Giáo dục

Phương pháp giáo dục 'lạ' ở Trung Quốc

Các chuyên gia giáo dục hy vọng phương pháp mới này sẽ sản xuất ra những thế hệ trẻ tương lai ham học hỏi, năng động và tư duy phản biện độc tập của Trung Quốc.

Thoạt nhìn, phương pháp mới này giống như lớp thể dục bình thường tại một trường công lập ở Nghi Tân, thành phố có khoảng một triệu dân ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Nhưng sau đó bạn sẽ thấy học sinh dán trên lưng ký hiệu NO3, SO4, PO4 và đuổi theo bạn cùng lớp mang ký hiệu để có thể bắt đầu một phản ứng hóa học. Đây là cách môn thể dục và hóa học kết hợp với nhau tại trường trung học Cold Water Well. Trong lớp học kết hợp giữa lịch sử và toán, học sinh sử dụng thống kê để tìm các mẫu trong những thăng trầm của dân tộc.

Đây là mô hình được thực nghiệm từ ý tưởng của cựu phóng viên Zhang Liang, 47 tuổi. Ông giải thích: “Những gì chúng tôi đang cố gắng nói với học sinh là động lực thực sự đằng sau tất cả việc học nhằm giúp các em nhận ra thế giới này thực sự hấp dẫn như thế nào. Một khi hiểu được, các em sẽ dần dần có sáng kiến riêng của mình”.

phuong-phap-giao-duc-la-o-trung-quoc

Học sinh đang học tiếng Trung ở trường trung học cơ sở Cold Water Well. Ảnh: NPR

Ý tưởng của ông Zhang không hề bị tẩy chay. Từ phương pháp giáo dục theo Nho giáo, trường học tại nhà đến mô hình Waldorf và Montessori ở nước ngoài, trào lưu giáo dục mới đang phát triển khắp Trung Quốc ở cấp trung học cơ sở. Trong khi đó, đại học và cao đẳng vẫn dưới sự kiểm soát của chính phủ và ngày càng bị thắt chặt hơn.

Các chuyên gia giáo dục hy vọng những phương pháp giảng dạy mới sẽ mang lại lợi ích cho cả học sinh trường công lập và tư thục, và “sản xuất” ra những thế hệ tương lai ham học hỏi, năng động, có tư duy phản biện độc lập.

Ông Zhang chia sẻ nguồn cảm hứng với công việc giáo dục đến từ những gì ông chứng kiến trong trận động đất Tứ Xuyên giết chết gần 70.000 người năm 2008. Ông nhận thấy sức mạnh tinh thần và khả năng phục hồi thường là vấn đề của sự sống và cái chết. Những điều này trở thành quyết tâm để đưa nhân loại và chủ nghĩa nhân đạo trở lại thành mục tiêu của giáo dục, để chuẩn bị hành trang cho học sinh trước những thách thức của cuộc sống.

Theo ông, vấn đề trong hệ thống giáo dục Trung Quốc hiện nay là các môn học bị chia cắt và không có liên kết logic giữa chúng. Toàn bộ hệ thống đang quá tập trung vào việc tích lũy kiến thức, vượt qua bài kiểm tra và làm theo yêu cầu. “Điều này làm cho học sinh cảm thấy học tập là vô nghĩa và nhàm chán. Các em phải chịu những tác động mạnh từ bên ngoài để tiến về phía trước”, ông nói.

Một khi sự ham học hỏi của học sinh được kích thích, ông Zhang hy vọng cuối cùng các em có thể thiết kế khóa học cho riêng mình, tự phân công nhiệm vụ cho bản thân và đưa ra quy tắc riêng. Điều này đang diễn ở một trường trung học tư thục ở Trùng Khánh.

Hơn một nửa trong số 600 học sinh trường Cold Water Well là con của người lao động di cư hiện làm việc ở các thành phố khác. Nhưng theo thầy Wu Ge, hiệu phó của trường, phương pháp giảng dạy mới và triết học đã làm thay đổi trường theo hướng tích cực. "Khi những đứa trẻ này vào trường, chúng tôi xếp hạng gần cuối của huyện về điểm thi. Nhưng ba năm, ngay lúc này, khi chúng sắp tốt nghiệp, chúng tôi xếp đầu bảng”, thầy nói.

Zeng Liang, học sinh lớp 8 của trường Cold Water Well, nhớ lại đã rất sợ mỗi lần đưa ra câu trả lời sai trên lớp. Tay em rất run. Nhưng ở trường này, em không cần phải lo lắng về điều đó. Thay vì phải nghe giảng, học sinh được chia thành nhóm, thực hiện các nghiên cứu riêng của mình bằng việc sử dụng máy tính bảng, thảo luận và tranh luận về những phát hiện của chúng. Zeng nhớ lại: “Khi chúng em nhỏ hơn bây giờ, tất cả học theo cá nhân. Không có sự nhiệt tình và chúng em không dám nói chuyện. Ở đây chúng em được thảo luận và chia sẻ ý kiến của mình. Em có thể đứng lên và nói, cho dù đúng hay sai”.

phuong-phap-giao-duc-la-o-trung-quoc-1

Học sinh chơi trò “Phán ứng hóa học”. Ảnh: NPR

Một vài thập kỷ trước, hệ thống giáo dục của Trung Quốc theo kiểu Liên Xô. Nhà nước quy định các chuyên ngành đại học và công việc dựa trên những gì nhà nước cần chứ không phải những gì học sinh muốn. Và một số môn học, như tiếng Anh, được dạy theo cách cũ là học thuộc lòng.

Nhưng trong hai hoặc ba năm gần đây, ông Zhang cho biết, chính quyền địa phương đã cho phép các trường thử những điều mới cho dù việc này khá chậm trễ. Tuy vẫn kiểm soát trên danh nghĩa trong các kế hoạch và chương trình giảng dạy, chính phủ ngầm cho phép thử nghiệm, hoặc ít nhất là không can thiệp vào.

"Kết quả thu được rất đáng mừng. Hãy xem những đứa trẻ này chủ động như thế nào, cách chúng cùng nhau thảo luận mọi thứ. Một khi điều đó trở thành thói quen, sẽ có những thay đổi lớn trong giá trị con người trẻ. Chúng sẽ mất đi những niềm tin mù quáng về quyền tối cao của giáo viên hay của bất kỳ ai khác”, ông Zhang nói và nhận thức được rằng những học sinh suy nghĩ độc lập mà ông từng đào tạo có thể gặp khó khăn để hòa nhập với hệ thống chính trị của Trung Quốc. Vì vậy, ông dạy học sinh làm thế nào để “tránh bãi mìn”.

Ông nói với học sinh: “Trong phạm vi riêng tư, các em là cơ quan cao nhất, và các em quyết định tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, trong phạm vi xã hội, các em phải điều chỉnh hành vi của mình theo một bộ quy tắc chung”.

Đây là một phương pháp mới ở Trung Quốc, nơi mà học sinh ít khi được nói về quyền trong phạm vi riêng tư mà chính phủ không thể chạm tới, và những hoạt động trong phạm vi xã hội mà người dân có quyền được tham dự. Ông Zhang cho biết nhà chức trách Trung Quốc không hoàn toàn nhận thức được ảnh hưởng của những cải cách này với hệ thống độc tài của mình. Họ quá bận rộn để cố gắng đối phó với những thay đổi sâu rộng trong cả quan điểm xã hội và nhân khẩu học. Và đây là những gì dẫn đến sự thay đổi.

Dân số Trung Quốc đang già đi. Trường học phải đấu tranh với sự giảm về số lượng học sinh, sinh viên bằng cách cung cấp giáo dục cá nhân hóa hơn. Giáo dục trung học cơ sở đã trở thành một thị trường người mua. Cha mẹ và trẻ em ở cả trường công lập và tư thục đang ngày càng nhận thức được “quyền của người tiêu dùng”.

“Hiệu trưởng các trường nói với chúng tôi rằng họ đang phải chịu ngày càng nhiều áp lực từ các bậc cha mẹ. Cha mẹ đang bắt đầu can thiệp khi họ cảm thấy rằng trường đang coi con em họ là những máy móc nhồi nhét và thử nghiệm”, ông Zhang nói.

Kết quả là, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia đầy áp lực đã giảm xuống mức thấp ở Bắc Kinh và các thành phố khác, vì cha mẹ cho con ra nước ngoài du học hoặc chọn con đường khác, chẳng hạn giáo dục tại nhà hoặc giáo dục nghề.

Năm 2014, chính quyền phản ứng bằng cách cho phép sinh viên lựa chọn ba trong sáu môn học để dự thi. Trước đây, học sinh chỉ thi môn toán, tiếng Anh và tiếng Trung, và có một sự phân biệt rõ ràng giữa các sinh viên theo học ngành khoa học nhân văn và ngành khoa học tự nhiên.

Rất ít học sinh của ông Zhang tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia vì ông mới làm việc trong lĩnh vực giáo dục bốn năm, nhưng ông tin tưởng rằng các em sẽ không gặp vấn đề gì dựa trên thành tích của chúng ở trường.

Có ý kiến cho rằng phương pháp táo bạo của ông Zhang Liang sẽ được nhân rộng. Trước học kỳ tiếp theo, ông hy vọng sẽ ký kết được với 30 trường học để tiếp nhận mô hình giáo dục của mình.

Quỳnh Linh (theo NPR)

VNExpress

phương pháp giáo dục, Trung Quốc, kết hợp các môn học, thế hệ trẻ


© 2021 FAP
  1,116,228       2/928