Giáo dục

Cố gắng học tập để có tương lai tốt đẹp hơn

Bố mất khả năng lao động, mẹ vất vả lo toan cuộc sống. Hoàn cảnh khó khăn nhưng ba chị em của An vẫn hy vọng tiếp tục đến đường tìm con chữ để thay đổi cuộc đời.

Bố bị tai nạn bất ngờ khi đang làm phụ hồ, chân đi không vững, khập khiễng trong ngôi nhà nhỏ vừa mới xây xong. Một mình mẹ trên đôi vai gầy chăm lo cho ba đứa con đang tuổi ăn học. Đó là câu chuyện đầy xúc động của ba em Hồ Thị Việt An (2003) lớp 8A, Hồ Thị Ni Na lớp 6A (2005) trường THCS Đặng Thai Mai và Hồ Sỹ Đức lớp 3A (2008) trường Tiểu học Thanh Xuân. Các em trú tại xóm Xuân Đông, xã Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An.

co-gang-hoc-tap-de-co-tuong-lai-tot-dep-hon

Tôi biết đến hoàn cảnh của các em qua cuộc nói chuyện với người bạn cùng quê. Vì mong muốn giúp các em có cơ hội nhận "Học bổng Đèn Đom Đóm", nên tôi đã xin địa chỉ, số điện thoại và đến nhà của các em vào ngày hôm sau.

Tôi đến nhà em vừa đúng lúc hai chị em đi học về. Bố các em đang nhặt rau trên thềm nhà. Bước vào nhà, hình ảnh đầu tiên mà tôi nhìn thấy là những thúng lúa vừa gặt, đặt ngổn ngang giữa nền nhà, chiếc bàn cũ kỹ và trên đó có hai chén nước chè xanh ngả vàng. Ngôi nhà tuy trống trải, thiếu thốn đủ bề nhưng tôi cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương tràn ngập nơi đây.

Do người mẹ đang đưa em út Hồ Sỹ Đức đi bệnh viện chữa bệnh nên không có mặt ở nhà. Ngồi nói chuyện với bố của các em khiến tôi xúc động và hiểu hơn về những khó khăn, vất vả mà gia đình đang phải chịu. Bố các em làm nghề phụ hồ để kiếm thêm tiền phụ vợ lo các con ăn học. Nhưng không may trong một tai nạn bất ngờ, chân phải của anh không thể đi lại như người bình thường. Thân hình gầy gò, tóc đã bạc mặc dù anh mới vừa qua cái tuổi 44. Vợ anh phải gồng gánh trên vai bao nặng nhọc, lo cho con, chăm chồng. Anh chia sẻ: “Mọi hôm tôi còn lành lặn thì mẹ chúng nó đỡ vất vả hơn. Bây giờ chân đi lại không được, một mình vợ lo toan mọi việc, tôi thương vợ lắm”.

Anh kể, vợ chồng ra ở riêng với hai bàn tay trắng và hai suất ruộng được chính quyền địa phương cấp. Vì gia đình không nhiều tiền nên phải vay ngân hàng, anh em, láng giềng để xây được căn nhà cấp 4 che mưa, che nắng.

Khi tôi đang tâm sự cùng anh thì Việt An và Na đi học về. Em bảo dù trường khá xa nhà nhưng không mệt. An chia sẻ do đi nhiều nên thành quen. Có nhiều hôm mưa lớn, xe bị hỏng giữa đường, hai chị em dắt mãi mới về được tận nhà.

Việt An và Na đều là học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Cả hai em đều có ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo dạy văn. Tôi khâm phục các em về nghị lực, ý chí vượt lên khó khăn. Hai chị em thay phiên nhau làm việc nhà, giúp bố đi lại thuận tiện hơn, phụ mẹ làm đồng và kèm cặp em trai út học tập. Ước mơ trở thành cô giáo rất bình dị, nhưng chất chứa nhiều hy vọng vào tương lai tốt đẹp đang chờ đón phía trước.

Khi tôi ra về cũng là lúc ba bố con bước vào bữa ăn trưa. Anh và hai em mời tôi ở lại dùng cơm, nhưng vì bận việc học ở trường nên tôi xin phép được ra về.

Tôi hy vọng “Học bổng Đèn Đom đóm” sẽ giúp đỡ, xoa dịu những khó khăn trước mắt để tiếp bước cho các em đến trường và ước mong sớm thành hiện thực.

Phan Thị Biên

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.
VNExpress

Học bổng Đèn Đom Đóm, VnExpress, Dutch Lady


© 2021 FAP
  745,660       1/888