Du lịch

Kỳ lạ: nơi không có người chết và người thất nghiệp

TTO - Tại Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard (Na Uy), mọi người lo sợ dịch cúm bùng phát trở lại hơn ai hết. Sao lạ vậy? Vì người bệnh không được phép chết tại đây!

Kỳ lạ: nơi không có người chết và người thất nghiệp - Ảnh 1.

Cư dân Longyearbyen tập trung chào đón ngày Mặt trời trở lại hôm 8-3-2018 - Ảnh: ekladata.com

Quần đảo Svalbard ở phía bắc Na Uy gần Bắc cực gồm khoảng 30 đảo với Longyearbyen là trung tâm hành chính. Từ năm 1950 đến nay, Longyearbyen đã thực hiện một quy định rất kỳ lạ. Đó là không cho phép chết tại đây.

Nỗi lo virus cúm bùng phát trở lại

Tại Longyearbyen nhiệt độ rất lạnh nên thi hài người chết luôn đóng băng và không thể phân hủy. Như vậy virus gây bệnh có thể sống sót và bùng phát nếu có điều kiện thuận lợi.

Từ thập niên 1950, chính quyền địa phương đã thông báo không tiếp nhận cư dân mới và yêu cầu phải chuyển người bệnh ở giai đoạn cuối đến Oslo cách đó hơn 2.000 km. Một tổ giám sát được thành lập để theo dõi việc thực hiện quy định này.

Giả thiết virus bùng phát đã được củng cố sau chuyến nghiên cứu của Tiến sĩ chuyên ngành địa lý y học Kirsty Duncan người Canada.

Năm 1998, bà hướng dẫn đoàn gồm 15 chuyên gia quốc tế đến nghĩa trang Longyearbyen để nghiên cứu virus cúm Tây Ban Nha gây đại dịch năm 1918 (hơn 20 triệu người tử vong).

Longyearbyen được chọn vì tại đây có bảy thợ mỏ nhiễm virus cúm tử vong và được chôn cất khá nhanh. Các nhà khoa học hy vọng khí hậu lạnh có thể sẽ bảo quản được phần nào virus.

Họ tiến hành khai quật và giải phẫu tử thi, kết quả đã tìm thấy các hạt virus cúm tồn lưu.

Kỳ lạ: nơi không có người chết và người thất nghiệp - Ảnh 2.

Bản đồ Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard (Na Uy) - Ảnh: wildearth-travel.com

Tôi bàng hoàng khi nghĩ đến chuyện chúng ta không biết điều gì gây ra cúm Tây Ban Nha. Tôi biết nếu chúng ta tìm thấy các phần tử virus, chúng ta cũng sẽ có thể điều chế vắc xin chống bệnh cúm".

Tiến sĩ địa lý y học Kirsty Duncan

Không cho người thất nghiệp cư trú

Tại Longyearbyen với 2.144 dân (số liệu thống kê năm 2015) không có nhà hưu trí hay cơ sở y tế chăm sóc người già. Dù vậy, thị trấn vẫn có một nghĩa trang đang hoạt động để lưu giữ tro cốt của những người muốn được an táng tại đây sau hỏa táng.

Không chỉ không nhận người chết, Longyearbyen cũng không chấp nhận trẻ sơ sinh. Do khí hậu lạnh nên sản phụ sẽ được chuyển đi nơi khác nhiều tuần trước ngày lâm bồn. Đến khi mẹ tròn con vuông và sức khỏe ổn định, mẹ và bé mới có thể trở lại quê nhà.

Khẩu hiệu tại Longyearbyen là "lạ đời, an toàn, sáng tạo". Bởi vậy địa phương thực hiện nhiều luật lệ lạ đời hơn các địa phương khác.

Ví dụ Longyearbyen mở rộng vòng tay đón tiếp du khách nhưng mèo thì không. Mèo bị cấm nuôi nhằm bảo vệ gia cầm, chim chóc. Trước khi bước vào nhà bắt buộc phải cởi giày ra để khỏi mang bụi đất vào nhà vì đây là đất mỏ.

Đệ tử Lưu Linh không thể uống xả láng vì chính quyền địa phương ấn định khẩu phần mua rượu dành cho mỗi người trong tháng. Nguyên nhân do giá thức uống có cồn tại đây cực kỳ rẻ.

Longyearbyen có lẽ là một trong những địa phương có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới vì người không có công ăn việc làm không được phép cư trú. Do điều kiện sống khắc nghiệt ở vùng địa cực, mỗi người cần phải tự chu cấp mới có thể sinh tồn.

Kỳ lạ: nơi không có người chết và người thất nghiệp - Ảnh 4.

Bộ trưởng Khoa học Kirsty Duncan (áo đỏ) thăm Đại học Waterloo đầu tháng 3-2018 - Ảnh: ĐẠI HỌC WATERLOO

Bà Kirsty Duncan 52 tuổi giữ chức bộ trưởng Bộ Khoa học Canada từ đầu tháng 11-2015. Bà lấy bằng tiến sĩ về địa lý học năm 1992. Từ năm 1993-2000, bà giảng dạy các bộ môn khí tượng học, khí hậu học và hiện tượng biến đổi khí hậu tại Đại học Windsor .

Bà bắt đầu nghiên cứu về nguyên nhân gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 từ năm 1992 vì lo ngại dịch cúm có thể bùng phát trở lại.

Sau chuyến khảo sát tại Alaska , năm 1998 nhóm nghiên cứu do bà hướng dẫn đã đến Longyearbyen (Na Uy). Chuyến nghiên cứu không thành vì các mẫu virus tìm thấy không thể sống.

Bà tham gia Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ và ủy ban này đã cùng chia giải Nobel Hòa bình năm 2007 với cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore.

Tập tục tình dục kỳ lạ: ở nơi phụ nữ 'cứ quan hệ thoải mái'

TTO - Mãi cho đến thập niên 1950, tộc người Ma Thoa (Moso) thiểu số ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vẫn theo chế độ mẫu hệ độc tôn, và xem nam giới "không là gì cả".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,602,644       92/1,033