Giáo dục

Điểm sàn năm nay sẽ thay đổi thế nào

Phân tích phổ điểm 6 khối thi, các chuyên gia giáo dục cho rằng nhiều khả năng điểm sàn sẽ giảm nhẹ, nhất là khối C, D, D1 do điểm Ngoại ngữ thấp.

Theo thống kê điểm thi của thí sinh ở cụm đại học, trừ các khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15, thì các khối thi còn lại gồm A, A1 và B đều có điểm trung bình trên 15.

Ông Phạm Văn Bổng, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, dựa trên phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi có thể thấy nhiều khả năng ngưỡng xét tuyển đầu vào (điểm sàn) sẽ giảm nhẹ, đặc biệt ở khối C, D. Không chỉ vậy, điểm chuẩn vào nhiều trường cũng sẽ giảm vì chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2016 tăng 20,5% so với năm 2015 (khoảng 420.000), trong khi đó lượng thí sinh dự thi để xét tuyển đại học giảm.

"Với phổ điểm này, nếu so sánh với năm 2015 thì nhiều khả năng các trường top dưới khó tuyển đủ chỉ tiêu đối với khối C, D nếu giữ nguyên ngưỡng điểm sàn là 15", ông Bổng nói.

Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Điện lực cũng dự báo điểm sàn có thể giảm một chút so với năm 2015. Năm trước, Đại học Điện lực nhận hồ sơ xét tuyển là 16 (trên ngưỡng do Bộ quy định 1 điểm), tuy nhiên năm nay mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường sẽ bằng điểm sàn.

Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng cũng cho rằng, điểm sàn nên xác định thấp hơn năm trước bởi phổ điểm thấp hơn năm 2015 và tổng số thí sinh dự thi giảm hơn trước. 

diem-san-nam-2016-se-thay-doi-the-nao

Phổ điểm các khối D (Toán - Văn - Ngoại ngữ) và D1 (Toán - Văn - Tiếng Anh).

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga phân tích, đối với các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, phổ điểm nhích hơn năm ngoái về phía điểm cao. Số thí sinh đạt điểm cao và trung bình cũng nhiều hơn năm ngoái. Bên cạnh đó, phổ điểm năm nay phân bố đều nên các trường top trên dễ tuyển sinh hơn, có khi không phải sử dụng tiêu chí phụ.

Riêng môn tiếng Anh, biểu đồ phổ điểm lại bị lệch trái, nghĩa là số lượng điểm thấp lớn. Điều này làm cho điểm trung bình khối D thấp hơn năm ngoái. Mặc dù vậy, số thí sinh thi khối này rất đông do cả 3 môn kết hợp là Toán, Văn, Ngoại ngữ đều là 3 môn bắt buộc nên lấy điểm cao hơn mức trung bình vẫn đảm bảo số lượng lớn, không ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường lấy khối D.

Ngày mai (28/7), Hội đồng xác định ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ họp để phân tích điểm của thí sinh, chỉ tiêu của các trường, và xác định mức điểm nào có thể đảm bảo đủ trình độ học đại học, từ đó tư vấn cho Bộ trưởng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Khác với năm ngoái, năm nay tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT có thể xét tuyển vào cao đẳng mà không cần ngưỡng xét tuyển đầu vào.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các khối A, A1 và B, do phổ điểm nhích hơn năm ngoái một chút nên Bộ sẽ tính toán ngưỡng xét tuyển đầu vào trên cơ sở tổng chỉ tiêu hơn 420.000 các trường đại học đăng ký, trong đó khoảng 100.000 chỉ tiêu xét tuyển học bạ.

Như vậy còn khoảng 300.000 thí sinh xét tuyển bằng kỳ thi THPT quốc gia. Hội đồng sẽ cân nhắc lấy mức điểm phù hợp để đảm bảo các trường tuyển đủ 300.000 chỉ tiêu, cộng thêm hệ số dư dôi.

"Nhóm top đầu có khoảng 60 trường với 100.000 chỉ tiêu. Năm nào số lượng thí sinh khá giỏi cũng tập trung vào các trường này. Năm nay, dù số thí sinh đạt điểm tuyệt đối không nhiều nhưng số lượng đạt mức điểm chuẩn các trường này không giảm. Học sinh cần theo dõi trang thông tin điện tử các trường để nắm rõ tình hình tuyển sinh", Thứ trưởng Ga nhắn nhủ.

Năm 2014, ngưỡng điểm tối thiểu để các trường tuyển thí sinh vào học là: Khối A, A1, C, D 13 điểm, khối B 14 điểm. Điểm sàn của bậc cao đẳng thấp hơn điểm sàn bậc đại học 3 điểm, tương ứng theo từng khối. Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ngưỡng tối thiểu thí sinh phải đạt được để xét tuyển vào đại học ở tất cả các khối là 15 điểm, còn ngưỡng xét tuyển vào cao đẳng là 12 điểm.

Lan Hạ

VNExpress

điểm sàn, thi THPT quốc gia 2016, xét tuyển 2016


© 2021 FAP
  1,119,917       4/1,018