Du lịch

Đồ lưu niệm cho du khách: khi nào “lên đời” chuyên nghiệp?

TTCT - Hàng quà tặng cho du khách lâu nay thường bị chê không chỉ về mẫu mã mà cả trong phương cách tổ chức bán. Lối đi nào cho thị trường trên 10 triệu khách quốc tế và 62 triệu khách trong nước?

Hàng hóa bên trong chợ Bến Thành

Du khách quốc tế và cả du khách trong nước luôn coi TP.HCM là “thiên đường mua sắm” vì sự đa dạng của hàng hóa, giá cả thì khá cạnh tranh so với khu vực.

Chợ và nỗi sợ mang tên 
“chém”

Buổi trưa trước khi lên đường rời Việt Nam để về Tây Ban Nha, vợ chồng anh Marc Vila Serena cùng hai con dành gần một giờ dạo quanh chợ Bến Thành (Q.1) để tìm mua vài món đồ về làm quà cho gia đình và bạn bè của mình ở Barcelona.

Trước đó vài ngày, gia đình anh cũng đã chịu khó ngược xuôi ngôi chợ này với cùng mục đích trên. Gia đình bốn người này chia sẻ họ thấy ấn tượng với số lượng hàng hóa đồ sộ được bày bán ở đây, và khá hài lòng khi mua được các loại balô, quần áo, dầu cù là, đĩa trang trí bằng tranh sơn mài, mấy tấm thiệp 3D có hình các địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn.

“Chúng tôi muốn tìm những món đồ có thể gợi nhớ về Việt Nam” - anh Marc vui vẻ chia sẻ.

Bước chân vào ngôi chợ nổi tiếng nhất TP này, không chỉ du khách mà ngay cả người Việt Nam lần đầu đến đây cũng dễ choáng ngợp trước hàng trăm gian hàng đồ lưu niệm bày sát nhau, tạo nên những con hẻm nhỏ đầy màu sắc ngay trong lòng chợ.

Hàng lưu niệm được bày bán phong phú đủ chủng loại, từ đồ trang trí, tranh ảnh, đồ gỗ mỹ nghệ, khăn choàng, gốm sứ, thổ cẩm...

Tiểu thương ở đây luôn tự hào rằng chợ Bến Thành có những mặt hàng mà không chợ nào có được, bởi nơi đây vốn đã được mặc định là một điểm mua sắm dành cho khách nước ngoài. Leila Scheffers, một du khách người Hà Lan, chia sẻ sau khi dạo nhiều vòng trong chợ, cô mua được 2 bộ đũa, 2 đế gác rượu bằng gỗ trang trí tranh sơn mài, tách trà gốm và tượng Phật.

“Tôi mua đũa cho một người bạn thích ăn sushi, mua đế gác rượu cho cha tôi vì ông thích uống rượu...” - cô nói.

Du khách chọn mua đồ lưu niệm

Trong phần đánh giá về chợ Bến Thành trên các website nổi tiếng dành cho dân du lịch quốc tế như Lonely Planet hay TripAdvisor đều nhấn mạnh chuyện... phải biết trả giá khi đến đây.

Theo TripAdvisor, thăm chợ Bến Thành được xếp thứ 40 trong số 249 điều nên làm khi đến TP.HCM, được xem là một nơi khá “thuần Việt” và du khách có thể tìm thấy mọi thứ từ nhu yếu phẩm đến đồ lưu niệm ở đây.

Tuy nhiên, trong phần giới thiệu, TripAdvisor viết: “Chợ Bến Thành là một trong những nơi thú vị nhất ở TP.HCM. Mua sắm ở đây thì khá ổn nhưng lưu ý là phải trả giá”.

Hàng trăm bình luận về kỹ năng trả giá khi đến chợ, có người xem đó là một trải nghiệm thú vị, có người lại thấy bực mình.

“Hãy chuẩn bị tinh thần để trả bớt 50% giá mà người bán nói, bằng không thì cứ đi tiếp. Nếu họ muốn bán họ sẽ đi theo bạn” - một du khách tên Gill W từ New Zealand bình luận.

“Giá cả quá cao và người bán thì tạo áp lực lên bạn để bạn mua đồ của họ. Lần đến đó tôi không thấy vui và tôi nghĩ có nhiều nơi thú vị hơn để mua đồ lưu niệm ở Việt Nam” - một người khác viết.

Đồng quan điểm trên, ông Mak Young, người Úc, đã sống ở TP.HCM gần 4 năm, cho biết thỉnh thoảng khi nào có bạn bè hay gia đình sang thăm, ông mới dắt họ ra chợ Bến Thành hoặc đến các cửa hàng đồ lưu niệm để tham quan và mua sắm.

“Tôi nghĩ cũng giống như ở các nước khác, đồ lưu niệm bày bán ở chợ và cửa hàng đa số đều không phải là hàng chất lượng cao. Nếu muốn mua, tôi thường mua của những nghệ nhân hay nghệ sĩ Việt Nam mà tôi biết.

Còn thường thì bạn bè hay người thân đến Việt Nam, khi về họ muốn mua quà cho nhiều người, do vậy họ cần những nơi có bán đồ rẻ, nên tôi dẫn họ đến các cửa hàng lưu niệm” - ông nói.

Du khách thích thú với sự đa dạng của hàng quà tặng ở chợ Bến Thành, nhưng không ít người ngại phải trả giá vì nói thách
Du khách thích thú với sự đa dạng của hàng quà tặng ở chợ Bến Thành, nhưng không ít người ngại phải trả giá vì nói thách "quá dữ".-Ảnh: Ngọc Đông

Du khách thích 
“bảo tàng sống”

Ngồi trong quán nước mía trước cổng chợ Hội An, anh Đặng Văn Thuấn - một hướng dẫn viên tự do - đang chờ đoàn khách hơn 20 người nước ngoài mua sắm ở bên trong. Hơn 30 phút sau, những du khách đầu tiên bắt đầu bước ra khỏi chợ.

Đó là cặp vợ chồng đã ngoài 60 tuổi đến từ New Zealand lần đầu đến phố cổ. Người vợ cầm trên tay một kiểu quần alibaba mỏng và một sấp khăn quàng cổ đủ màu, người chồng đội trên đầu chiếc mũ lưỡi trai mang hình ngôi sao.

“Tôi vừa trả giá nó từ 10 đô xuống 5 đô đấy. Nó có thể dùng được rất lâu phải không? Tôi biết hàng may mặc và vải vóc thì Việt Nam là nhất rồi nên cố mua thật nhiều về tặng người thân” - James thích thú chỉ tay lên đầu.

Giải thích về lý do thích đi chợ, ông James nói: khách du lịch khi đến vùng đất lạ nào cũng chọn hai điểm trong lịch trình là bảo tàng và chợ. Vì bảo tàng là lịch sử “chết”, còn chợ là lịch sử “sống”.

Đến chợ có thể hiểu được đời sống của người dân địa phương cũng như thưởng thức được các món ăn “tận cùng xã hội”.

James cười: “Bạn hỏi tôi có đi cửa hàng không thì tôi trả lời là có vì trong chương trình tour có ghé qua. Nhưng tôi sẽ không để dành tiền của mình để mua ở đó, chúng tôi muốn đến chợ và mua các sản phẩm từ các chợ giống như cách mà người địa phương mua. Tôi thích cách ngắm nghía sản phẩm rồi đoán giá chúng, sau đó thì trả giá.

Tôi cũng thích trò chuyện trong khi mua hàng vì thấy rằng đa số người bán hàng đều có khả năng ngôn ngữ để trao đổi. Họ cũng rất nhiệt tình hướng dẫn vợ tôi cách dùng sản phẩm và giặt chúng sao cho không phai màu. Nói chung tôi hài lòng với buổi mua hàng hôm nay”.

Hàng quà tặng ở Đà Nẵng, Hội An tạo được dấu ấn trong mắt du khách, nhưng tính tiện dụng, tiện ích cho hộp quà vẫn chưa chuẩn.-Ảnh: Trường Trung
Hàng quà tặng ở Đà Nẵng, Hội An tạo được dấu ấn trong mắt du khách, nhưng tính tiện dụng, tiện ích cho hộp quà vẫn chưa chuẩn.-Ảnh: Trường Trung

Hiện nay tại chợ Hội An chia làm hai phân khu rất lớn phục vụ du khách. Đó là một khu bày bán các sản phẩm thời trang từ áo quần vải vóc, giày dép, nón mũ cho đến các tặng phẩm lưu niệm; một khu chuyên bán các món hàng thực phẩm đặc sản như các loại bánh, trái cây sấy khô, hạt...

Bà Hồng, một người bán các tặng phẩm túi xách thêu tay, cho biết bất kể các loại mặt hàng nào bày bán ở phố cổ đều có thể tìm thấy ở chợ này, kể cả loại tặng phẩm như tiền cổ hoặc hàng handmade phức tạp.

“Sản phẩm như nhau cả, nhưng trong các cửa hàng thì giá cao hơn một chút vì chi phí mặt bằng. Mua ở đâu thật ra cũng phụ thuộc vào dòng khách, “thượng lưu” thì nhiều người chọn cửa hàng hơn, còn kiểu “balô”, khách đoàn thì họ thích sự náo nhiệt ở chợ. Ai không ngại đứng trả giá thì có lợi hơn được đôi đồng” - bà Hồng tỏ ra am hiểu.

Hơn chục năm trong nghề hướng dẫn viên, anh Thuấn cho rằng chợ vẫn là sự lựa chọn số 1 khi du khách mua hàng quà tặng. Một phần cũng vì văn hóa chi tiêu rất có tính toán và tâm lý e ngại “chi hoa hồng” khi du lịch phương Đông.

“Khách lẻ tôi không tính bởi họ đi đến mọi ngóc ngách có thể đi được. Còn khách đoàn gần như tất cả đều muốn được đến chợ truyền thống để mua quà về cho người thân.

Hầu hết khách Tây mà tôi hướng dẫn đều nói bên nước họ các cửa hàng tự chọn với giá niêm yết đầy rẫy nên họ muốn mua bán những món hàng mà họ tự định giá. Anh biết đó, bây giờ thông tin điểm đến đầy trên mạng, du khách rất khôn ngoan nên việc trả giá lúc mua hàng với họ khá bình thường” - anh nhận định.

Hàng quà tặng ở Đà Lạt nhưng nhiều du khách nói cũng thấy có ở tận Mai Châu?-Ảnh: Mai Vinh
Hàng quà tặng ở Đà Lạt nhưng nhiều du khách nói cũng thấy có ở tận Mai Châu?- Ảnh: Mai Vinh

Tại Đà Nẵng, từ năm 2014, chợ Hàn đã là điểm đến phục vụ khách du lịch tham quan mua sắm và chợ Cồn đã được xây dựng để trở thành điểm đến mới trong các tour du lịch đến TP.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, trưởng ban quản lý chợ Hàn, hiện nay hơn 90% các quầy hàng trong chợ có người mua chính là du khách thập phương.

Bà Vân cho biết mặc dù chợ được quy hoạch nhưng khi thị trường tiêu thụ thay đổi, chợ thành một điểm đến mà bất cứ du khách nào tới Đà Nẵng cũng ghé qua.

Hiện nay có gần 700 quầy bán hàng quà tặng và đồ vật phẩm lưu niệm cho khách. “Khi phát triển theo hướng phục vụ du khách thì những món hàng trong chợ hầu hết là những mặt hàng có thẩm mỹ và độ tinh tế cao, phù hợp với túi tiền của họ” - bà Vân đúc kết.

Du khách nước ngoài luôn chọn chợ Bến Thành là điểm đến tìm kiếm món hàng quà tặng ý nghĩa cho chuyến đi. -Ảnh: Hữu Khoa
Du khách nước ngoài luôn chọn chợ Bến Thành là điểm đến tìm kiếm món hàng quà tặng ý nghĩa cho chuyến đi. -Ảnh: Hữu Khoa

Quà thân thiện môi trường

Với lượng khách du lịch mỗi năm gấp 5 lần số dân 1 triệu của TP Đà Nẵng, thị trường hàng quà tặng cho du khách đang trở thành mảnh đất được các nhà sản xuất chăm chút. Tại các chợ ở Đà Nẵng, các mặt hàng mang gốc gác biển đều là các mặt hàng làm quà cao cấp mà khách chọn. Chủ yếu là các mặt hàng khô như hải sâm, vi cá mập, cá ngựa, tổ yến, mực lá khô, mực một nắng, cá rim me...

Bà Yến, chủ quầy Thuận Yến trong chợ Hàn, nói trước đây người ta hay so “đồ chợ” với đồ trong shop vì chất lượng và uy tín, nhưng hiện nay khi có du khách thập phương thì quan niệm này đã dần thay đổi.

“Hàng quà của chúng ta là thực phẩm hoặc vải vóc, đồ thêu tay du khách có thể thử và quan sát được nên họ không lo về chất lượng.

Nó khác với một thiết bị điện tử phải mua ở nơi uy tín. Các quầy hàng trong chợ có lượng hàng hóa bày bán giá trị cả tỉ đồng chứ không nhỏ lẻ như trước. Vi cá mập, tổ yến hay cá ngựa... đều là hàng cao cấp khách thích khi mua ở đây” - bà Yến nói.

Du khách thử trang phục để mua khi du lịch Việt Nam

Tại cửa hàng DaNang souvenirs & cafe, một điểm mua sắm rất thu hút khách, có hơn 500 mặt hàng quà tặng lưu niệm, phần lớn được làm thủ công.

Cầm trên tay một hộp trà Việt có hình khuôn mặt người nông dân luống tuổi, chị So Yeon (Hàn Quốc) tỏ ra thích thú khi nghe nhân viên tư vấn giới thiệu thêm về quy trình, cách thức sản xuất, chế biến cho ra hàng thành phẩm.

Chị nói: “Tôi chưa biết chất lượng vì chưa thử nhưng tôi ấn tượng với chiếc hộp. Đó không phải là một gương mặt thương hiệu kiểu như người nổi tiếng ở nước tôi mà là người làm ra nó. Nhìn rất ấn tượng và chân thực nên hi vọng bố mẹ tôi sẽ thích thú”.

Theo bà Nguyễn Ngọc Như Hương - quản lý cửa hàng DaNang souvenirs & cafe, ngoài các mặt hàng lưu niệm mang hình ảnh, hình dáng địa phương, quốc gia, du khách đặc biệt thích thú với các sản phẩm làm thủ công từ nông sản Việt.

“Các mặt hàng thực phẩm từ người nông dân hoặc các loại mỹ phẩm có chiết xuất tự nhiên đều là những loại quà tặng du khách chuộng ở đây. Họ đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh tế và thân thiện môi trường nên vừa qua chúng tôi có hợp tác với một số đơn vị đẩy mạnh sản xuất các tặng phẩm này” - bà Hương cho biết.

Du khách đội nón lá VN tham quan cửa hàng lưu niệm

“Hàng lưu niệm đôi khi như một cái cớ để người bán chèo kéo khách. Nó nằm ở những góc chợ không mấy ngăn nắp, những kiôt bừa bộn ở những khu du lịch hoặc bán chung với những món hàng giá rẻ không có nguồn gốc rõ ràng” - ông Võ Anh Tần, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng, nhận xét.

Ông Tần cho rằng hàng lưu niệm ở Việt Nam nói chung vẫn nằm bên rìa hoạt động kinh doanh du lịch vì nó xuất hiện trong guồng máy kinh doanh nhưng không đóng góp được nhiều, thậm chí có khi còn làm cho hình ảnh du lịch trở nên xấu xí.

“Lỗi không phải ở những món hàng mà lỗi ở không gian “sống” của hàng lưu niệm”, với tư cách là chuyên gia quy hoạch du lịch, ông Tần nhấn mạnh. Theo ông Tần, hàng lưu niệm chỉ có giá trị khi sống đúng trong không gian văn hóa của nó.

Du khách thích thú với mặt hàng cà phê với hình ảnh nhận diện thương hiệu dung dị.-Ảnh: Trường Trung
Du khách thích thú với mặt hàng cà phê với hình ảnh nhận diện thương hiệu dung dị.-Ảnh: Trường Trung

Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương liên tục tổ chức các cuộc thi tìm kiếm các sản phẩm quà lưu niệm, quà du lịch đặc trưng. Các địa phương xem đây là dịp để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Đồng thời là dịp trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng tặng phẩm lưu niệm du lịch đặc trưng tiến tới phục vụ cho du lịch lâu dài.

Hồi tháng 6, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố và trao giải cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 với 171 tác phẩm dự thi. Các sản phẩm đoạt giải sẽ được lựa chọn trưng bày, giới thiệu, quảng bá và làm quà tặng cho đại biểu tại Hội nghị APEC 2017 diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11.

NGỌC ĐÔNG - TRƯỜNG TRUNG - MAI VINH
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,456,458       100/973