Giáo dục

Nghị lực vươn lên của cô bé không có xương sống

Thương ba mẹ luôn gặp khó khăn trong cuộc sống, Thảo Nguyên dù không có xương sống, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn rất chăm học và ngoan ngoãn.

Khi vừa mới cất tiếng khóc chào đời thì em Lê Thảo Nguyên đã không có xương sống, toàn thân mềm nhũn, cong nghiêng về một bên, không thể ngồi thẳng lưng, các chi bị hạn chế khả năng kiểm soát. Nỗi đau không chỉ dừng ở đó khi tim của em to hơn bình thường, khiến cho lồng ngực của em phình to ra. Gia đình của Thảo Nguyên luôn sống trong những ngày tháng thấp thỏm lo âu vì sợ em có thể mắc bệnh tim di truyền từ đời ông nội.

nghi-luc-vuon-len-cua-co-be-khong-co-xuong-song

Chú Lê Văn Bảng - ba của em Lê Thảo Nguyên đang mang trong mình căn bệnh tim di truyền từ đời cha. Cuộc sống gia đình khó khăn, thiếu thốn mọi mặt. Vì thế, chú luôn mong muốn mang đến cho vợ con một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chú hy vọng sẽ kiếm thật nhiều tiền để đưa con gái đi chữa trị và phát triển bình thường như bao bạn bè cùng lứa.

Bất chấp căn bệnh tim đang hành hạ chú từng ngày, mỗi khi đêm đến hay trái gió trở trời, chú đều đi làm phụ hồ ở tỉnh khác. Miễn ai có thầu xây nhà cần thợ là chú lại xách balo lên và đi. Những khi khó thở và đau ở lồng ngực, chú lại ngừng làm việc và trở về nhà nghỉ ngơi. Hiện gia đình không có khả năng chữa trị bệnh tim cho chú. Trước tình cảnh này, chú cũng chỉ ráng cầm cự cơn đau qua ngày bằng những liều thuốc được cấp từ bảo hiểm y tế.

Cuộc sống gia đình ngày càng vất vả hơn khi mẹ em - cô Lương Thị Hoa - vừa mới mổ ruột thừa và đang trong thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, nên không thể làm bất cứ việc gì.

Thương ba mẹ khó khổ, Thảo Nguyên rất cố gắng trong học tập. Tuy bị tật nhưng em rất siêng học, không vắng mặt buổi nào. Việc đến lớp của em đều nhờ vào dì ruột - cô Lương Thị Hương. Cô đã dành tất cả thời gian của mình để luôn túc trực bên em. Từ lớp mẫu giáo, cô Hương đã đưa đón Nguyên trên chiếc xe đạp cũ và ở lại trường chăm sóc những lúc em học. 

Trước đây, ba mẹ của Nguyên có đóng cho em một cái ghế và kê cái gối nhỏ để em ngồi cố định. Nhưng vừa qua, em được hội học sinh trường THCS Nhơn Phong trao tặng cho chiếc xe lăn nên thuận tiện hơn trong di chuyển. Việc ngồi trên xe lăn nhiều giờ khiến chân em bị tê. Cô giáo dạy toán của em kể lại: "Những lúc đang dạy, tôi quay xuống nhìn bé Nguyên thấy em đang khóc và nằm dài ra bàn để viết bài. Việc bị tê chân khiến em rất đau".

Dù khó khăn như vậy, nhưng trong suốt thời gian qua, Thảo Nguyên luôn đạt học sinh khá giỏi từ cấp 1 đến cấp 2. Ở nhà, em đều tự học tất cả môn. Em rất chăm và luyện viết bài mỗi ngày. Ước mơ lớn nhất của em là được đến trường mỗi ngày và tiếp tục đến trường trong tương lai. Nhưng điều đó rất khó đối với em. Tương lai mai sau của Nguyên thật sự rất khó nói trước, vì bố em còn đang cố gắng chống chọi căn bệnh tim từng ngày. Em rất cần sự giúp đỡ của mọi người để có thêm cơ hội đến trường và vượt qua nỗi đau đang phải gánh chịu mỗi ngày.

Huỳnh Thị Thanh Vân

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,135,579       4/1,173