Pháp luật

Hành trình người mẹ trẻ sang Pháp đòi lại con từ chồng hờ

Để tham gia vụ kiện đòi lại con với người tình ngoại quốc, chị Huyền lặn lội sang Pháp thuê trọ gần nơi anh ta sống suốt 3 tháng với hy vọng có cơ hội được gặp bé Sarah.

Giữa tháng 8, gương mặt lộ vẻ mệt mỏi, chị Huyền cho biết vừa từ quê Khánh Hòa vào TP HCM làm thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án Pháp tại Việt Nam về việc buộc ông Azais - người tình cũ - trả lại con gái. 

Nói về những tháng ngày mòn mỏi nhớ thương con, giọng chị buồn rượi. Khi Sarah mới được 3 tháng, Azais đã lén mang con gái của chị đi. Chị đã gõ cửa chính quyền địa phương, các cơ quan an ninh và tòa án nhờ can thiệp nhưng bất thành. Đến đầu năm 2015, biết đứa bé được cha đưa về Pháp sinh sống, chị rất hoang mang và suy sụp nên quyết định phải tìm luật sư hỗ trợ sang đó khởi kiện.

hanh-trinh-sang-phap-doi-lai-con-cua-nguoi-me-tre

Chị Huyền và con gái trong lần cuối cùng gặp nhau bên Pháp. Ảnh: NVCC. 

Chị Huyền gửi email đề nghị các công ty luật của Pháp giúp đỡ nhưng đều bị từ chối vì họ không làm các vụ án về hôn nhân gia đình. Duy nhất chỉ có công ty luật của Pháp đặt tại Việt Nam nhận lời. Luật sư đưa cho chị nhiều phương án: gọi ông Azais lên văn phòng hòa giải, nhờ cơ quan hòa giải quốc tế nếu không được sẽ phải hợp tác với luật sư bên Pháp làm các thủ tục khởi kiện.

"Thuê luật sư nước ngoài chi phí vô cùng tốn kém nhưng lúc đó tôi không còn cách nào khác nên bảo luật sư cứ làm mọi cách. Tuy nhiên, Azais từ chối gặp luật sư và cũng không tiết lộ bé Sarah đang sống ở đâu. Không biết chính xác địa chỉ của ông ta nên tôi thông qua luật sư bên Pháp quyết định làm đơn kiện đòi con lên Tòa án Tối cao của Pháp ở Paris vào tháng 9 năm ngoái", Huyền kể.

Hồi đầu năm nhận được giấy triệu tập của tòa tham gia phiên điều trần, chị hối hả làm visa và xin nghỉ phép một tuần để qua Pháp. Nhưng ba ngày trước khi diễn ra buổi làm việc, Huyền nhận được tin ông Azais sẽ không tham gia. Ông thông báo đang sống ở thành phố Toulouse (miền Nam nước Pháp), chị muốn khởi kiện phải thực hiện ở tòa án địa phương.

"Áp lực lớn nhất của tôi lúc này là thời gian. Tôi sợ rằng nếu tiếp tục theo kiện mà về sau tòa xác định lại thẩm quyền thì sẽ mất công. Việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn do tôi không có người quen, bạn bè nào bên Pháp. Sau khi bàn với luật sư, tôi quyết định rút đơn kiện chuyển qua tòa án nơi ông Azais sống. Đây là tòa sơ thẩm nên thời gian giải quyết sẽ nhanh hơn", chị Huyền cho biết.

May mắn lần này ông Azais chấp nhận đề nghị của luật sư cho chị được gặp con tại sân bay. Dù còn hai ngày nữa phải quay về nước, song chị vui mừng cuống cuồng lên mạng tìm chuyến bay sớm nhất để kịp có mặt tại Toulouse lúc 10h sáng hôm sau như người tình cũ thông báo.

"Từ xa tôi đã thấy ánh mắt bé Sarah nhìn mình. Bé nhận ra mẹ ngay lập tức, khi đến gần nó chồm người, đưa hai tay về phía tôi. Tôi rất sốc, ngày xa tôi con bé nhỏ xíu. Mẹ con tôi chơi với nhau được hơn hai tiếng. Tôi ẵm con trên vai, đầu tựa vào mình, cảm giác y như ngày nó còn nhỏ tôi vẫn làm thế khi ru con ngủ", chị Huyền nghẹn giọng.

hanh-trinh-sang-phap-doi-lai-con-cua-nguoi-me-tre-1

Chị Huyền và con gái khi mới 3 tháng tuổi. Ảnh: NVCC

Chị bảo, sau 15 tháng xa cách, lần đầu được gặp lại con lòng dạ bồn chồn. Chị sợ Sarah sẽ không nhận ra mẹ vì lúc bị mang đi bé mới hơn 3 tháng tuổi. Trước đó, chị phải ký cam kết với Azais không được mang bé đi khi gặp mặt. Lúc hai mẹ con gặp nhau, cha bé đứng từ xa quan sát.

"Lúc ba nó mang ra xe về, nó cứ nhìn tôi đang chạy theo. Khi được Azais đặt xuống đất, con bé chạy ngược về phía tôi. Chiều hôm đó, tôi phải về Việt Nam nhưng sau lần gặp lại con tôi thấy tự tin vì bé vẫn nhận ra mẹ", người phụ nữ nói.

Tòa sơ thẩm, thẩm quyền rộng Albi có trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi (Pháp) thụ lý vụ án của chị. Hồi tháng 3, tòa triệu tập chị tham gia các phiên điều trần. Do chi phí đi lại khá tốn kém, lần này chị quyết định xin nghỉ việc, tận dụng hết thời hạn visa (3 tháng) ở lại Pháp để tiện cho việc theo đuổi vụ kiện. Với hi vọng có nhiều cơ hội gặp con, chị chuyển hẳn xuống Toulouse thuê trọ.

Lên facebook của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp tìm người cho ở ghép, chị được hai du học sinh cho ở cùng và chia tiền phòng trọ. Chị cũng nhờ các sinh viên tìm người phiên dịch tiếng Pháp để làm việc với cơ quan điều tra và tòa án.

"Được một chị phiên dịch nhận lời giúp không tính phí, tôi mừng quá, chỉ lo tiền ăn uống đi lại cho hai chị em. Có hôm chị phải bắt xe lửa cùng tôi từ rất sớm để đến được nơi ông Azais ở. Toàn bộ số tiền tiết kiệm được tôi đã dùng hết vào việc đi kiện tụng", chị chia sẻ.

Trong thời gian đợi tòa triệu tập, chị được ông Azais cho gặp con hai lần. Các cuộc gặp của họ chỉ diễn ra ở quán cà phê hoặc sân bay.

"Đặc biệt lắm, khi nghe cha nói hôn ba đi, bé chạy lại hôn má Azais. Tôi nghĩ không biết khi nào con bé mới làm vậy mới mình. Biết vài từ tiếng Pháp, tôi thử nói giống ba nó thì Sarah lập tức chạy lại hôn tôi. Chị phiên dịch bế bé lên nói 'hôn mama đi' bé cũng quay lại hôn tôi", chị Huyền cười, nước mắt rưng rưng.

Lần cuối chị được gặp con là hôm kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Khi chia tay, Sarah khóc không chịu theo ba khiến Azais phải giằng lại. "Tôi sợ bé bị tổn thương nên nói để tôi tự mang bé ra xe. Tôi trấn an, động viên con cứ sống vui vẻ, đừng khóc và hứa sẽ đưa con về. Dù tôi nói bằng tiếng Việt nhưng dường như con bé cảm nhận được", người mẹ nghẹn ngào.  

Sau khi được Tòa án Pháp tuyên buộc Azais phải trả lại đứa bé nhưng ông ta không thực hiện, chị Huyền quay về Việt Nam tiếp tục nhờ các cơ quan chức năng can thiệp. Được luật sư của Hội bảo vệ trẻ em TP HCM hướng dẫn, chị làm thủ tục, nhờ TAND quận 2 - nơi ông Azais sống - áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho xuất cảnh cùng đứa bé trong thời gian chờ cơ quan tố tụng có thẩm quyền cho chi hành phán quyết tại Việt Nam.

Hải Duyên 

VNExpress

hành trình, sang Pháp kiện đòi lại con, người mẹ Việt, tòa án Pháp


© 2021 FAP
  2,787,871       8/948