Giáo dục

Ước mơ giản dị của cậu học trò mồ côi mẹ

Mẹ mất khi mới bốn tuổi, em Minh Quý sống cùng bố và bà nội trong căn nhà cũ kỹ. Em ước mong học hết lớp 12 để đi làm công nhân kiếm tiền lo cho gia đình.

Tôi tình cờ biết em trong một lần xuống cơ sở xác minh thiệt hại do mưa đá và gió lốc gây ra. Em lóng ngóng đứng trên chiếc ghế kê cao để chuyển ngói lên cho bố làm lại mái nhà dột nát. Quần áo của em ướt sũng vì mưa. Ấn tượng đầu tiên của tôi về em là một cậu bé có vóc dáng nhỏ nhắn, hơi rụt rè nhưng rất nhanh nhẹn. Ánh mắt đầy nghị lực của em che lấp đi những nỗi đau của một tâm hồn trẻ thơ, vốn sớm phải chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần.

uoc-mo-gian-di-cua-cau-hoc-tro-mo-coi-me

Tôi tìm đến xóm Gia Lường, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng hỏi người dân thì không ai không biết em Triệu Minh Quý, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Kim Loan. Gia đình Quý thuộc diện đặc biệt khó khăn, mẹ mất khi em mới bốn tuổi, bố ở vậy nuôi ba đứa con và bà nội già yếu.

Con đường bê tông nhỏ dẫn đến nhà em đối lập hẳn với những ngôi nhà sàn hai bên đường. Cuộc sống bà con ở đây còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 70%. Biết tôi đến, bố em từ vườn chạy lên tiếp khách, cậu bé Quý đang loay hoay nhóm bếp luộc khoai lang. Bố em bảo đây là bữa sáng của cả nhà, mùa giáp hạt thóc sắp hết nên chỉ nấu cơm vào trưa và tối. Nhà không có bàn ghế nên tôi phải ngồi xuống manh chiếu rách trải giữa nhà. Ấm chén uống nước đã sứt mẻ nên em phải sang mượn nhà hàng xóm để tiếp tôi.

Hướng ánh mắt về phía Quý, bố của em - anh Triệu Văn Liêm ngậm ngùi: “Ngày mẹ mất, Quý cứ ngỡ là mẹ ngủ rồi ngồi đó lay mẹ dậy. Cứ thế Quý gọi mẹ suốt, đến lạc cả giọng. Đêm nằm cạnh tôi mà Quý cứ đòi mẹ. Về sau nó hiểu và không khóc nữa. Nó là con út nhưng rất ngoan”.

Kể từ ngày mẹ mất, nhà đã nghèo lại càng nghèo thêm, bao nhiêu gánh nặng đè lên vai bố. Trước đây bố em được bà con tín nhiệm làm Trưởng xóm nhưng do công việc nhiều, phụ cấp ít, lại lo toan việc gia đình nên sau hai nhiệm kỳ thì bố của em xin nghỉ để đi làm thuê. Lúc thì bốc vác, lúc lại trồng mía, ở đâu có ai thuê thì đi. Tuy nhiên, về sau sức khỏe của bố em yếu dần nên người ta không gọi nữa. Bà nội đang ốm, bao nhiêu tiền cũng không đủ mua thuốc thang. Căn nhà sàn đã xiêu vẹo, nghiêng sang một bên, dựa vào nhà hàng xóm.

Tuy còn nhỏ nhưng Quý rất thương bố, thương bà, chăm chỉ học tập, hai năm liền đều được học sinh tiên tiến. Ngoài giờ học, Quý cùng chị gái luôn phụ giúp bố làm việc. Mọi công việc trong gia đình từ rửa bát, tưới rau đến chăn lợn em đều thông thạo. Chỉ là khi nấu cơm độn ngô thì em chưa biết nấu. Hàng ngày, sau giờ học, em về nhà ăn vội bát cơm là lại theo các anh chị trong bản thả trâu lên đồi. Vì nhà không có tiền mua thịt nên ngày nào đi chăn trâu em cũng tranh thủ đào dế mèn, bắt cào cào để cải thiện bữa ăn. Một lần, do không biết, em đã ăn con châu chấu non nên bị dị ứng, nên phải nghỉ học hai ngày để ra bệnh viện điều trị.

Đến mùa gặt, vừa chăn trâu, Quý lại tranh thủ giúp bố tuốt lúa. Cậu bé đứng mới cao bằng máy tuốt, nhưng làm thoăn thoắt như người lớn khiến ai cũng cảm phục và không khỏi xót thương. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, người ta lại thấy hai chị em Quý đi nhặt thóc rơi. Em bảo: “Thóc rơi nhặt được là để bán giành tiền mua giày tập thể dục vì trong lớp chỉ còn mỗi em là chưa có giày. Nếu được nhiều tiền, em còn phải đưa bố để gửi cho chị đang trọ học ở ngoài huyện nữa”. Cứ thế, ngày ngày em lại kéo lê cái bao tải to tướng, lật từng đống rơm khắp các thửa ruộng bậc thang.

Mỗi buổi sáng, em phải dậy thật sớm để đi bộ tới trường. Các bạn khác đều có xe đạp và ai cũng được bố mẹ cho tiền mua sữa, bánh kẹo, chỉ riêng Quý là ôm cái bụng trống rỗng đứng ở cổng trường nhìn vào cửa hàng tạp hóa, đợi các bạn ăn xong mới dám đến gần chơi đùa tiếp. Tuy vậy, em không bao giờ dám xin tiền bố vì theo em “bố cũng không có tiền đâu”.

Khi được hỏi ước mơ sau này của mình là gì, Quý hồn nhiên trả lời: “Em sợ một ngày nào đó sẽ không được đi học nữa. Nếu được học, em sẽ chỉ học hết lớp 12 và đi làm công nhân để kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh cho bà, áo ấm cho bố. Em sẽ mua thật nhiều thóc và thức ăn. Lâu lắm rồi em không được ăn cơm với thịt, chỉ toàn ăn cơm ngô với rau xanh thôi”.

Cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc nên em đâu dám ước nhiều. Bao nhiêu hoài bão em cũng đành bỏ ngỏ. Hy vọng thông qua bài viết này, với mục đích cao cả và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của cuộc thi, chương trình sẽ tiếp sức để ước mơ giản dị của em thành hiện thực.

Lý Văn Tỉn

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,139,569       5/891