Thể thao

Bóng đá Việt: Nhiều cầu thủ làm ông chủ

Tấn Trường, Anh Đức, Anh Tuấn, Văn Nhiên, Văn Nghĩa... thành công trong lĩnh vực kinh doanh dù xuất thân từ sân cỏ.

Giới quần đùi áo số tích góp tiền từ nghiệp bóng đá để trở thành người thành công trong việc kinh doanh, hoặc nối tiếp nghề nghiệp gia đình. Họ trở thành những cầu thủ - ông chủ với doanh nghiệp nhiều tỷ đồng…

Thủ môn Bùi Tấn Trường - ông chủ đa năng

truong-8803-1415601081.jpg

Vợ chồng Tấn Trường sớm đầu tư kinh doanh nhiều lĩnh vực. Ảnh: FBNV.

Thủ môn người Đồng Tháp cùng vợ đang gây dựng cho gia đình nền tảng kinh tế vững chắc. Sau khi có tiệm Internet lớn nhất nhì Cao Lãnh (Đồng Tháp), vợ chồng anh vừa khai trương “chi nhánh” tại Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tiếp tục mô hình thành công ở quê nhà, tiệm Internet tại đất Thủ xây dựng trên diện tích lớn, trang bị máy lạnh, đầy đủ tiện nghi với chất lượng dịch vụ cao. 

Ngoài ra, thủ môn đang bắt cho Bình Dương còn kinh doanh sân cỏ nhân tạo tại TP HCM và phòng trọ. Anh không chỉ có cuộc sống ổn định mà còn giúp đỡ được nhiều cho gia đình.

Thủ môn Đặng Đình Đức - kinh doanh hoa và phòng trọ

Cựu thủ môn của Bình Dương luôn được các đồng nghiệp nhắc đến và nể phục ở khả năng kinh doanh. Vẻ ngoài có chút lãng tử, Đình Đức lại là một doanh nhân nhiều ý tưởng táo bạo. Anh cùng gia đình kinh doanh hoa từ Đà Lạt về TP HCM. Cửa hàng của anh và gia đình như một “tổng đại lý” thu mua hoa từ nhà vườn và phân phối về chợ đầu mối. 

Ngoài ra, thủ môn này còn mạnh dạn đầu tư gần trăm phòng trọ tại Bình Dương, gần các khu công nghiệp nên phòng luôn kín chỗ. “Tạm ổn kinh tế gia đình, giờ tôi yên tâm đi theo đam mê của mình là bóng đá”, Đình Đức tâm sự.

Cựu trung vệ Lưu Ngọc Hùng - ông chủ sản xuất đồ gỗ

Sau thời gian dọc ngang trên các sân cỏ từ Nam chí Bắc, trung vệ Ngọc Hùng quyết định giải nghệ cách đây vài năm và bắt tay vào công việc kinh doanh. Sau thời gian tìm kiếm hướng đi, hiện anh làm chủ doanh nghiệp chuyên đóng nội thất làm từ gỗ tại quận 12 (TP HCM).

Doanh nghiệp có tham vọng phát triển lớn trong tương lai bằng các bản hợp đồng với các đối tác là công ty xây dựng chứ không chỉ đóng nhỏ lẻ. Anh đầu tư số vốn lớn để có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ dự án lớn. Ngoài thời gian làm việc, anh duy trì đam mê bóng đá với lớp bóng đá cộng đồng mở ở địa phương.

Cựu tiền đạo Nguyễn Văn Nghĩa - thương hiệu nước uống 'VN19'

nghia-2283-1415601081.jpg

Gia đình hạnh phúc của Văn Nghĩa. Ảnh: FBNV.

Văn Nghĩa không còn thi đấu sau khi chia tay Navibank Sài Gòn. Thay vào đó, anh cùng vợ Hồng Diễm tập trung cho việc kinh doanh. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi, anh và vợ quyết định đầu tư vào lĩnh vực nước uống tinh khiết. Thương hiệu nước uống "VN19" ra đời cách đây không lâu lấy ý tưởng từ tên và số áo khi anh còn thi đấu.

Mới xuất hiện nhưng với chất lượng và hướng đi đúng, nước uống "VN19" nhanh chóng có thị trường. Theo Văn Nghĩa, sản lượng liên tục tăng theo từng ngày chính là thành quả chứng minh nỗ lực của hai vợ chồng. Dự kiến, cả hai tiếp tục mở rộng vùng thị trường ra toàn tỉnh Đồng Tháp, thay vì chỉ mới một số huyện, thị như hiện nay.

Cựu hậu vệ Trần Văn Tuấn - cho thuê xe và mở café

Trần Văn Tuấn từng thi đấu nổi bật cho CLB Đồng Tháp (2010-2012) và Xuân Thành Sài Gòn (từ 2012 tới khi đội giải tán). Nghỉ bóng đá, anh làm ông chủ với hai mảng kinh doanh là cho thuê xe du lịch và mở quán café. Quán của anh khá có tiếng ở quận 12 (TP HCM). Sắp tới, hai vợ chồng anh còn tính “lấn sân” sang lĩnh vực karaoke gia đình.

Hậu vệ Phùng Văn Nhiên - ông chủ trang trại 12 ha

Hậu vệ người Nam Định sau 7 năm thi đấu cho HAGL quyết định gắn bó với mảnh đất Gia Lai. Anh bỏ ra hơn 5 tỷ đồng để mua 12 ha đất rẫy ở vùng ven TP Pleiku và bỏ thêm nhiều tỷ đồng để làm hệ thống tưới tiêu. Với diện tích này, Nhiên tập trung trồng 8 ha café, 4 ha tiêu và xen kẽ là bắp, khoai… Theo dự kiến, nếu mọi việc thuận lợi, vài ba năm tới anh bắt đầu có thu nhập tiền tỷ hàng năm và không lâu thu hồi đủ vốn.

Hậu vệ Nguyễn Anh Tuấn - sân cỏ nhân tạo và khách sạn

Tuấn “Hòa Bình” không chỉ là trung vệ giỏi mà còn có máu kinh doanh. Sau khi có chút vốn liếng, anh quyết định thuê lại sân của đội bóng đường sắt cũ tại Hà Nội để đầu tư nhiều tỷ đồng mở cụm sân cỏ nhân tạo. Hơn một năm qua, cụm sân với 4 sân bắt đầu đi vào ổn định tạo ra nguồn thu đáng kể cho gia đình anh. Không chỉ kinh doanh sân cỏ nhân tạo, Anh Tuấn còn có khách sạn nhỏ tại Hà Nội. Hiện nay anh tái xuất trong màu áo Hải Phòng.

Hậu vệ Trọng Nghĩa - yên tâm với hậu phương vững chắc

Cầu thủ của CLB Than Quảng Ninh yên tâm với hậu phương là khách sạn Hồ Giám rất lớn tại trung tâm Hà Nội. Đây là khách sạn chuẩn ba sao với 11 tầng và khoảng 50 phòng các loại. Nghĩa cho biết, khách sạn hiện do vợ và gia đình quản lý. Anh tới với Quảng Ninh bằng bản hợp đồng ba năm.

Anh Đức - xây dựng thương hiệu 'Anh Đức Sport'

Tiền đạo của CLB Bình Dương khởi nghiệp kinh doanh từ một cửa hàng bán đồ thể thao mang tên mình. Đến nay, việc làm ăn của anh rất lớn mạnh khi anh trở thành nhà phân phối hàng thể thao, chủ yếu là giày bóng đá, khắp cả nước. Anh Đức đang xây dựng thương hiệu giày "Anh Đức Sport" để có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Ngọc Hà

NgoiSao.net

Bóng đá Việt: Nhiều cầu thủ làm ông chủ - Ngôi sao


© 2021 FAP
  1,506,621       2/993