Giáo dục

Nhận diện thương hiệu một số cuộc thi Toán quốc tế

Mỗi năm học sinh Việt Nam tham dự hàng chục cuộc thi Toán quốc tế, có cuộc miễn phí, có cuộc phải đóng tới 2.000 USD/người. Chất lượng cũng như mức độ cạnh tranh của các cuộc thi rất cách biệt.

Học sinh Việt Nam có thể tham dự rất nhiều cuộc thi Toán quốc tế với các tên viết tắt như IMO (Ủy ban Olympic Toán quốc tế tổ chức); IMSO; X + IMC; IMAS (Hiệp hội các quốc gia châu Á Thái Bình Dương tổ chức); APMOPS, SMO, SASMO, SIMOC, IMC (Singapore tổ chức), Kangaroo (Pháp); ITOT (Nga); AMC & ARML (Mỹ); AIMO & AMC (Australia); WMTC (Trung Quốc), IFYM (Bulgaria), WMO (Hàn Quốc)…

Bỏ qua yếu tố chuyên môn thì các cuộc thi quốc tế nêu trên có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm A là các cuộc thi miễn phí (IMO; IMSO; X+IMC; APMOPS vòng 2…). Nhóm B đóng phí tượng trưng (AMC; Kangaroo; ITOT, IMAS…). Nhóm C đóng phí đầy đủ (IMC; SIMOC; IFYM, WMO…).

Các cuộc thi miễn phí nhóm A

Đặc điểm cơ bản cuộc thi Toán quốc tế miễn phí là Ban tổ chức chỉ tổ chức 1-2 cấp độ thi và phải bỏ chi phí khoảng 2 triệu USD để lo tổ chức thi; bao ăn, ở, tham quan cho tất cả đoàn dự thi. Do tính phi lợi nhuận nên các cuộc thi loại này sẽ hội tụ được những học sinh có năng khiếu nhất về Toán học.

1. Olympic Toán quốc tế (IMO)

Đây là cuộc thi danh giá nhất của Toán học dành cho các học sinh THPT. Các học sinh phấn đấu được huy chương của IMO cũng khó khăn như vận động viên thể thao được huy chương tại Thế vận hội Olympic. IMO được ra đời từ năm 1959 với 7 quốc gia thành viên và cho đến nay đã có hơn 100 thành viên.

Mỗi đội tuyển có 6 học simh phải giải 6 bài toán trong 2 ngày thi, mỗi ngày 3 bài với thời gian làm bài 4h30. Rất nhiều học sinh được giải IMO trở thành nhà Toán học và khoa học nổi tiếng trên thế giới. Hiện tại IMO được điều hành bởi 8 thành viên là các nhà toán học hàng đầu và vừa được Google tài trợ khoảng 5 triệu USD. Việt Nam tham dự IMO từ năm 1974 với các huy chương vàng thành danh như GS Ngô Bảo Châu; GS. Đàm Thanh Sơn; GS Lê Tự Quốc Thắng; GS Vũ Kim Tuấn…

nhan-dien-thuong-hieu-mot-so-cuoc-thi-toan-quoc-te

Đội tuyển Việt Nam dự thi IMO 2015.

2. Olympic Toán học trẻ quốc tế (chữ cái đầu quốc gia đăng cai X+ IMC)

Một ủy ban gồm 10 thành viên của các quốc gia điều hành 3 cuộc thi Toán quốc tế X+IMC; IMSO và IMAS đã liên kết với các tổ chức giáo dục tại hơn 30 quốc gia để tổ chức thi X+IMC luân phiên giữa các nước như CIMC 2015 Trung Quốc; TIMC 2016 Thái Lan. Hội đồng ra đề thi gồm các chuyên gia Toán học từng được huy chương của IMO.

Mỗi năm có trên 600 thí sinh đến từ 30 quốc gia dự thi cá nhân và đồng đội theo 2 khối lớp 6-7 và 8-9. Ban tổ chức đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở cho ít nhất 16 thí sinh chính thức của mỗi quốc gia. Việt Nam bắt đầu tham dự cuộc thi X+IMC từ năm 2011. Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công nhận kỳ thi này và cho phép trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lập đội tuyển đại diện cho Việt Nam tham dự. Ngay tại cuộc thi CIMC 2015 ở Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam đã xếp thứ nhất toàn đoàn.

3. Olympic Toán và Khoa học trẻ quốc tế (IMSO)

Là cuộc thi uy tín nhất dành cho học sinh lứa tuổi 11-12 với sự tham gia của khoảng 400 học sinh đến từ 23 quốc gia dự thi 2 nội dung Toán và Khoa học (Lý; Hóa; Sinh). Các thí sinh thi Toán sẽ có 3 phần thi: Trắc nghiệm viết đáp số (25 bài/60 phút); Tự luận (13 bài/90 phút) và Khám phá (6 bài/120 phút).

Mỗi quốc gia đăng cai phải bỏ toàn bộ kinh phí để tài trợ cho ít nhất 12 thí sinh chính thức của mỗi quốc gia tham dự. Việt Nam bắt đầu tham dự IMSO từ năm 2014. Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công nhận kỳ thi này và cho phép tổ chức thi 2 vòng để thành lập đội tuyển đại diện cho Việt Nam dự thi IMSO. Kết quả đội tuyển Toán xếp thứ nhất với 7 vàng, 2 bạc và 3 đồng.

4. Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS)

Kỳ thi APMOPS do Học viện Hwa Chong lâu đời và danh giá nhất của Singapore tổ chức cho học sinh lứa tuổi 11-12 theo 2 vòng. Vòng 1 cuộc thi được tổ chức tại 13 quốc gia. Sau vòng 1 học sinh xuất sắc sẽ được Ban tổ chức đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở và đi lại để dự thi vòng 2 tại Singapore.

Tại vòng 2 học sinh phải giải 6 bài toán tự luận trong 120 phút và Ban tổ chức trao 40 huy chương vàng (không có huy chương bạc và đồng) tương ứng 15% thí sinh dự thi và vinh danh Top 10 huy chương vàng cao nhất kèm với giải thưởng tiền mặt như giải nhất $1000; giải nhì $800…

APMOPS là cuộc thi hàng đầu không chỉ bởi nội dung đề thi, hay là cuộc thi Toán phổ thông phi lợi nhuận nhưng có quỹ tiền thưởng lớn nhất mà còn bởi là kỳ thi quốc tế duy nhất học sinh Thượng Hải (được coi là thông minh nhất thế giới) tham dự tại Singapore. Tại APMOPS vòng 2 năm 2016 đoàn Việt Nam đã vượt qua sự thống trị ngôi vương trong 10 năm của đoàn Thượng Hải để vươn lên xếp vị trí thứ nhất với 5 huy chương vàng Top 10 (1; 3; 4; 8; 9) và một huy chương vàng thứ 11.

Các cuộc thi đóng phí tượng trưng nhóm B

Các cuộc thi đóng phí tượng trưng thường có từ 3 đến 6 cấp độ thi theo khối lớp. Việc thu lệ phí thi không mang yếu tố kinh doanh mà chỉ đủ để tổ chức kỳ thi. Từ năm 2015, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị điều phối quốc gia tại Việt Nam cho 3 kỳ thi tiêu biểu sau đây:

1. Kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố (ITOT)

Kỳ thi ITOT được sáng lập bởi Nikolai Konstantinov, nhà toán học và cũng là nhà giáo dục nổi tiếng của Nga, được tổ chức lần đầu tiên năm 1980. Hiện tại ITOT được điều hành bởi một ủy ban thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Kỳ thi ITOT được tổ chức thường niên, mỗi năm hai vòng vào mùa thu (khoảng tháng 10) và mùa xuân (khoảng tháng 3).

Nếu như các cuộc thi Olympic Toán thông thường thì thí sinh phải trải qua các vòng thi từ thấp lên cao, thì tại ITOT, bất cứ ai cũng có thể tham gia vào các cấp độ của kỳ thi. Trong mỗi vòng thi thường có hai mức độ, mức O (mở rộng, làm trong 4 giờ) và mức A (nâng cao, làm trong 5 giờ) cách nhau khoảng một tuần. Tại ITOT, thí sinh được lựa chọn giải quyết tối đa 3 câu hỏi trong số 5 đến 8 câu hỏi được đưa ra, bởi vì chỉ có 3 câu hỏi thí sinh làm tốt nhất được tính điểm.

2. Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo (IKMC)

Đây là kỳ thi Toán học được khởi nguồn tại Pháp từ năm 1991 và hiện thu hút trên 6 triệu thí sinh đến từ khoảng 50 quốc gia mỗi năm. Đề thi Kangaroo được phân chia theo 6 khối lớp từ khối lớp (1-2) đến khối lớp (11-12) và được chuyên gia các nước đánh giá cao dưới góc độ phát hiện năng khiếu Toán học.

3. Kỳ thi học sinh giỏi Toán Mỹ (AMC)

Do hiệp hội Toán học Mỹ tổ chức từ năm 1950, mục tiêu của AMC là tạo cơ hội cho thí sinh được làm quen với những dạng Toán nâng cao trong chương trình giáo dục phổ thông, với nhiều câu hỏi liên quan tới ứng dụng Toán học trong thực tế. Đề thi luôn hướng tới việc thúc đẩy khả năng tư duy và kỹ năng giải quyết các vấn đề của học sinh. Kỳ thi AMC được chia theo các khối lớp 8, 10 và 12. Hàng năm có khoảng 350.000 thí sinh đến từ 6.000 trường trên toàn thế giới tham dự.

Các cuộc thi đóng phí nhóm C

Các cuộc thi đóng phí đầy đủ thường có rất nhiều khối lớp dự thi (từ lớp 2 đến lớp 12). Thí sinh phải đóng đầy đủ lệ phí thi; phí đi lại, ăn ở và gộp thêm phí tập huấn thì tổng chi phí khoảng 2.000 USD/học sinh cho một kỳ thi tại Singapore. Mỗi học sinh lớp dưới thường phải có phụ huynh đi kèm nên chi phí lên đến 3.000 USD. Với mức chi phí này chắc chắn sẽ là rào cản cho những học sinh giỏi nhưng gia đình không đủ điều kiện.

Do có yếu tố thương mại nên để thu hút học sinh, Ban tổ chức một số cuộc thi thường ra đề thi vui vẻ kiểu Test IQ chọn đáp án để tạo ra cơn mưa giải thưởng chia quà cho các đoàn tham dự. 

Bùng nổ các cuộc thi Toán Tây để làm đẹp hồ sơ du học

Mục đích cao nhất của gia đình có con học giỏi là khi kết thúc bậc học phổ thông đều mong muốn con em được du học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Nếu chỉ tiếp cận với mục đích này bằng con đường thi IMO thì vừa nguy hiểm (vì xác suất trở thành một trong 6 thành viên dự thi IMO vô cùng bé), vừa chậm thời gian hoặc mất cơ hội du học. Hiểu được những hạn chế này một số phụ huynh Hà Nội đã đầu tư cho con tham dự các kỳ thi Toán quốc tế ở bậc Tiểu học hay THCS để tích tụ hồ sơ tốt, sau đó chấm dứt Toán chuyên để tập trung năng lượng cho các kỳ thi chuẩn đầu vào đại học Mỹ như SAT, TOEFL.

Những tấm gương tiêu biểu cho cách đi này là thế hệ học sinh đầu tiên của trường Hà Nội - Amsterdam dự thi APMOPS hay X+IMC rồi từ bỏ hệ chuyên Toán đã theo học từ bậc THCS để thi vào lớp chuyên Anh THPT, và đầu tư thi SAT; TOEFL với điểm rất cao để nhận được học bổng đại học hàng đầu nước Mỹ như Vũ Thùy Ngân; Nguyễn Tấn Phát (Đại học Yale); Hoàng Minh Tuệ và Nguyễn Tiến Thành (Đại học Duke)…

Với các phân tích nêu trên, các tổ chức và cá nhân nên cân nhắc có nên khoác áo giao lưu quốc tế để dẫn dắt hàng trăm học sinh và gia đình Việt Nam đến các cuộc thi có ít giá trị chuyên môn, tốn nhiều tiền, hay là dẫn dắt họ tham gia các cuộc thi quốc tế phi lợi nhuận tại Tây hoặc đóng phí tượng trưng tại Việt Nam mà vẫn giữ được ý tưởng phát triển tư duy, giao lưu quốc tế và tích lũy hồ sơ du học. 

Để giảm nhập khẩu các cuộc thi Toán Tây và giảm xuất khẩu học sinh thi Toán Tây thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Toán học Việt Nam có thể tính đến hợp tác xây dựng một cuộc thi Toán học có thương hiệu mạnh để thu hút học sinh trong nước và quốc tế đến Việt Nam dự thi hàng năm.

So sánh đề của hai cuộc thi miễn phí và thương mại:
Đề thi IMSO 2015 chung cho khối lớp 5-6
Đề thi SIMOC 2015 lớp 6
Đề thi SIMOC 2015 lớp 5

Trần Phương
Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng

VNExpress

nhận diện, thương hiệu, một số cuộc thi, Toán quốc tế


© 2021 FAP
  1,124,512       4/1,033