Thể thao

Liên tiếp bị nợ tiền, tài năng trẻ chuyển nghề

Công Thuận lần lượt bị hai CLB V-League là Kiên Giang rồi An Giang 'quên' trả tiền khiến anh sớm nói lời chia tay bóng đá.

Bị CLB Kiên Giang “xù” 250 triệu đồng, khi qua An Giang, tiếp tục bị “nợ xấu” 200 triệu đồng, tiền vệ Hoàng Công Thuận thực sự chán nản, có lúc tưởng buông xuôi với nghề dù anh mới 26 tuổi. Anh quyết định dồn chút vốn còn lại mở shop bán quần áo thời trang bởi “bóng đá bây giờ đau đầu quá”...

thuan2-3119-1410489296.jpg

Công Thuận mở shop thời trang ở quê nhà Đồng Tháp. Ảnh: NVCC.

Hoàng Công Thuận trưởng thành từ lò đào tạo của Đồng Tháp. Tuy nhiên, do đội bóng xứ bưng biền có khá nhiều tài năng nên anh xin đền bù tiền để đến CLB khác với mong muốn ra sân nhiều hơn. Năm 2013, anh đầu quân cho Kiên Giang theo lời mời của HLV Lai Hồng Vân. 

Đội bóng này chỉ trả nhỏ giọt từng đợt theo kiểu “ứng tạm” chứ không trả một lần. Tình trạng này kéo dài và cuối cùng, anh cùng nhiều đồng đội khác không thể lấy hết tiền khi đội bóng giải thể. Ở Kiên Giang, Thuận bị nợ 250 triệu đồng. Anh cùng nhiều đồng đội viết “đơn cầu cứu” gửi khắp nơi nhằm bảo vệ quyền lợi nhưng không ai đoái hoài.

Đánh giá cao khả năng của tiền vệ này, đầu mùa 2014, HLV Nhan Thiện Nhân mời anh về An Giang với bản hợp đồng hai năm, mỗi năm trả 450 triệu đồng. Tuy nhiên, An Giang mới chỉ trả anh 300 triệu đồng ở năm hợp đồng đầu tiên và vẫn còn nợ lại 150 triệu theo thỏa thuận. Ác mộng một lần nữa xảy ra với Thuận khi An Giang giải tán kéo theo 150 triệu đồng cùng tiền lương, thưởng khoảng gần 50 triệu có nguy cơ “mất hút”. “Tôi chán nản, nặng nề vô cùng trong nửa mùa giải vừa qua. Có lẽ không chỉ tôi mà các đồng đội khác ở An Giang cũng vậy khi bị đủ thứ chuyện cơm áo gạo tiền đè nặng trong đầu. Nhưng được gia đình rồi bạn gái động viên, tôi tiếp tục cố gắng thi đấu hết mùa giải. Nghĩ lại thấy nản lắm…”, Thuận tâm sự.

Có được chút vốn là khoản tiền An Giang trả vào đầu mùa, anh tìm hướng đi mới để bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ bóng đá. Bạn gái của Thuận là Nguyễn Xuân Minh kinh doanh quần áo nữ ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) gợi ý cho anh về việc kinh doanh quần áo nam. Không mất quá lâu để suy nghĩ, Thuận quyết định mở shop quần áo nam mang tên Manly ngay gần shop quần áo nữ của bạn gái tại Cao Lãnh.

Thuận nói: “Thấy bóng đá bây giờ bấp bênh quá, lại bị liên tiếp hai CLB nợ tiền nên tôi tìm hướng khác nhằm đảm bảo cuộc sống. Việc kinh doanh tuy có khó khăn nhưng nhờ có bạn gái hỗ trợ kinh nghiệm, giúp quản lý nên cũng ổn ổn. Bóng đá thì tôi vẫn theo vì đó là cái nghề, cái nghiệp và đam mê từ tấm bé rồi. Nhưng tôi muốn tự mở ra cho mình những con đường khác nữa để hỗ trợ tình yêu bóng đá”.

Công Thuận là con trai út trong gia đình ba anh chị em. Hoàn cảnh ba mẹ của Thuận cũng không khá giả khi kinh tế phụ thuộc từ quầy sửa đồng hồ của bố. Có chút tiền từ bóng đá, anh phụ giúp bố mẹ và chị. Anh mong có cuộc sống ổn định từ bóng đá để lo cho bố mẹ lâu dài. “Ngày trước, tôi rời Đồng Tháp vì muốn khẳng định thêm nghề nghiệp và cũng vì muốn kiếm chút tiền để về sửa lại căn nhà đã cũ cho bố mẹ tuổi về già. Nhưng đi đâu cũng toàn gặp cảnh nợ nần, giải tán nên mong muốn đó chưa thành. Giờ tôi chỉ mong An Giang trả số tiền còn nợ gần 200 triệu đồng và tôi buôn bán ổn ổn sẽ dành tiền xây nhà phụng dưỡng cho ba mẹ, rồi bản thân lập gia đình. Tôi và bạn gái quen nhau cũng đã 4 năm và cả hai gia đình đều muốn hai đứa ổn định…”, Thuận chia sẻ về những dự định.

thuan-9312-1410489296.jpg

Công Thuận và bạn gái sớm nghĩ tới việc lập gia đình. Ảnh: NH.

Sau khi An Giang giải tán, đội bóng này vẫn chưa thể ấn định được thời điểm thanh toán nợ cho các cầu thủ dù đã “hứa sẽ trả đủ từng xu”. Với những cầu thủ có “kinh nghiệm” ở Kiên Giang như Công Thuận, Felix, Vũ Dương, Duy An, họ chỉ tin khi tiền vào tay bởi năm ngoái Kiên Giang cũng hứa trả đủ, thậm chí viết cả giấy nợ nhưng rồi kết quả là… “xù”.

Ngọc Hà

NgoiSao.net

Liên tiếp bị nợ tiền, tài năng trẻ chuyển nghề - Ngôi sao


© 2021 FAP
  1,522,205       4/928