Giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao mô hình đại học trực tuyến

Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá Đại học trực tuyến FUNiX là mô hình học sáng tạo, mới mẻ nhưng vẫn cần lưu ý nhiều yếu tố.

Tham gia tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ IV" tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2016), tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học FUNiX đã giới thiệu 10 nguyên tắc hoạt động của trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Thanh Tùng.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo TS Nguyễn Thành Nam, xuất phát từ thế giới Internet ngày càng bùng nổ, Đại học trực tuyến FUNiX được thành lập để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận nền tri thức vô giá, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. FUNiX hoạt động theo 10 nguyên tắc cốt lõi như tiết kiệm thời gian, sử dụng bài giảng của giáo sư nổi tiếng thế giới, cải thiện kỹ năng tiếng Anh, học đến đâu cấp chứng chỉ tới đó, học trên tinh thần tự nguyện, giải đáp nhanh chóng, đánh giá học viên theo phương pháp mới, xây dựng cộng đồng và tiết kiệm học phí… 

TS Nguyễn Thành Nam cũng đánh giá phương pháp học online đem lại nhiều lợi ích cho học viên. Ngoài tăng cường khả năng học tiếng Anh, sinh viên được chủ động học, tiếp cận với những kiến thức mới nhất thế giới. Tại FUNiX, sinh viên được đặt câu hỏi cho giảng viên (mentor). Chỉ trong chưa đầy 8 tháng, trường đã nhận được hơn 10.000 câu hỏi. Giống như mô hình của Uber, chỉ cần điện thoại có cài chương trình là thầy giáo có thể trả lời cho sinh viên. Một buổi tối, các giảng viên có thể trả lời tới 100 câu hỏi. 

Bên cạnh đó, FUNiX còn hướng tới xây dựng một cộng đồng công nghệ. Tại đây, bên cạnh tri thức, mọi người còn học được cách ứng xử, giúp nhau giải quyết những bài toán thực tế và chuẩn bị cho quan hệ đồng nghiệp sau này. 

Mô hình đại học trực tuyến được các diễn giả tại tọa đàm đánh giá cao, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Bộ trưởng cho rằng đây là mô hình sáng tạo và mang tính đột phá tại Việt Nam dù việc đào tạo trực tuyến đã phát triển mạnh ở nhiều nước phát triển. Mô hình này có thể giúp phổ biến kiến thức và phát triển nhân lực công nghệ thông tin ở bất cứ đâu, không phân biệt vùng miền và trình độ cũng như phương pháp đào tạo. Bộ cũng khuyến khích các trường đào tạo công nghệ thông tin áp dụng mô hình đào tạo này. Tới đây, Bộ cũng xây dựng chương trình đào tạo lại giáo viên theo phương thức online. 

bo-truong-phung-xuan-nha-danh-gia-cao-mo-hinh-dai-hoc-truc-tuyen-1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao mô hình học online của FUNiX. Ảnh: Thanh Tùng.

Tuy nhiên, dù có nhiều ưu điểm, trường vẫn phải lưu ý nhiều yếu tố. Trước hết, để có bài học tốt, vấn đề không chỉ thông tin truyền qua mà phải có cơ sở lý thuyết, có sự tương tác giữa thầy và trò trong quá trình giảng dạy. Việc kiểm tra đánh giá cần thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quản lý và đánh giá đúng chất lượng. 

Đồng quan điểm, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá mô hình này mới và tân thời. Khác với phương pháp giáo dục truyền thống chỉ dạy những gì sẵn có, mọi người có thể học những gì chưa biết qua Internet. Khái niệm trường đại học sẽ thay đổi nhanh chóng trong thời đại công nghệ số.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Tùng.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Tùng.

Cũng trong buổi tọa đàm, các khách mời cũng thống nhất coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam. Tiếng Anh và công nghệ thông tin vẫn là 2 chân kiềng chính hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục cũng phải gắn liền với tiếng Anh, nếu tách ra, hiệu quả sẽ giảm, thậm chí không đạt được mục tiêu. Như vậy, chỉ cần có công nghệ thông tin, tiếng Anh và bộ não, con người có thể làm được tất cả.

Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) là một trong những sự kiện lớn của ngành công nghệ thông tin, được Vinasa tổ chức thường niên dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Năm nay, chương trình có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, UBND các địa phương và 14 đại sứ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Với chủ đề "Cách mạng số - Cơ hội và thách thức", diễn đàn đã trao đổi, thảo luận theo bốn tọa đàm gồm: Cách mạng số và Quốc gia khởi nghiệp, Cách mạng số và Phát triển hạ tầng công nghệ thông, Phát triển nhân lực trong cách mạng công nghiệp thứ tư và IoT, Smart City. Diễn đàn cung cấp cái nhìn khách quan về thời đại cách mạng số, những cơ hội và thách thức còn tồn tại.

Huệ Chi

VNExpress

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại học trực tuyến, FUNiX, Bộ Giáo dục và Đào tạo


© 2021 FAP
  1,092,916       2/1,292