Du lịch

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo

TTO - Tương tự ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, du khách đặt chân đến Bali có thể phải đối mặt với những rắc rối như bị chặt chém khi đi du lịch, gặp phải taxi “dù” hay bị cảnh sát giao thông vòi tiền mãi lộ.

Nguyên tắc đầu tiên mà bạn cần học thuộc là hãy tránh thật xa bất cứ ai đề cập đến vàng, đá quý, thuốc men. Ngoài ra, hãy cảnh giác với những người lạ "vô tình" băng ngang qua mặt bạn và va trúng bạn một cách vô cùng trùng hợp. Đừng để nụ cười và thái độ thân thiện của họ đánh lừa bạn.

Đổi tiền

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo - Ảnh 1.

Ở Kuta, Legian và nhiều khu vực khác, bạn có thể bắt gặp rất nhiều bảng hiệu quảng cáo các địa điểm đổi tiền "chính thức". Tỉ giá đổi tiền ở các nơi này thường được các tay cò chào mời là cao hơn thị trường quốc tế, rằng họ không ăn tiền chênh lệch của bạn. 

Tuy nhiên, thực tế là bạn sẽ không hề được lợi ích gì khi đổi tiền ở đây. Những nhân viên tại các cửa tiệm này nhanh tay đến mức chỉ trong vòng một giây, họ đã có thể rút bớt tiền hoặc đánh tráo những tờ tiền giả, tiền rách cho bạn. 

Đừng bao giờ tin dù cho họ có đếm tiền ngay trước mặt bạn, vì đây là những kẻ lừa đảo rất tinh vi.

Thay vào đó, hãy rút tiền ở các trụ ATM. Không giống như Thái Lan, nơi bạn phải trả 6 USD cho mỗi lần rút, các trụ ở Indonesia có mức phí rất thấp. Nếu nhất định phải đổi tiền, hãy trực tiếp đến các ngân hàng.

Dịch vụ chia sẻ xe

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo - Ảnh 2.

Các dịch vụ chia sẻ xe như Uber và Grab bị cấm tại Bali, nhưng vẫn có những tài xế cố ý vi phạm. Khi đi trên các chuyến xe này, rủi ro mà du khách thường gặp nhất là bị tài xế vòi thêm tiền, bên cạnh khoản phí hiển thị trên ứng dụng lúc ban đầu. Nếu không trả, bạn đừng hòng bước ra khỏi xe.

Xe taxi giả

Giao thông ở Bali là một cơn ác mộng sẵn sàng thử thách sự kiên nhẫn của bất kỳ du khách nào. Tại Bali, chỉ có một hãng xe uy tín và nổi tiếng nhất là Blue Bird Group. Tài xế của hãng này thường đeo bảng tên và sử dụng đồng hồ đo cự li. Họ cũng không huýt sáo để mời gọi bạn như các loại taxi "dù". Bạn có thể tải ứng dụng Blue Bird để đặt xe dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nhiều hãng taxi ít nổi tiếng hơn đã tận dụng tiếng tăm của Blue Bird để kiếm tiền. Họ tìm cách bắt chước xe của hãng này bằng cách sơn màu xanh hay nhái logo. Vì vậy, hãy cẩn thận khi đi các xe taxi và đảm bảo trên xe có đồng hồ đo cự li.

Bán hàng rong ở bãi biển

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo - Ảnh 3.

Những bãi biển ở phía Nam Bali là nơi làm ăn của rất nhiều người bán hàng rong, từ bán trang sức, thuốc men đến massage. Cứ đi được vài bước, bạn sẽ phải lắc đầu từ chối lời mời gọi mua hàng một lần.

Hãy nhớ rằng khoảng 90% những gì bạn được chào mời ở bãi biển được bán với giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn rất nhiều ở nơi khác. Tại đây, có nhiều trẻ em bị gia đình bắt đi bán hàng để lợi dụng lòng thương hại của du khách. Đừng mua hàng từ những trẻ này nếu bạn không muốn tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi từ sức lao động của trẻ em.

Đền chùa

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo - Ảnh 4.

Khi đến gần các ngôi đền Hindu, bạn sẽ gặp những người đứng ngoài cửa yêu cầu trả tiền vé vào cổng tham quan. Thậm chí, có người còn đề nghị làm hướng dẫn viên miễn phí cho bạn trong suốt chuyến đi. Tuy nhiên, khi kết thúc hành trình, họ sẽ trở mặt và quay ra đòi bạn đưa một khoản phí "tự nguyện" để trả công. Dĩ nhiên, nếu đưa khoản tiền quá thấp, bạn cũng khó lòng thoát khỏi những kẻ xấu xa này để ra về.

Các ngôi đền gần núi Batur và Pura Besakih là hai nơi thường xảy ra tình trạng này nhất.

Tất cả đền Hindu đều yêu cầu nam và nữ quấn vải sarong quanh chân trước khi bước vào. Vì vậy, hãy ăn mặc phù hợp. Bạn có thể mượn sarong miễn phí ở cổng vào đền, nhưng sẽ có một vài người tiếp cận để mời bạn thuê sarong với giá rẻ.

Thuê xe máy

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo - Ảnh 5.

Thuê xe máy là một trong những trò lừa đảo phổ biến ở Đông Nam Á, nhưng thường xảy ra nhất ở Bali và khu vực Lombok. Nhiều người sẽ đến hỏi bạn có muốn thuê xe máy không nhưng hãy cẩn thận vì bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. 

Kịch bản tệ nhất là người chủ xe phối hợp với vài kẻ xấu sử dụng chìa khoá dự phòng để lấy cắp xe khi bạn lơ là. Dĩ nhiên, họ sẽ hô hoán lên là bạn làm mất xe và bắt bạn đền tiền cả chiếc xe. 

Ngoài ra, những kẻ này cũng có thể đổ thừa bạn làm trầy hoặc hỏng xe và đòi bạn phải đưa tiền để sửa chữa.

Vì vậy, hãy đến các cửa hàng để thuê xe thay vì gật đầu đồng ý với lời đề nghị của những kẻ huýt sáo mời bạn dọc đường. Nếu không thể tìm thấy cửa hiệu nào đáng tin, hãy nhờ tiếp tân ở khách sạn của bạn giới thiệu giúp.

Phụ phí khi gia hạn thuê phòng

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo - Ảnh 6.

Ở Bali, bạn có thể đặt được phòng với giá rất rẻ nhưng nếu muốn gia hạn thêm một hoặc hai đêm, bạn sẽ trả mức phí cao gấp nhiều lần ban đầu. 

Để có được mức giá như cũ, bạn sẽ được yêu cầu dọn đồ ra khỏi khách sạn, đi đâu đó, sau đó đặt phòng trực tuyến lại và đến nhận phòng lại, như một du khách mới hoàn toàn. 

Những người chủ khách sạn biết rằng nhiều du khách quá lười biếng để làm lại quy trình này và đành chấp nhận trả mức phí cao ngất trời. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ về thời gian bạn muốn lưu lại Bali để hạn chế việc phải xin gia hạn ngày. Nếu bị khách sạn buộc phải làm các quy trình rắc rối, hãy cân nhắc đến việc tìm hẳn một nơi khác để ở.

Phí giữ xe

Những kẻ cơ hội ở Bali có xu hướng mang ghế hoặc dựng ki-ốt gần những nơi cho đậu xe miễn phí. Chúng tiếp cận những du khách và yêu cầu họ trả phí để được đậu xe. Một trong những nơi thường xảy ra tình trạng này là ở khu Goa Gajah. 

Tại đây, nhiều người sẽ bắt bạn trả tiền nếu đậu xe trước các cửa hàng nằm trên con đường bận rộn gần Ubud. Nếu gặp phải tình huống này, hãy kiên định bằng cách tìm nơi khác để đỗ. Đừng cương quyết không trả tiền và vẫn đậu ở chỗ cũ, vì trong lúc bạn rời đi mua sắm, xe của bạn sẽ bị kẻ xấu đến phá hỏng.

Cảnh sát mãi lộ

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo - Ảnh 7.

Tại Bali, người tham gia giao thông phải tuân thủ luật đội mũ bảo hiểm. Rất nhiều cảnh sát giao thông có xu hướng nhằm vào du khách đi xe máy, kể cả khi họ có đội mũ. Cảnh sát sẽ yêu cầu bạn đưa bằng lái xe quốc tế. 

Ngay cả khi bằng của bạn hợp pháp, các cảnh sát này vẫn nói rằng loại bằng bạn đang sử dụng không được chấp nhận tại Indonesia. Hầu hết du khách sẽ phải trả tiền phạt ngay tại chỗ, và dĩ nhiên số tiền này sẽ đi thẳng vào túi các cảnh sát.

Tiền phạt không được quy định cụ thể mà tuỳ vào khả năng trả giá của bạn và việc cảnh sát thấy bạn mang theo bao nhiêu tiền trên người. Vì vậy, đừng nên mang quá nhiều tiền ở cùng một chỗ.

Arak

Đi chơi Bali nên dè chừng 10 trò lừa đảo - Ảnh 8.

Trò lừa nguy hiểm nhất ở Bali là pha trộn arak vào các loại thức uống có cồn để tang lợi nhuận. Nếu bạn gọi một thứ đồ uống quen thuộc nhưng cảm thấy hương vị có gì đó kỳ lạ, có thể bạn đã uống phải loại nước giả bị pha trộn arak.

Arak là loại rượu giá rẻ và thường chứa methanol, được sản xuất đại trà ở Indonesia. Ngộ độc methanol có thể gây tử vong cho du khách và cả người dân địa phương. Chỉ 10ml arak đã có thể gây mù, phá huỷ các cơ quan nội tạng và gây suy thận.

Hầu hết các loại thức uống được mời miễn phí ở quán bar có chứa arak. Vì vậy, cách duy nhất là hãy gọi bia hoặc đến các cửa hàng có uy tín để nhấm nháp rượu.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,380,305       52/1,133