Du lịch

Du lịch hao tổn do hàng không hủy chuyến

TTO - Chậm chuyến, hủy chuyến hàng không đang khiến nhiều doanh nghiệp du lịch tăng chi phí. Gần đây lại có tình trạng hãng bay báo bay sớm khiến khách mất thêm thời gian và hãng lữ hành cũng mệt mỏi...

Việc chậm, hủy chuyến bay hoặc được “bay sớm” của các hãng hàng không đã làm ảnh hưởng đến ngành du lịch. Trong ảnh: khách du lịch miền Trung xếp hàng chờ làm thủ tục bay - Ảnh: CHÂU ANH
Việc chậm, hủy chuyến bay hoặc được “bay sớm” của các hãng hàng không đã làm ảnh hưởng đến ngành du lịch. Trong ảnh: khách du lịch miền Trung xếp hàng chờ làm thủ tục bay - Ảnh: CHÂU ANH

Giá dịch vụ hàng không tăng, giá vé có thể cũng tăng đang khiến các công ty du lịch lo lắng vì đã chốt tour từ trước.

Muôn nẻo khổ vì hàng không

Ông Trần Thế Dũng - Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ - cho biết công ty đã đăng ký mua vé máy bay của hãng V cho đoàn du lịch hơn 25 người đi Bangkok, Thái Lan trong 4 ngày (từ 24 đến 27-8).

Tuy nhiên, ngày chuẩn bị từ Bangkok về TP.HCM, buổi tối lúc 19h55 công ty được hãng hàng không thông báo... bay sớm hơn 6 tiếng.

“Người ta phải rời khách sạn ở Bangkok từ sớm để tránh kẹt xe. Vô hình trung khách du lịch mất gần một ngày...” - ông Dũng nói.

Khách phản ứng quá mạnh và có lý nên công ty du lịch buộc phải nhượng bộ. “Người ta đi có 4 ngày nhưng việc đổi giờ bay như vậy người ta mất gần một ngày nên chúng tôi phải lùi ngày về vào 28-8. Tốn rất nhiều chi phí” - ông Dũng chia sẻ.

Một số doanh nghiệp du lịch cho biết cũng tá hỏa vì tình trạng hoãn, hủy chuyến. Không ít tour khách “giận” lây cả công ty lữ hành vì họ phải vạ vật ở sân bay, hoặc vừa xuống sân bay phải lên xe đi tham quan ngay vì... máy bay trễ chuyến.

Trường hợp chậm, hủy chuyến bay hoặc được “bay sớm” của các hãng, theo ông Trần Thế Dũng, đang ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch, khiến công ty du lịch bị thiệt hại về uy tín và chất lượng tour. Ông Dũng đề nghị các hãng cần tính toán lịch bay cho nề nếp, tránh tình trạng liên tục chậm, hủy chuyến.

Hàng không chưa muốn chia sẻ lợi nhuận?

Trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đóng vai trò thiết yếu, việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không vừa được công bố đồng nghĩa giá vé máy bay sắp sửa tăng đang khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành.

Lãnh đạo một công ty du lịch tại TP.HCM cho biết giá vé máy bay của các hãng hàng không VN từ TP.HCM đi Đà Nẵng hoặc Hà Nội so với giá vé từ các điểm trên đi Bangkok có sự chênh lệch rất lớn.

Thậm chí, giá vé 2 chiều từ TP.HCM đi Hà Nội gần bằng một tour trọn gói cho khách Việt đi chơi Thái Lan 5 ngày 4 đêm (gồm cả vé máy bay, khách sạn, ăn uống...).

Trong khi các hãng hàng không Thái thường có chương trình liên kết rất tốt với doanh nghiệp lữ hành để có giá tour rất cạnh tranh thì tại Việt Nam lại chưa được như tiềm năng.

Cho biết ông có cảm giác các hãng hàng không Việt Nam chưa thực sự muốn chia sẻ lợi nhuận lớn của mình, vị giám đốc một công ty du lịch TP.HCM cho biết điều này buộc các hãng lữ hành vào thế bị động trước khả năng tăng giá vé hàng không.

Thậm chí, “khi báo giá với đối tác nước ngoài, chúng tôi phải để trống chi phí vé máy bay, phòng ngừa trường hợp hàng không bất ngờ tăng giá” - vị này nói và cho biết nếu báo giá tour bao gồm giá vé máy bay thế nào cũng bị lỗ, bởi bán tour cho khách nước ngoài thông thường trước một năm...

Hợp tác để phát triển du lịch

Trong khi đó, Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar cho biết đều có chính sách bán vé riêng, phù hợp cho các công ty du lịch thông qua các chương trình kích cầu với giá phải chăng.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết với chính sách bán vé hãng luôn tạo điều kiện thông thoáng, dải vé linh hoạt cho các công ty du lịch. Khi có chương trình khuyến mãi, công ty du lịch hoặc các đại lý vẫn được tham gia.

Ví dụ, một chuyến bay có 10 chỗ bán với giá vé rẻ từ 10.000 đồng/vé chặng Hà Nội - Sài Gòn, công ty du lịch và đại lý bán vé sẽ được hưởng một số chỗ.

Đại diện một hãng hàng không giá rẻ cho biết có đến 12 mức giá vé từ 300.000-400.000 đồng/vé đến mức giá trần theo quy định.

Giá vé này được mở bán công khai cho mọi người. Riêng các công ty du lịch có hai hình thức để họ lựa chọn: tự đăng website hoặc mua theo chương trình kích cầu. Thông thường đối với công ty du lịch, các hãng sẽ tính toán theo giá bình quân từng thời điểm để chào giá phù hợp.

Bà Huỳnh Thị Đoan Thùy - phó giám đốc ban tiếp thị Công ty du lịch Vietravel - cho biết chi phí giá vé máy bay trong cấu thành một sản phẩm tour du lịch chiếm khoảng 30-40%. Nhìn chung, giá vé nội địa VN là khá tốt so với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, bà Thùy vẫn cho rằng “có vấn đề ở đây” khi các hãng tăng cường giới thiệu các chương trình giá rẻ từ 0 đồng + thuế cho khách hàng săn vé lẻ (chỉ dành một số chỗ trên chuyến bay), trong khi cơ bản vẫn giữ mức giá đoàn cho các công ty du lịch. Điều này đang là khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp du lịch VN, vận chuyển là khâu bị khách du lịch phàn nàn nhiều nhất. Vé máy bay có thể tăng bất thường; đặt chỗ khó, nhất là vào thời điểm cuối năm cũng là mùa cao điểm... Vì vậy, các công ty du lịch đang mất nhiều thời gian, công sức cho khâu vận chuyển.

Cơ quan quản lý ngành du lịch, theo các doanh nghiệp, cần có kết hợp tốt hơn để kéo giảm giá vận chuyển xuống, đặc biệt là giá vé máy bay.

Có thể khiến người Việt chọn đi nước ngoài

Giá vé máy bay từ VN đi nước ngoài hiện có nhiều hãng khai thác, rất linh hoạt và cạnh tranh. Trong khi đường bay nội địa cơ bản do hàng không Việt khai thác.

“Việc tăng giá vé máy bay thời gian tới, nếu quá cao có thể khiến tour du lịch nội địa có mức giá bằng hoặc cao hơn so với các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Giá tour như vậy sẽ khiến khách Việt đổ xô ra nước ngoài” - lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM cảnh báo.

Trước thông tin ngày 1-10 phí dịch vụ hàng không sẽ tăng, đại diện một hãng hàng không cho biết sắp tới các hãng đều phải nghiên cứu điều chỉnh lại giá vé nhưng sẽ tăng không nhiều.

Theo vị này, hiện giá vé bình quân đang thấp hơn chi phí bỏ ra. Nhưng nếu có điều chỉnh, giá vẫn thấp so với mức giá trần cơ quan chức năng đưa ra. Vị này tiết lộ: giá vé từ TP.HCM - Hà Nội một số thời điểm khoảng 850.000-900.000 đồng/chiều, nếu có điều chỉnh thì giá sẽ xê dịch khoảng 1 triệu đồng/vé.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,552,715       18/927