Pháp luật

Thủ lĩnh chữa cháy ở Sài Gòn và những trận chiến sinh tử

Đạn nổ vang trời khi Tổng kho Long Bình (Đồng Nai) cháy ngùn ngụt nhưng những người lính cứu hoả vẫn xông thẳng vào trong, họ cũng lao vào biển lửa trong toà nhà ITC (TP HCM) để cứu các nạn nhân mắc kẹt...

Làn da xạm nắng, giọng hào sảng, đại tá Lê Tấn Bửu (Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM) nói về công việc của những người lính cứu hỏa với vẻ đầy tự hào. Nơi họ lao vào không có tiếng súng, không có giang hồ bặm trợn... mà là chỗ người ta đang tháo chạy khỏi hiểm nguy. Và họ có nhiệm vụ phải cứu người, cứu tài sản cho dân.

Tham gia lực lượng vũ trang năm 1975, một năm sau chàng trai quê Đồng Khởi, Bến Tre, được điều động về Đội PCCC Thủ Đức (Phòng Cảnh sát PCCC TP HCM). Trải qua quãng đời lính với những trận vào sinh ra tử với giặc lửa, ông được cả vinh quang lẫn nỗi đau mất mát đồng đội.

"Cuộc đời lính chữa cháy đôi khi rất mong manh, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là khoảnh khắc, chỉ một sơ xuất là có thể trả giá bằng cả cuộc đời", ông Bửu nói.

nguoi-chi-huy-chua-chay-o-sai-gon-va-nhung-tran-chien-khong-quen

Đại tá Bửu trong lần chữa cháy Công ty Gỗ Mỹ An (quận Gò Vấp) năm 2010.

Gần 40 năm trôi qua nhưng ông Bửu còn nhớ như in vụ cháy nổ ở Tổng kho Long Bình (Đồng Nai) giữa tháng 3/1977. Đây là tổng kho quân sự của Mỹ - Việt Nam Cộng Hòa chứa các trang thiết bị, vũ khí, bom đạn... không chỉ phục vụ chiến tranh ở Việt Nam mà còn phục vụ chiến tranh Đông Dương.

Diện tích kho rộng 10 km2, mùa khô cỏ mọc cao nên đám cháy phát triển rất nhanh, biến thành rừng lửa. Vụ nổ có sức công phá mạnh đến nỗi những cửa kính các công trình tại TP HCM cũng nứt vỡ, rung lắc... và làm chấn động cả thành phố. Rất nhiều lực lượng được huy động tham gia chữa cháy.

Ông Bửu lúc đó là tiểu đội trưởng, chỉ huy mũi chiến đấu tiếp cận một kho đạn (ụ chứa đạn chưa phát hỏa). Tuy nhiên, khi các chiến sĩ đến gần thì lửa đã bén tới, vỏ đạn nổ văng xa hàng trăm mét, cắt cả kính, găm thủng lốp xe chữa cháy và những đường vòi phun nước đang triển khai.

Đạn vẫn nổ vang trời, ông Bửu đi đầu, gồng mình ghì chặt vòi nước hướng thẳng vào mục tiêu. Từ các hướng, đồng đội của ông vừa bò, vừa kéo theo vòi phun, nhích từng chút vào sâu hiện trường. Khi hiệu lệnh chỉ huy vang lên, đồng loạt nhiều vòi rồng dội thẳng vào quầng lửa đỏ. Phải sau 10 giờ liên tục chiến đấu, lực lượng PCCC mới dập tắt được biển lửa khổng lồ.

Trong trận chiến này, lực lượng Cảnh sát PCCC TP HCM đã được vinh danh, được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì. Và đây cũng chỉ là một trong những vụ cháy kho bom đạn thời đó như kho đạn: Đồng Dù, Đồng Tâm, Tây Ninh... mà ông Bửu có mặt với vai trò người chỉ huy.

Không ít lần trong những trận đánh với giặc lửa, ông Bửu và đồng đội đã phải đối diện với những giây phút sinh tử cận kề. Cuối tháng 3/1993, kho chứa nguyên liệu, hóa chất của Công ty giày Hiệp Hưng (quận 8, TP HCM) bùng cháy trên diện tích lớn. Đám lửa đe dọa cây xăng liền kề và hàng trăm nhà dân xung quanh.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC Bùi Văn Ngần cùng đoàn công tác chỉ huy cứu lửa. Ông Bửu lúc này là Đội trưởng chữa cháy Trung tâm, chỉ huy chủ lực 15 xe. Nhận định vụ cháy hóa chất vô cùng độc hại và nguy hiểm, nhất là khi các thùng chứa phát nổ, ông Bửu huy động lực lượng nhanh chóng di dời tài sản ra bên ngoài để tránh thương vong.

Khi ông Bửu dẫn đoàn trinh sát của Cục tiếp cận hiện trường, bất ngờ từ phía trên một kiện nguyên liệu bằng da nặng trên 100 kg rơi thẳng xuống. Ông kịp hô hoán đồng đội nhảy sang một bên, cũng là lúc khối hàng sượt qua vành mũ.

nguoi-chi-huy-chua-chay-o-sai-gon-va-nhung-tran-chien-khong-quen-1

Đại tá Bửu chỉ đạo trong vụ cháy gara ôtô ở quận 1 vào đầu năm 2016. 

Hay vào cuối tháng 3/2002 rừng U Minh cháy lớn. Cảnh sát PCCC TP HCM là một trong số 14 đơn vị phía Nam tham gia dưới sự điều động của Cục Cảnh sát PCCC. Ông Bửu cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ, 20 máy bơm và 3 xe cứu hoả lên đường.

Địa hình hiểm trở, xe không thể tiếp cận, người lính cứu hoả phải đào kênh dẫn nước tới 4 km vào rừng để dập lửa. Mỗi người túc trực diện tích 5-7 km2, kéo dài trong suốt nhiều ngày mới dập tắt được hoả hoạn. Ông Bửu được cấp trên đề nghị khen thưởng Huân chương Chiến công hạng 2.

Danh hiệu chưa kịp nhận thì ngày 29/10/2002 xảy ra vụ cháy kinh hoàng, nghiêm trọng nhất từ xưa đến nay tại Trung tâm thương mại Quốc tế ITC, quận 1, TP HCM. 100% quân số lính cứu hoả được huy động. Từ đằng xa, nhìn đám khói đen ngòm, cuộn dữ dội cả một khoảng trời, ông Bửu (lúc này là Phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC) và đồng đội đã cảm nhận được mức độ kinh khủng của nó.

Trong khói lửa bao trùm, ở những tầng cao có rất nhiều cánh tay nạn nhân chìa ra vẫy kêu cứu. Hiện trường hỗn loạn, 3 mặt tòa nhà đều là biển lửa. Nhiều người không thể trụ được đã đánh liều nhảy từ trên xuống, tử vong.

50 xe chữa cháy, hơn 200 lính cứu hoả cấp tập tiếp cận hiện trường bởi nhiệm vụ của họ lúc này thật thiêng liêng, cả trăm sinh mạng đang chờ họ. Các xe thang liên tục vươn lên cao, nhiều vòi nước hỗ trợ sau lưng chiến sĩ trên thang đưa họ tiếp cận vị trí các nạn nhân. Ở những hướng khác, cảnh sát cứu hộ thoăn thoắt lao vào các cửa sổ để cứu người. Chỉ huy chữa cháy, ông Bửu giọng khàn đặc, người bê bết tàn tro, mắt đỏ ngầu vì khói lửa.

"Chúng tôi đã làm hết sức nhưng thiệt hại hôm đó là quá lớn, 60 người chết và 70 người bị thương. Đã nhiều năm trôi qua tôi vẫn không thể quên những cánh tay nạn nhân chìa ra cầu cứu trong vô vọng. Đó là nỗi đau, nỗi ám ảnh nhất trong cuộc đời tôi", giọng ông Bửu nghèn nghẹn.

>> Xem thêm: Những trận chiến không quên của Cảnh sát PCCC TP HCM

Quốc Thắng

VNExpress

đại tá Lê tấn Bửu, Cảnh sát PCCC, TP HCM, chữa cháy, trận đánh, cháy ITC, nổ kho bom long bình


© 2021 FAP
  2,722,290       1/655