Giáo dục

Ước mơ 'bố nhìn thấy con' của cô bé chăn bò Yên Bái

Với gia cảnh mẹ mang bệnh thần kinh, bố thì bị mù, nên cô bé Thanh Hà rất cố gắng học tập với ước mơ trở thành bác sĩ để mang lại ánh sáng cho bố.

Cô bé Hoàng Thanh Hà xinh xắn và đáng yêu như bông hoa giữa núi rừng Tây Bắc khiến ai gặp cũng quý mến.

Tôi đến nhà Hà vào buổi chiều nhưng em đang đi chăn bò chưa về. Trong lúc chờ đợi bên căn nhà nhỏ được ghép tạm bằng những tấm gỗ ọp ẹp, những tia nắng chiều như vẫn nhảy nhót quanh nhà qua những khe thưa, tôi được nghe bố Hà (anh Hoàng Văn Vinh) chậm rãi kể về cuộc đời bất hạnh của mình.

Cách đây 15 năm, anh bỗng thấy hai mắt bị mờ, tầm nhìn giảm rõ rệt. Thấy hiện tượng bất thường như vậy nên anh đi khám khắp các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc và bàng hoàng khi nhận tin anh sẽ bị mù vĩnh viễn vì bệnh không thể chữa. Tiền bạc trong nhà vì thế cũng "đội nón" ra đi theo những lần đi chữa bệnh.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, anh càng chua xót hơn khi người vợ cũng "cao chạy xa bay", bỏ mặc anh với cô đơn, bệnh tật. Từ một người đàn ông trẻ khỏe mạnh, là lao động chính, giờ đây anh trở về quê hương với hình ảnh của một người mù lòa, không làm được việc dù là nhỏ nhất.

uoc-mo-bo-nhin-thay-con-cua-co-be-chan-bo-yen-bai

Sau một thời gian, anh Vinh vượt qua mặc cảm tự ti để làm lại cuộc đời, học cách tự chăm sóc bản thân và làm việc trong bóng tối. Rồi anh được mai mối cho một người phụ nữ hơn mình 3 tuổi. Một năm sau, căn nhà nhỏ vang tiếng khóc của một bé gái và được đặt tên là Hoàng Thanh Hà. Khó khăn như nhân lên gấp bội khi người vợ ấy như một đứa trẻ, không biết chăm sóc con, nói trước quên sau, vì thế anh Vinh phải tự làm mọi việc.

Với anh Vinh, sự vất vả này nhân lên hàng nghìn lần khi cùng lúc phải chăm sóc “hai đứa trẻ” là vợ và con. Nhà đã nghèo nay lại càng nghèo hơn khi giờ đây cả nhà lại có thêm một thành viên mới. Hiện gia đình anh chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp rất ít ỏi dành cho người tàn tật mỗi tháng.

Vượt qua vất vả, hiện cô con gái xinh xắn và dễ thương của anh đang là học sinh lớp 7A, trường THCS Vĩnh Kiên, xã Vĩnh  Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Mọi việc trong nhà từ nấu nướng, giặt giũ, trồng rau, hái chè, chăn bò, phơi vỏ gỗ… đều được cô bé 12 tuổi làm rất tốt.

Khi tôi đang trò chuyện thì nghe thấy tiếng bò kêu. Từ xa, mẹ Hà nhảy chân sáo như đứa trẻ lên 5 và reo lên: "A, bò về, Hà về rồi"... Tôi hỏi ra mới biết, con bò ấy là của một người dân cùng xã. Vì thương hoàn cảnh gia đình nên họ cho nuôi chia. Nghĩa là nhà Hà phải chăm sóc cho đến khi con bò đẻ ra được 2 con nhỏ thì họ sẽ lấy bò mẹ và một con bê, còn nhà em sẽ được trả công bằng một con bê.

Nhìn cô bé thoăn thoắt và nhanh nhẹn, tháo vát làm hết mọi việc, tôi không khỏi cảm phục, bởi ở tuổi của em nhiều bạn vẫn còn chưa biết tự lo cho bản thân của mình.

Mỗi ngày, Hà dậy từ 5h sáng và làm việc nhà, sau đó 6 giờ thì em phải đạp xe đi học. Từ nhà đến trường rất xa, nhưng cô bé không bao giờ nghỉ học. Ở trường, em học rất khá, chăm chỉ và ngoan ngoãn. Em được nhà trường miễn giảm học phí, thầy cô quan tâm tặng thêm vở, quần áo và xin được sách cũ của họ hàng, làng xóm để có cơ hội đến trường mỗi ngày.

Khi được hỏi tại sao lại biết đi xe đạp, tôi bất ngờ với câu trả lời của cô bé: "Bố dạy cháu. Bố dắt xe cho cháu tập đi, lúc đầu cũng ngã nhiều và đau lắm, nhưng nếu cháu không biết đi xe thì không ai chở vì lên cấp 2 phải học rất xa nhà".

Chia tay cô bé đảm đang, tháo vát, thích học văn nhưng lại muốn làm bác sĩ. Giờ đây, Hà chỉ có một ước mơ: “Bố một lần được nhìn thấy cháu”, bởi từ khi em còn bé cho đến tận bây giờ, bố vừa là mẹ vừa là bố nâng đỡ và ở bên những khi em cần…

Nếu có một ước mơ, tôi cũng sẽ mơ có một phép màu để bố Hà có thể nhìn thấy con mình một lần trong đời. Rất mong chương trình hỗ trợ để em có thể vơi bớt những khó khăn, tiếp tục đến trường và hoàn thành ước mơ.

Phạm Thị Dịu

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,091,686       3/865