TTO - Cảnh quan choáng ngợp đầy sắc màu của núi Cầu Vồng ở Peru hiện ra làm xua tan sự mệt mỏi của du khách sau hai giờ leo đến đỉnh núi cao 5.000m này. Nhưng sự bùng nổ du lịch mang lại điều không mong muốn?
Quang cảnh nhiều sắc màu núi Cầu vồng, Peru - Ảnh: AP/Martin Mejia
Tuy nhiên, sự bùng nổ du khách đến tham quan làm môi trường núi Cầu Vồng đang lâm nguy.
Theo AP, những đường sọc ăn mòn trên núi theo thời gian có màu lam ngọc, màu tím của hoa oải hương và màu vàng tạo nên sự đặc trưng hiếm có của núi Cầu Vồng (núi Vinicunca hay Rainbow Mountain).
Trong 5 năm gần đây, núi Cầu vồng nằm trên dãy Andes trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Peru. Dưới ánh mặt trời, từng dải màu đan xen nhau rực rỡ trên sườn núi tựa như bức tranh sáp màu khổng lồ.
Lukas Lynen, một du khách 18 tuổi đến từ Mexico bày tỏ: "Khi nhìn cảnh quan sắc màu núi Cầu vồng cứ ngỡ như chúng được Photoshop".
Ảnh: AP/Martin Mejia
Ảnh: AP/Martin Mejia
Ảnh: AP/Martin Mejia
Theo The New York Times, anh Santos Machacca, 29 tuổi, người hướng dẫn leo núi đến từ vùng Cusco, miền nam Peru cho biết núi Cầu vồng được phát hiện gần đây có thể do biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi đã hỏi những cụ cao niên sống ở Pitumarca, gần khu vực núi Cầu Vồng và được trả lời rằng ngọn núi trước kia ẩn bên dưới lớp tuyết. Sự ấm dần lên toàn cầu đã làm băng, tuyết tan chảy và xuất lộ núi với những nếp uốn nhiều màu sắc" - anh Machacca nói.
Anh Machacca thông tin du khách đến tham quan núi Cầu Vồng không chỉ vì cảnh quan đẹp rực rỡ mà còn ở điều kiện khí hậu có không khí vô cùng trong lành.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Ảnh: AP/Martin Mejia
Ảnh: AP/Martin Mejia
Chính sự nổi tiếng của cảnh quan núi Cầu Vồng nên thu hút khoảng 1.000 du khách viếng thăm mỗi ngày, tạo nguồn thu du lịch đáng kể cho cộng đồng địa phương Pampachiri ở vùng núi hẻo lánh này.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Người dân Pampachiri sống chủ yếu bằng nghề chăn lạc đà (alpaca). Sự bùng nổ du lịch đã thu hút khoảng 500 người trở về để giúp địa phương hướng dẫn du khách tham quan núi. Những người này từng từ bỏ chăn nuôi du mục đi đào vàng nguy hiểm ở vùng Amazon.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Theo AP, ngoài hình thức đi bộ leo núi, giá vé cho mỗi du khách tham quan núi bằng ngựa là 3USD (tương đương 68.000 đồng), mang về khoản lợi nhuận 400.000USD/năm (tương đương 9,108 tỷ đồng).
"Thật may phước cho chúng tôi" - anh Isaac Quispe, 25 tuổi, nói về việc có thêm thu nhập khi dùng con ngựa mua được năm ngoái để chở du khách lên núi.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Đến với vùng núi Cầu Vồng, du khách còn dễ dàng nhận thấy các hướng dẫn viên Pampachiri luôn diện những bộ trang phục dân tộc bằng len đầy sắc màu và đội mũ rộng vành truyền thống khi chăn dắt ngựa chở du khách.
"Điều đáng ngại hiện tại là chúng tôi nửa chữ tiếng Anh cũng không biết mà nơi đây lại không có trạm cấp cứu" - ông Gabino Huaman, người đứng đầu cộng đồng địa phương Pampachiri, cho hay đây chính là "rào cản" khi chuẩn bị tour phục vụ chu đáo cho du khách.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Độ cao và khoảng cách đường leo núi khá dài khiến cho việc chinh phục ngọn núi của du khách trở nên khó khăn.
Họ cần phải thích nghi cơ thể trước khi bắt đầu chuyến đi, cũng như chuẩn bị bình oxy để tránh tình trạng chóng mặt do say độ cao, một số người khác còn dùng phương pháp nhai lá coca.
Ảnh: AP/Martin Mejia
John Widmer, du khách người Mỹ đã leo núi Cầu Vồng vào tháng 4-2017, viết trên blog bài tỏ chuyến du lịch không được như mong đợi, "không nhiều sắc màu" như anh vẫn nghĩ.
"Thời tiết xấu cùng với hướng dẫn viên vô trách nhiệm, những người đi leo núi không chuẩn bị kỹ và điều kiện của con đường mòn thật khủng khiếp. Môi trường quanh núi sẽ dễ dàng bị phá hủy hoàn toàn bởi số lượng lớn khách du lịch. Tôi cảm thấy xấu hổ vì chuyến đi của chúng tôi góp phần trong việc phá hủy vẻ đẹp trên dãy Andes" - Widmer viết.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Ảnh: AP/Martin Mejia
Thật vậy, theo ABC News, vấn đề đặt ra là việc các công ty khai thác du lịch quá mức tại khu vực núi Cầu Vồng tạo thách thức lớn cho việc bảo tồn cảnh quan vùng núi quý giá này.
Dina Farfan, một nhà sinh vật học người Peru bày tỏ mối lo ngại ngành du lịch không khói bùng nổ tại núi Cầu Vồng đang giết chết "con ngỗng đẻ trứng vàng".
Ông Farfan đưa ra dẫn chứng một đường mòn 4km được sử dụng cho du khách leo núi trong 18 tháng qua đã bị bào mòn nghiêm trọng, phá hủy tính hoang sơ vốn có của nó.
Ngoài ra, một vùng đất rộng lớn dưới chân núi là nơi sinh sống của các đàn vịt trời trong mùa di trú đã "biến" thành các bãi đậu xe cho du khách có kích cỡ bằng 5 sân bóng đá. Thêm vào đó, một tập đoàn khai thác khoáng sản từ Canada đang xin chủ trương khai thác trong vùng núi này.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Dù vậy, ông Farfan cho biết một nhóm người chăn nuôi du mục đã nỗ lực kết hợp thực hiện dự án phát triển du lịch bền vững ở thị trấn Chillca gần núi Cầu vồng, sau khi đã tham khảo nhiều dự án phát triển du lịch tại các địa điểm khác ở Peru.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Nhóm này thực hiện tour đưa từng nhóm du khách nhỏ khoảng 16 người tham quan núi cầu Vồng và các nơi khác quanh sông băng Ausangate trong thời gian 5 ngày.
Họ quản lý 4 nhà gỗ tại thị trấn Chillca. Đây là nơi nghỉ ngơi của du khách sau khi leo núi. Trong nhà gỗ này chỉ thắp nến và có nước nóng sử dụng.
Ảnh: AP/Martin Mejia
Mỗi du khách đến đây đều được tặng một đôi giày làm từ da và len lạc đà. Vào lúc bình minh, quản lý Orlando Garcia đánh thức du khách bằng một bài hát mang giai điệu du dương về tình yêu bằng tiếng Quechua.
"Bạn phải luôn chiều lòng du khách, nắm bắt được thông tin xem họ muốn điều gì và luôn chăm sóc tốt các dịch vụ du lịch cho họ để họ rời đi luôn nở nụ cười. Chúng tôi muốn họ cảm nhận được những điều thoải mái nhất nơi độ cao 5.000m" - Garcia nói.