Giáo dục

Cậu học trò ở vùng đảo nghèo xa xôi

Sống ngoài đảo, cách biệt với đất liền, mẹ mất sớm, cha đi đánh cá biền biệt cả tháng trời nhưng chưa bao giờ Hoàng Tính nản lòng trước cuộc sống bộn bề khó khăn.

Ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM nơi tôi sinh sống là một khu dân cư nằm ngoài vùng đảo, cách biệt với đất liền. Theo địa lý, muốn đi sang đảo này phải chờ đò chở qua, mỗi ngày có mấy chuyến đò cách nhau một tiếng. Cuộc sống ngoài đảo bao giờ cũng thiếu thốn nhiều so với đất liền. Đảo ở đây lại nhỏ và nghèo, nên hầu như không có những cơ sở vật chất tiện ích cho người dân.

Trẻ em nơi đây thiếu khu vui chơi giải trí, còn thanh niên thiếu những lớp học văn hóa văn nghệ. Ngay cả trường cấp 3 ngoài đảo cũng chưa có, năm nay mới chỉ vừa xây xong được lớp học cho các em lên lớp 10, còn lớp 11 và 12 thì các em phải vào đất liền mới theo học tiếp được. Điều này chính là vấn đề khiến những giáo viên như tôi băn khoăn, lo lắng cho tương lai của các em.

Do vị trí địa lý xa xôi nên đến giờ chính quyền nơi đây vẫn chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ để cải thiện cuộc sống cho bà con. Người dân ở đây đa số có mức sống trung bình, số hộ nghèo còn rất nhiều. Điển hình là gia đình của em Nguyễn Hoàng Tính. 

cau-hoc-tro-o-vung-dao-ngheo-xa-xoi

Gia đình Tính có 5 người gồm ba mẹ, hai anh trai và em. Nhưng một biến cố xảy đến, mẹ em bị bệnh nặng qua đời. Vắng tình thương của mẹ, Tinh cùng cha và các anh cố gắng tiếp tục cuộc sống. Từ ngày mẹ mất, do cha làm nghề đánh bắt cá thuê nên thường xuyên vắng nhà, có những đợt đi biển vài tháng mới về nên các em được gửi cho người dì chăm sóc. Nhà dì cũng tương đối khó khăn nên chỉ lo được cho các cháu các bữa cơm qua ngày. Chi phí học tập của ba anh em đều trông chờ vào thu nhập bấp bênh của cha.

Nghề biển đi đánh bắt cá vốn dĩ chẳng thể nói trước được điều gì vì phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết, biển cả. Tương lai của ba anh em bởi vậy cũng trở nên bấp bênh. Tính là con út nhưng em rất ngoan và không bao giờ biết vòi vĩnh quà cáp. Ý thức được hoàn cảnh mồ côi mẹ, chỉ có mình cha lo cho ba anh em mình nên Tính luôn cố gắng theo học. Hiện tại, em đang học lớp 2/1 trường tiểu học Thạnh An.

Hàng ngày, em đi bộ đến lớp vì không có xe đạp. Thầy cô bạn bè đều thương cho hoàn cảnh côi cút của Tính nên cũng hay cho em đồ dùng học tập, cái bút, quyển vở. Năm học mới, em vẫn mặc lại quần áo cũ của năm ngoái được dì sắm cho. Cậu bé nghèo vô tư, vui vẻ đón nhận tình yêu thương mọi người dành cho mình. Là thầy giáo của Tính, tôi hy vọng có thể chia sẻ hoàn cảnh của em đến chương trình học bổng đèn Đom Đóm. Mong em sẽ nhận được sự giúp đỡ từ chương trình để nâng bước cho tương lai.

Đặng Thái Bình

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,093,110       1/1,295