Hình sự

Những vụ chiếm đoạt nghìn tỷ

Dụ đối tác gửi tiền với lãi suất cao sau đó làm giả hợp đồng tín dụng, làm khống hồ sơ vay hay nâng khống giá trị tài sản để giải ngân tiền nhà nước…

Được cho là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam, Huỳnh Thị Huyền Như (37 tuổi, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank chi nhánh TP HCM) cùng đồng bọn đã chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng và vừa bị đưa ra xét xử vài ngày qua thật sự gây xôn xao dư luận. Như bị lĩnh án chung thân, liên đới với các bị cáo khác bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt, còn Vietinbank vô can.

Theo bản án sơ thẩm, để chiếm đoạt tiền, Như đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, làm giả các con dấu chữ ký của nhiều cơ quan tổ chức, cá nhân và lợi dụng lòng tin của nhiều nhân viên để làm giả hàng trăm hồ sơ tín dụng lừa của 3 ngân hàng, 9 công ty, 3 cá nhân số tiền khổng lồ trên.  

vu-an-nghin-ty-9795-1390561760.jpg

Huyền Như đang đối diện với mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức. Ảnh: Hải Duyên

Theo lời khai của Như trước tòa, năm 2007 do muốn mở rộng việc kinh doanh bất động sản và chứng khoản, nữ cán bộ ngân hàng đã vay 200 tỷ đồng lãi suất cao của các đơn vị, cá nhân. Đến năm 2010, do việc làm ăn thua lỗ, các chủ nợ đột ngột đòi tiền trong khi thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán đi xuống khiến cô ta rơi vào tình trạng mất cân đối và nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng để trả nợ gốc và lãi cho những người vay trước đó.

Lợi dụng danh nghĩa là trưởng phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank, Như đã đưa ra mức lãi suất huy động tiền gửi cao ngất ngưởng, vượt trần quy định của ngân hàng Nhà nước để dụ các đối tác rót tiền cho mình. Sau khi chiếm đoạt được tiền bằng các thủ đoạn, Như dùng để trả nợ cho các khoản vay trước đó, trả tiền lãi suất trong và ngoài hợp đồng cho chính những đơn vị này và tiêu xài cá nhân… Cho đến giữa năm 2011, hành vi của Như mới bị phát hiện.

Với số tiền chiếm đoạt lên đến gần 2.000 tỷ đồng, vụ lừa dảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – VDB chi nhánh Đăk Lăk của các nữ doanh nhân tại khu vực này cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ ngân hàng liên quan cũng chuẩn bị đưa ra xét xử.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, là giám đốc công ty Minh Nhật, bà Cao Bạch Mai chuyên thu mua sơ chế, kinh doanh mủ cao su xuất khẩu sang Trung Quốc. Do làm ăn thua lỗ, cuối năm 2008 biết nhà nước có chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu lãi suất thấp với các mặt hàng nông sản cà phê, sắn lát, nhân hạt điều... bà Mai gặp Vũ Việt Hùng (lúc này là giám đốc chi nhánh VDB khu vực Đăk Lăk - Đăk Nông) đặt vấn đề vay vốn và được vị lãnh đạo này đồng ý.  

Biết công ty Minh Nhật làm ăn thua lỗ nhưng giám đốc Hùng vẫn chỉ đạo cấp dưới sửa báo cáo tài chính thành kinh doanh lãi làm thủ tục để đủ điều kiện pháp lý cho vay. Ban đầu, vị giám đốc cùng dàn cán bộ cấp dưới phê duyệt cho Công ty Minh Nhật vay hai hợp đồng tín dụng xuất khẩu trị giá 10 tỷ đồng.

Từ tháng 10/2008 đến 7/2010, bà Mai đã làm khống hợp đồng xuất khẩu, vay tiền tín dụng xuất khẩu ưu đãi tổng cộng 940 tỷ đồng và sử dụng 6 hợp đồng kinh tế xuất khẩu cà phê vay 65 tỷ đồng nhưng sử dụng vốn không đúng mục đích.

Tổng số vốn mà chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đăk Lăk - Đăk Nông đã "rót" cho nữ doanh nhân này qua 70 hợp đồng tín dụng xuất khẩu trị giá 1.005 tỷ đồng. Số tiền này, bà Mai khai đã sử dụng trả nợ đáo hạn vay hơn 760 tỷ đồng, chi phí cho việc làm khống hồ sơ vay vốn, trích phần trăm cho lãnh đạo ngân hàng và tiêu xài cá nhân khác... Ngoài số tiền chi phí lót tay cho các cán bộ ngân hàng bà Mai khai cùng với một nữ doanh nhân khác tên Xuân hùn nhau mua tặng vị giám đốc ngân hàng chiếc ôtô trị giá hơn 3 tỷ.

Cũng với cách thức tương tự, bà Trần Thị Xuân giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nhật Tân được các cán bộ Ngân hàng VDB “giúp” vay vốn tín dụng xuất khẩu tổng số 938,5 tỷ đồng. Bà Xuân khai trong số đó đã trả nợ đáo hạn vay trên 658 tỷ đồng, chi phí hối lộ cán bộ ngân hàng, làm hồ sơ khống và chi tiêu cá nhân khác...

Khi biết các công ty được vay chi sai mục đích, mất khả năng thanh toán, để giải quyết nợ xấu Hùng đã ký khống các hợp đồng tiền gửi tại VDB để giúp sức cho 5 nữ doanh nhân lừa vay tiền của các ngân hàng khác. Đến nay, các công ty này đều mất khả năng thanh toán.

Cũng bày trò gian dối để chiếm đoạt một số tiền cực kì lớn của Nhà nước, song với tư cách là Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II - ALCII  (thuộc ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam - Agribank), ông Vũ Quốc Hảo (59 tuổi) vừa bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án tử hình về các tội Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bản án sơ thẩm xác định ông Hảo tiếp tay cho nhiều giám đốc công ty thực hiện trót lọt các hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 530 tỷ đồng, đang chờ được TAND Tối cao xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Ngoài ra, ông Hảo vẫn còn phải tiếp tục hầu tòa trong 2 vụ án khác về hành vi nâng khống giá trị tài sản, giải ngân trái phép hàng trăm tỷ đồng của nhà nước để chiếm đoạt.

vu-an-nghin-ty-1-8482-1390561760.jpg

Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai cùng các đồng phạm tại tòa hồi cuối năm 2013. Ảnh: Hải Duyên.

Cũng với vai trò là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ lừa đảo này, Đặng Văn Hai (56 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Quang Vinh) phải nhận mức án tương tự . Vào năm 2009, ông Hảo vay tiền đối tác để đầu tư bất động sản. Nhưng do thua lỗ không có khả năng trả nợ nên ông này thông đồng với Đặng Văn Hai ký hợp đồng khống về thuê tài chính và mua bán tài sản là máy cẩu thủy lực bánh xích để rút 120 tỷ đồng của Công ty ALCII.

Sau khi tiền được giải ngân, Hảo yêu cầu Hai chuyển cho đối tác của mình 75 tỷ đồng trả nợ. Trong phi vụ này, Hảo nhận lót tay gần 1 tỷ đồng từ Hai. Số tiền còn lại Hai chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân.

Không chỉ chiếm đoạt số tiền lớn của công ty ALC II, Hảo và dàn lãnh đạo cấp dưới còn cố ý làm trái quy định khi ký 9 hợp đồng cho thuê tài chính và cung ứng tài sản khống với các công ty của Hai, giải ngân hơn 600 tỷ đồng của công ty ALC II để đảo nợ cho một số danh nghiệp đối tác.

Trong một phi vụ khác, vị cựu tổng giám đốc còn ký một hợp đồng thuê tài chính với doanh nghiệp tư nhân Anh Phương và tham ô 4,9 tỷ đồng của công ty ALC II để trả nợ cho việc đầu tư mua đất tại Tiền Giang. Tổng giá trị thiệt hại mà Hảo và các đồng phạm gây ra trong phạm vi vụ án này được cơ quan chức năng xác định là hơn 530 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2003, Hảo chỉ đạo thành lập công ty sân sau là Cát Long Hải, phân công Phạm Minh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vũ Đức Hòa làm Giám đốc. Đến năm 2006, sau khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành công ty ALC II, với mục đích để làm chủ sở hữu gần 89.500 m2 đất ở trạm dừng chân Miền Tây tại Cái Bè, Tiền Giang và có tiền thanh toán nợ xấu cho các công ty sân sau của mình, Hảo đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Minh Tuấn thực hiện việc hợp pháp hóa nguồn gốc thiết bị lặn Tinro 2 là tài sản do một doanh nhân người Nhật giao cho Công ty Cát Long Hải sử dụng.

Theo chỉ đạo của Hảo, thiết bị lặn này được vận chuyển ra Hải Phòng và cố tình để hải quan bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá và mua lại với giá khoảng 100 triệu đồng.

Sau khi hợp pháp hóa được nguồn gốc, Hảo chỉ đạo nhân viên Công ty Cát Long Hải thông qua Hoàng Lộc, Tổng giám đốc Công ty Vivaco, để thẩm định, nâng giá thiết bị tàu lặn lên 130 tỉ đồng (nâng giá lên đến 1.300 lần). Sau đó, Hảo chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ cho thuê tài chính, lập hồ sơ mua, bán tàu Tinro 2 với giá 130 tỉ đồng để giải ngân số tiền này.  Đến nay, Công ty Cát Long Hải vẫn nợ ALCII 130 tỉ đồng tiền gốc và không có khả năng thanh toán.

Vụ án này đã được cơ quan chức năng tách riêng và dự kiến sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới. Ngoài ra, thiệt hại thực tế mà Hảo và đồng phạm gây ra vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục thu thập tài liệu, xác minh và xử lý sau.

Bình Nguyên

NgoiSao.net

Những vụ chiếm đoạt nghìn tỷ - Ngôi sao


© 2021 FAP
  493,644       2/961