Giáo dục

Ứng dụng bán thực phẩm của sinh viên Việt dự thi quốc tế

Ý tưởng chia sẻ thực phẩm mình đang có đến người cần dùng của sinh viên FUNiX sẽ dự chung kết cuộc thi SEA Makerthon tại Singapore.

Giải pháp "Neighborfood" được nhóm "Thỏ bảy màu" gồm các bạn trẻ 9x: Lê Phúc Văn, Ngô Thị Hạnh, Bùi Kiều Diệu Linh và Chu Lan Anh trình bày tại sự kiện SEA Makerthon Hanoi 2016.

Đây là một trong những hoạt động của cuộc thi SEA Makerthon 2016 nhằm tìm kiếm các giải pháp thực tế cho bài toán "Lãng phí thức ăn trong tiêu dùng". Cuộc thi được tổ chức thành chuỗi sự kiện từ tháng 6 đến tháng 10 tại 10 thành phố thuộc 6 quốc gia Đông Nam Á gồm: Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Giải pháp nhóm đưa ra là xây dựng một ứng dụng để mọi người có thể chia sẻ thực phẩm và bán tại các khu chung cư. Ứng dụng sẽ kết nối những người có nhu cầu chia sẻ thực phẩm với người cần mua. Đó là một chiếc "tủ lạnh" trực tuyến, lưu trữ thực phẩm trong các hộ gia đình để sẻ chia cho người cần. 

Dù mới dừng ở giai đoạn ý tưởng và xây dựng mô hình kinh doanh nhưng nhờ giải pháp mang tính thực tế và kế hoạch tài chính thông minh, giải pháp của nhóm đã xuất sắc vượt qua các đội khác để trở thành đại diện của Việt Nam tham dự vòng chung kết sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 15-16/10 tới.

Lê Phúc Văn và đồng đội thuyết trình trong buổi dự thi tại Hà Nội.

Lê Phúc Văn và đồng đội thuyết trình trong buổi dự thi tại Hà Nội.

Là sinh viên khóa 2 của Đại học trực tuyến FUNiX, Lê Phúc Văn biết đến cuộc thi qua chia sẻ của một mentor (chuyên gia) của trường. Dù chỉ biết cuộc thi trước 12 ngày nhưng Văn vẫn quyết định tham gia bởi anh cũng đang ấp ủ một dự án liên quan đến thực phẩm và muốn thử sức mình. 

Ban đầu, nhóm chỉ có Văn và Hạnh còn Lan Anh, Linh đều đăng ký tham gia với tư cách cá nhân. Khi biết kế hoạch của nhau, cả 4 đã ghép nhóm và cùng nhau làm việc. Văn cho rằng, việc nghiên cứu kỹ các vấn đề, số liệu liên quan đến tiêu dùng, lãng phí thực phẩm, tranh luận, phản biện lẫn nhau trước khi chốt đáp án cuối cùng là một trong những điều tạo nên sức mạnh của nhóm.

Chia sẻ về lý do chọn ứng dụng công nghệ thông tin khi tham gia cuộc thi, Văn cho rằng, bài toán mà nhóm đặt ra là kết nối những người có nhu cầu chia sẻ thực phẩm với người đang cần. Trong thời đại Internet of Things, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ dễ dàng giải quyết bài toán khó này. Không cần đi đâu xa, mọi người vẫn kết nối với nhau qua ứng dụng trên thiết bị thông minh.

"Đa phần, mọi người trong nhóm chỉ am hiểu về kinh tế mà không có chút kiến thức về công nghệ nên việc hoàn thiện dự án có khó khăn. Tuy nhiên, với những kiến thức học được từ FUNiX và sự trợ giúp của đại diện nhà tài trợ, các mentor, nhóm tôi sẽ hoàn thành tốt buổi thi tại Singapore", Văn nói.

Đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội nhưng với niềm đam mê công nghệ thông tin, Lê Phúc Văn lựa chọn học trực tuyến tại Đại học FUNiX để tiếp tục ước mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Cuộc thi SEA Makerthon chính là bước đệm đầu tiên để Văn thực hiện dự định.

"So với khởi nghiệp tại các lĩnh vực khác cần nhiều chi phí, lĩnh vực công nghệ tốn ít chi phí ban đầu. Dù có ý tưởng về khởi nghiệp, nhưng nếu không am hiểu công nghệ, bạn khó có thể biến ý tưởng của mình thành sự thật", Văn chia sẻ. 

Với chàng trai sinh năm 1990, những kiến thức học từ FUNiX giúp ích nhiều trong cuộc sống cũng như công việc. Ngoài những kiến thức về công nghệ thông tin, Văn còn học được cách tư duy logic và hình thành thói quen đặt câu hỏi để giải quyết vấn đề. Chính cách học cần phải đặt câu hỏi đã giúp Văn học nhanh hơn, có tư duy tốt hơn. Văn cũng vừa hoàn thành chứng chỉ "Công dân số" tại FUNiX.

"Không chỉ là kiến thức, tôi còn học cách thay đổi, nghĩ khác, làm khác và sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc mình làm. Đó là hành trang lớn nhất mà tôi nhận được", Văn nhấn mạnh.

Huệ Chi

VNExpress

chia sẻ thực phẩm, Đại học trực tuyến FUNiX, SEA Makerthon


© 2021 FAP
  754,282       1/696