Du lịch

Đến Las Vegas thử làm cảnh sát

TTO - Bạn cầm trên tay một khẩu súng và đối mặt với những tên tội phạm khét tiếng. Tại sao cảnh sát không bắn vào tay hoặc chân thay vì bắn chết kẻ tội phạm đó?

Đến Las Vegas thử làm cảnh sát - Ảnh 1.

Ảnh: JOHN LOCHER/AP

Câu trả lời sẽ có khi đến thăm Bảo tàng Tội phạm tại Las Vegas, Mỹ.

Cùng đối mặt với bọn khủng bố, mafia

Một người đàn ông bịt mặt đột nhập vào nhà dân bắt giữ và khống chế một phụ nữ làm con tin.

Một sĩ quan cảnh sát có mặt tại hiện trường yêu cầu hắn thả con tin, nhưng tên này kháng cự và lao về phía cảnh sát với vũ khí trong tay. Viên sĩ quan giơ súng lên và bắn hạ người đàn ông này.

Đó là tình huống giả định của một du khách người Anh trong vai sĩ quan cảnh sát khi tham gia bài huấn luyện tại Bảo tàng Tội phạm - "The museum of mobsters" hay còn gọi là "Mob Museum" ở Las Vegas, Nevada, Mỹ.

Khi đến với Bảo tàng Tội phạm Las Vegas, ngoài việc tham quan nơi trưng bày những vật dụng, đồ dùng, bằng chứng liên quan tới giới mafia, tội phạm nguy hiểm trong lịch sử nước Mỹ.

Du khách sẽ có cơ hội tham gia trải nghiệm công việc của một cảnh sát thực thụ khi phải đối mặt với những tên tội phạm nguy hiểm có vũ trang.

Du khách được trang bị một khẩu súng bắn đạn nhựa và đặt trong các tình huống mô phỏng tương tự như những cuộc chạm trán giữa cảnh sát với tội phạm trong cuộc sống thực.

Qua đó để hiểu thêm về những khó khăn và sự phức tạp khi đưa ra các quyết định của cảnh sát, đặc biệt là các tình huống có thể phải sử dụng vũ lực như nổ súng tiêu diệt tội phạm.

Những người tham gia trải nghiệm sẽ nhận được một đoạn video giới thiệu "nhiệm vụ" từ một sĩ quan cảnh sát Las Vegas với những thông tin ngắn gọn về mục tiêu.

Sau đó, du khách được hướng dẫn về cách sử dụng súng an toàn, quy định về sử dụng vũ lực và các quy trình khi thực hiện của cảnh sát.

Ngoài ra, du khách còn được học cách duy trì khoảng cách an toàn với đối tượng, không để ngón tay lên cò súng và không được nổ súng nếu không xảy ra tình huống khẩn cấp...

Đến Las Vegas thử làm cảnh sát - Ảnh 2.

Ảnh: JOHN LOCHER/AP

"Tôi cảm thấy rất chân thật. Hoạt động này thực sự cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích. Đây là lần đầu tiên tôi cầm súng. Ở Anh, chúng tôi không có súng hay bất cứ thứ gì như thế này", Lesley Morris, một du khách đến từ London, chia sẻ sau khi tham gia trải nghiệm tại Bảo tàng Tội phạm Las Vegas.

Sĩ quan Robert Plummer đến từ Sở Cảnh sát Las Vegas, chia sẻ rằng ông hy vọng thông qua hoạt động này sẽ thay đổi quan điểm của một số người về việc sử dụng vũ lực của cảnh sát, đặc biệt trong thời điểm những vụ nổ súng của cảnh sát đã trở thành một chủ đề nóng của dư luận.

Tại sao cảnh sát buộc phải bắn chết tội phạm?

Rất nhiều người sẽ tự hỏi rằng: Tại sao cảnh sát không bắn vào tay hoặc chân thay vì bắn chết đối tượng?

"Nếu bạn đã tham gia trải nghiệm làm cảnh sát tại Bảo tàng Tội phạm Las Vegas, bạn sẽ nhận ra rằng việc đó gần như là không thể. 

Để làm được điều này đòi hỏi phải có độ chính xác rất cao trong khi thực tế có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các sĩ quan. Trong tình huống nếu bắn trượt, rất có thể một công dân vô tội hay là một đứa trẻ sẽ gặp nguy hiểm", sĩ quan Robert Plummer chia sẻ.

Tại một khu vực khác, du khách đam mê trinh thám sẽ có cơ hội được trải nghiệm công việc điều tra hiện trường, được dàn dựng từ những vụ án có thật.

Ngoài ra, một màn hình cỡ lớn được lắp đặt để "thử tài" khám nghiệm tử thi của du khách. Du khách sẽ được gợi ý để trả lời những câu hỏi nhằm xác định chính xác nguyên nhân cái chết.

Những trường hợp này đều được dựa trên cái chết của những tên tội phạm nổi tiếng.

Bảo tàng Tội phạm Las Vegas nằm ở khu vực trung tâm của thành phố giải trí Las Vegas, bên cạnh phố đi bộ Fremont.

Được xây dựng trên một khuôn viên có diện tích hơn 3.800m2 và chính thức mở cửa phục vụ du khách vào ngày 14-2-2012, bảo tàng là nơi trưng bày những kỷ vật và hiện vật nguyên gốc, hầu hết là bằng chứng của các vụ trọng án, gắn liền với những tên tội phạm khét tiếng như Al Capone, Whitey Bulger, Bugsy Siegel và John Gotti...

Bên cạnh đó, thông qua màn hình tương tác, du khách có cơ hội trải nghiệm những công nghệ cũ phục vụ công tác điều tra từng được FBI áp dụng như công nghệ nghe trộm, ghi âm điện thoại hoặc tham gia khóa đào tạo nhanh về vũ khí.

6 cách cư xử bị cho là 6 cách cư xử bị cho là 'thiếu lịch sự' ở châu Âu

TTO - Một số hành động, lời nói có thể là rất bình thường, thậm chí là vô nghĩa tại các châu lục khác thì với người châu Âu lại trở nên thiếu lịch sự.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,531,616       23/938