tất cả để phát triển du lịch

TTO - Phát triển du lịch bất chấp tất cả, tác động mạnh vào những nơi nhạy cảm như Sơn Trà, Sơn Đoòng, Cát Bà... là hướng phát triển sai lầm - các chuyên gia góp ý sửa đổi Luật Du lịch.

Một góc bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng nơi có các khu du lịch đang hoạt động - Ảnh: Trường Trung

Chiều nay 29-5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Du lịch sửa đổi. Nhiều chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp (DN) đã nêu với Tuổi Trẻ một số vấn đề cần có hoặc cần bổ sung, để luật này khi được thông qua sẽ bao quát được các vấn đề trong thực tiễn.

PGS.TS Phạm Trung Lương (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch):

Ảnh: C.V.K

Mập mờ ranh giới bảo tồn và phát triển 

Trong Luật Du lịch có ghi Nhà nước thống nhất quản lý về tài nguyên du lịch. Nhưng thực chất ngành du lịch gần như không được quản lý tài nguyên, như các vườn quốc gia do Bộ NN&PTNT quản lý.

Vấn đề này cần phải xem lại thấu đáo và quy định rõ trong trường hợp nào các tài nguyên du lịch sẽ do ngành du lịch quản lý, nếu không sẽ rất khó phát triển du lịch, nhất là hiện nay việc khai thác cảnh quan tự nhiên đang bị nhiều ảnh hưởng từ các tập đoàn lớn.

Ranh giới giữa bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch đang mập mờ. Thử hỏi hiện nay đã có bao nhiêu đơn vị trích một phần thu nhập để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn?

TS Trần Hữu Sơn 
(nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai):

Ảnh: T.T.

Không vì lợi ích của vài doanh nghiệp

Việc phát triển du lịch bất chấp tất cả, tác động mạnh vào những nơi nhạy cảm như Sơn Trà, Sơn Đoòng, Cát Bà... là hướng phát triển sai lầm. Du lịch VN muốn phát triển lâu dài phải theo quan điểm bền vững.

Khai thác tài nguyên du lịch phải bảo vệ môi trường tự nhiên. Những người dân địa phương phải được bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, được hưởng lợi từ du lịch chứ không chỉ các DN thu lợi.

Tài nguyên du lịch phải được gìn giữ cho thế hệ mai sau, chứ không chỉ vì lợi ích trước mắt của một vài DN nào đó. Phát triển du lịch nhưng vẫn phải bảo vệ được an ninh 
quốc phòng.

Phát triển du lịch bền vững là phải đề cao và đảm bảo được bốn yếu tố đó. Nếu vì lợi ích nhóm hoặc vì quan điểm sai, chỉ thấy lợi ích trước mắt thì sau một thời gian tài nguyên du lịch bị tàn phá, khó có thể khôi phục.

“Điểm hạn chế nhất trong khai thác tài nguyên du lịch hiện nay là tầm nhìn ngắn, chỉ thấy lợi ích trước mắt, đặc biệt là lợi ích của một số doanh nghiệp lớn" - TS. Trần Hữu Sơn

Ông Lưu Đức Kế 
(giám đốc Hanoitourist):

Ảnh: HNT

Chưa thấy đề cập cảnh sát du lịch

Việc thành lập thanh tra du lịch cũng cần quy định rõ ràng hơn, bởi hiện nay thanh tra quá mỏng và không giám sát được các hoạt động du lịch. Nên vừa rồi mới xảy ra tình trạng bát nháo trong hoạt động du lịch ở một số địa phương.

Nhiều nước đã thành lập cảnh sát du lịch nhưng dự thảo Luật Du lịch lần này lại không đề cập đến, trong khi thực tế rất cần có những đơn vị này để đảm bảo du lịch phát triển lành mạnh.

Muốn phát triển du lịch, thậm chí sau này cần tính toán thành lập Bộ Kinh tế du lịch.

Nguyễn Công Hoan (phó tổng giám đốc Hanoi Redtour):

Ảnh: HNR

Thoáng quá dễ dẫn đến làm ăn chụp giựt

Chúng tôi còn băn khoăn nhất là các DN sáng tạo ra sản phẩm du lịch mới rất dễ bị sao chép. Vì vậy cần có một cơ chế bảo hộ quyền sản phẩm của các DN lữ hành.

Nếu không có bảo hộ, rất khó khuyến khích các DN đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới.

Chúng tôi cũng lo lắng về điều kiện thành lập DN lữ hành trở nên quá dễ dàng.

Cần đảm bảo để các DN du lịch vừa cạnh tranh nhưng cũng phải giữ được thương hiệu du lịch VN nói chung, đừng để xảy ra tình trạng vàng thau lẫn lộn.

VŨ VIẾT TUÂN ghi
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,610,715       11/1,021