Thể thao

Tấm lòng thơm thảo của cầu thủ Việt

Công Vinh, Tấn Trường, Công Phượng, Bửu Ngọc… là điển hình của nhiều cầu thủ đổi đời biết chia sẻ thành công với người thân.

Nhiều cầu thủ Việt Nam có xuất thân từ gia đình khó khăn về kinh tế. Với họ, bóng đá là đam mê, nhưng đồng thời như cánh cửa hy vọng đổi đời. Khi có thành công rồi trở nên giàu có, cầu thủ Việt có điều kiện quay lại giúp đỡ gia đình…

vinh-7818-1421123101.jpg

Công Vinh thành danh lo chu đáo cho bố mẹ và các chị em. Ảnh: Jessica.

Tiền đạo Công Vinh gần đây được nhắc đến nhiều về chuyện anh có người chị cả bán vé số dạo ở Bình Phước. Vài năm trước, tiền đạo Bình Dương từng mua căn nhà 400 triệu đồng ở TP Vinh cho vợ chồng anh chị để ổn định cuộc sống. Tuy vậy, hai người này quyết định bán nhà để vào Nam làm ăn. Đầu tư thua lỗ, giờ chị cả đang mưu sinh bằng nghề bán vé số ở Bình Phước.

Trở thành tỷ phú nhờ bóng đá và có cô vợ cũng là tỷ phú, CV9 vẫn nhớ về một thời lam lũ. Hình ảnh vất vả của bố mẹ, anh chị em trong nhà khiến anh nghĩ cách gì đó báo hiếu, đền đáp, chia sẻ. Ở tuổi 30, sớm thành đạt, Công Vinh cho thấy mình không chỉ biết hưởng thụ mà biết san sẻ. Anh mua căn hộ chung cư tại TP Vinh tặng bố, ổn định nơi ăn chốn ở cho mẹ và dự định đón bà vào TP HCM sống chung. CV9 cũng mua nhà và lo công ăn việc làm cho các chị. Với riêng người chị bán vé số, cầu thủ sinh năm 1985 còn đứng ra chu cấp tiền ăn học cho hai đứa cháu như là cách giúp anh chị đảm bảo tương lai cho các con.

truong-9520-1421123101.jpg

Thủ môn Tấn Trường và vợ luôn lo lắng cho gia đình hai bên. Ảnh: TN.

Thủ môn Tấn Trường - đồng đội của CV9 ở Bình Dương - cũng là một trong những cầu thủ rất có hiếu. Xuất thân từ lam lũ ở vùng Lai Vung, Đồng Tháp, Trường từng bươn chải nhiều nghề để phụ giúp mẹ, tự lo bản thân trước khi đến với bóng đá rồi thoát nghèo như một giấc mơ. Khi thành danh và trở thành tỷ phú, anh không một mình hưởng thụ mà chia sẻ may mắn cho những người thân trong gia đình. 

Năm 2010, khi có 5 tỷ đồng từ tiền chuyển nhượng đầu tiên trong đời, Trường mua ôtô 16 chỗ tặng anh trai để anh bớt vất vả, có thu nhập ổn định nuôi gia đình. Thủ môn Đồng Tháp còn xây lại căn nhà mới cho mẹ, giúp em gái học ở Sài Gòn. Trường tâm sự, anh cùng vợ mở ra các cơ sở kinh doanh ở Đồng Tháp, TP HCM và nay là Bình Dương với mong muốn đầu tiên không phải để giàu có mà còn là tạo việc làm giúp đỡ người thân trong gia đình hai bên. Anh đổi đời, anh em trong gia đình có cuộc sống cũng khá dần lên…

Một đồng hương của Trường là thủ môn Bửu Ngọc mới chuyển đến Cần Thơ với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Có tiền, điều đầu tiên anh nghĩ đến không phải là xe hơi, đồ dùng đắt tiền mà là xây nhà tặng bố mẹ. Ngọc đã mua đất và chuẩn bị động thổ tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ngoài ra, anh cũng đứng ra lo chuyện thuốc men cho bố mẹ, mắc bệnh mãn tính hay ốm đau.

Tiền đạo Công Phượng cũng là một tấm gương điển hình cho việc dùng đồng tiền từ bóng đá để lo cho gia đình. Phượng như đàn anh Công Vinh, đều xuất thân từ những gia đình khó khăn về kinh tế. Tài năng trẻ của U19 Việt Nam chưa thành tỷ phú như CV9 nhưng với số tiền tích góp khoảng 400 triệu, anh giúp được một phần cho bố mẹ xây lại căn nhà mới có tuổi đời gần 30 năm, đã xiêu vẹo. Ở quê nhà, Phượng được hàng xóm đánh giá là người hiếu thảo, sống tình cảm…

Ở làng bóng đá Việt, Công Vinh, Tấn Trường, Công Phượng, Bửu Ngọc… chỉ là điển hình của nhiều cầu thủ đổi đời nhờ bóng đá và biết chia sẻ thành công với người thân.

Trần Huỳnh

NgoiSao.net

Tấm lòng thơm thảo của cầu thủ Việt - Ngôi sao


© 2021 FAP
  1,492,465       5/1,037