Giáo dục

Nữ sinh nhút nhát thành cô gái năng nổ hoạt động cộng đồng

Từ một nữ sinh sống khép kín, không tham gia các hoạt động ở trường phổ thông, Nguyễn Huyền Châu trở thành thủ lĩnh nhóm từ thiện khi bước vào môi trường đại học.

Chia sẻ chặng đường tham gia hoạt động cộng đồng của mình, cô gái Hà Nội Nguyễn Huyền Châu cho biết đang lên kế hoạch mới cho dự án hỗ trợ các em học sinh và phụ nữ dân tộc ở vùng cao.

nu-sinh-nhut-nhat-thanh-co-gai-nang-no-hoat-dong-cong-dong

Huyền Châu (hàng dưới cùng - thứ hai từ bên phải) cùng 50 Shapers tại Hội nghị Thượng đỉnh Davos WEF AM 2014.

Nhìn cô gái có gương mặt bầu bĩnh, phong thái tự tin và nụ cười tươi tắn tham gia các hoạt động xã hội, không ai nghĩ trước đây Huyền Châu từng rất nhút nhát. Nhớ lại thời đó, Châu cho biết, có những năm tháng phải trải qua biến cố khi còn là học sinh cấp 2, nên lên bậc phổ thông Huyền Châu chỉ biết sống khép kín trong môi trường nhỏ và gần như không tham gia bất cứ hoạt động gì ngoài việc học.

Học xong lớp 12, cả gia đình đã quyết định đầu tư cho cô con gái học đại học trong môi trường quốc tế với hy vọng cô có thể cởi mở, hòa đồng, tự tin và phát triển bản thân hơn. Sau khi tìm hiểu, Huyền Châu quyết định chọn Đại học RMIT dù lúc đó quy mô của trường còn nhỏ, nhưng cô bị ấn tượng bởi cách nói chuyện thân thiện, cởi mở và môi trường học tập hiện đại của trường.

Học trong môi trường quốc tế, mọi quan điểm cá nhân được tôn trọng, giáo viên và bạn bè đều rất cởi mở nên Châu dần thay đổi. Đặc biệt, trong một tiết học ở trường, dù còn nhiều thắc mắc nhưng cô không dám đặt câu hỏi giữa lớp vì sợ nói sai và bị đánh giá là không hiểu bài, thay vào đó Châu đã nhờ giáo viên ra một chỗ riêng để hỏi. Giáo viên người Australia đã nói với Châu “Câu hỏi của em rất thú vị, sao lúc nãy em không hỏi để các bạn cùng được nghe?”. Khi nhận được câu trả lời “Em sợ em nói sai”, cô đã ôm Châu và nói “Trường học là nơi duy nhất em được phép làm sai và còn có cơ hội để sửa. Vì vậy thời gian này em hãy cố gắng sai thật nhiều để học hỏi được nhiều hơn nhé", Châu nhớ lại.

Từ đó, Châu thay đổi rất nhiều, cô dám làm và sẵn sàng sửa khi sai. Thậm chí có khi, cùng một câu hỏi nhưng Châu là người duy nhất đưa ra câu trả lời khác với mọi người. Thay vì xác định đúng hay sai, giáo viên luôn khuyến khích Châu và các sinh viên khác đưa ra những quan điểm khác biệt và biết cách lập luận, bảo vệ quan điểm của mình. Môi trường học hiện đại đã động viên Châu rất nhiều, trút bỏ hình ảnh cô nàng nhút nhát, Châu trở nên tự tin hơn và giành hai giải thưởng Kỹ năng lãnh đạo vào tháng 12/2006 và Top 10 Kế hoạch kinh doanh xuất sắc vào tháng 10/2011.

nu-sinh-nhut-nhat-thanh-co-gai-nang-no-hoat-dong-cong-dong-1

Thị trưởng Melbourne trao giải Outstanding Achievement cho Châu (thứ 2 từ trái sang) và các bạn trong nhóm tại Giải thưởng Kế hoạch kinh doanh 2011.

Cô cũng bắt đầu tham gia các hoạt động thể thao và câu lạc bộ của trường. Huyền Châu và một số sinh viên khác lập nhóm để tham gia các hoạt động từ thiện.Không có nhiều kinh phí, mọi người bắt đầu bằng những việc đơn giản như vẽ tranh tặng các em nhỏ, chỉ dẫn các em học bài, tham gia tình nguyện mùa hè...

"Dần dần, mình tham gia các hoạt động tình nguyện nhiều hơn vì có thể mang lại niềm vui cho mọi người", cô gái chia sẻ. Qua các năm, có kinh nghiệm trong hoạt động từ thiện, Châu ý thức hơn trong việc xây dựng các kế hoạch để hoạt động của mình có hiệu quả lâu dài, để cả người trao và nhận không chỉ vui mà còn cùng phát triển bền vững.

Sau 4 năm học ở RMIT, cựu sinh viên thu lượm được không ít kinh nghiệm và hành trang cho tương lai. Ngoài kiến thức chuyên ngành, Châu học hỏi lối sống có chính kiến, hòa đồng và luôn tôn trọng người khác nhưng cũng biết bảo vệ quan điểm bản thân.

Đặc biệt, những năm tháng đại học cho cô những trải nghiệm thực tế khi thường xuyên tiếp xúc với các doanh nghiệp. Nhiều kiến thức, mô hình, kỹ năng quan trọng cũng được tích lũy từ đây.

Năm 2008, Châu là một trong những sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp cử nhân Thương mại tại đại học RMIT, cơ sở Hà Nội. Từ đó đến nay, Huyền Châu đã trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau từ những tập đoàn đa quốc gia đến các dự án của bản thân và đều tạo được ấn tượng tích cực, đặc biệt trong công tác hỗ trợ thanh niên. Cô cho biết, hiện bản thân cảm thấy rất hài lòng với công việc tự do của mình, cô có thời gian thực hiện thêm các dự án có ích cho cộng đồng.

nu-sinh-nhut-nhat-thanh-co-gai-nang-no-hoat-dong-cong-dong-2

15 năm phát triển tại Việt Nam, Đại học RMIT đã tạo nền tảng cho những thành tựu của cựu sinh viên và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng..

Cô gái trẻ đã tham gia xây dựng trường cho trẻ em vùng cao ở Sơn La và Hà Giang, xây dựng thư viện, hệ thống phòng máy kết nối Internet cho các trường khác... Không những thế, cô từng là một trong số 50 người trẻ dự diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ năm 2014, và đảm nhận chức vụ Curator - Ủy viên quản trị của Global Shapers Community (thuộc diễn đàn Kinh tế Thế giới) - cơ sở tại Hà Nội năm 2013-2014. Với các hoạt động của mình, Châu cũng nhận được học bổng Phát triển Lãnh đạo tại Nhật năm 2016.

"Tại RMIT, tôi học được rằng mỗi người đều có cá tính và thế mạnh riêng, và không điều gì giúp ta khám phá bản thân tốt hơn là làm thử", Huyền Châu chia sẻ. 

Vì lý do này, thay vì cố gắng sống khép kín, sợ làm sai và e ngại với những lời phê phán thì cô luôn cố gắng xác định rõ ràng mục tiêu trong mỗi việc mình làm để tiếp thu những đóng góp đó một cách tích cực nhất. Châu có thể tham gia các hoạt động cộng đồng, làm công việc mình thích và học từ chính những thất bại của mình mà không bị giới hạn bởi áp lực từ những quan điểm khác. 

Ngọc Anh

VNExpress

nữ sinh thành công, Đại học RMIT, hoạt động cộng đồng


© 2021 FAP
  1,132,011       3/827