Hình sự

Bầu Kiên sử dụng 21.000 tỷ đồng như thế nào

Là Chủ tịch HĐQT của 6 công ty, bầu Kiên đã kinh doanh vàng và đầu tư tài chính trái phép với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

VKSND Tối cao vừa ra quyết định truy tố ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, 49 tuổi) về 4 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép với khung hình phạt truy tố cao nhất là Tù chung thân.

Bầu Kiên là cổ đông của Ngân hàng ACB từ năm 1993. Ông cùng người thân sở hữu gần 938 triệu cổ phần, chiếm 9,03% vốn điều lệ, trong đó phần riêng của ông chiếm gần 3,8%. Bầu Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB trong 9 năm (2003-2012) và đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng trong 14 năm (1994-2008). Đến cuối năm 2007, ông không tham gia HĐQT ngân hàng ACB nhưng đề xuất thành lập Hội đồng sáng lập do mình làm Phó chủ tịch.

Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, lợi dụng giữ vai trò lớn trong Ngân hàng ACB, bầu Kiên đã lập 6 công ty và giữ chức chủ tịch HĐQT của cả 6 công ty này, bao gồm: Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B, Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (ACI – HN).

bau-kien-5162-1392360142.jpg

Bầu Kiên trước khi bị bắt.

VKSND Tối cao kết luận, lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB, bầu Kiên đã thực hiện hàng loạt hành vi kinh doanh trái phép. Cụ thể, Công ty Thiên Nam kinh doanh sản xuất hàng may mặc, thêu ren, tư vấn đầu tư trong nước về thương mại, công nghiệp, xây dựng và bất động sản… Ngày 30/11/2009, Tổng giám đốc Thiên Nam ký văn bản thoả thuận nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietinbank với Ngân hàng ACB. Theo thoả thuận, Công ty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam trị giá hơn 2.900 tỷ đồng, khối lượng mua hơn 141 tỷ đồng.

Ngày 5/12/2009, HĐQT uỷ quyền cho bầu Kiên thực hiện giao dịch vàng của công ty thông qua hệ thống điện thoại ghi âm tại ngân hàng ACB. Các giao dịch sau khi đã khớp lệnh sẽ được thể hiện bằng các phiếu xác nhận ký kết với ngân hàng ACB. Từ đây, ngày 10/12/2009, bầu Kiên đặt một lệnh mở bán vàng với số lượng 45.000 ounce, trị giá hơn 52,6 triệu USD. Ngày 5/2/2010, ông tiếp tục đặt 3 lệnh mua với số lượng 30.000 ounce, trị giá hơn 31,4 triệu USD để tất toán. Ngày 1/3/210, bầu Kiên đạt 6 lệnh mua hơn 52,7 triệu USD và trong hai ngày 27 và 28/4/2010, bầu Kiên đặt 6 lệnh mua vàng với số lượng 45.000 ounce, trị giá gần 53 triệu USD.

Do ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài nên ngày 30/7/2010, Công ty Thiên Nam phải đặt 49 lệnh uỷ thác mua tổng số 150.000 ounce (hơn 3.350 tỷ đồng) để tất toán. Tổng cộng, từ ngày 30/11/2009 đến 30/7/2010, Công ty Thiên Nam đã nhận và thực hiện mua, bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài tổng cộng hơn 462.500 ounce, trị giá trên 512 triệu USD (tương đương hơn 9.766 tỷ đồng). Sau khi tất toán, doanh nghiệp lỗ hơn 413 tỷ đồng. Ngân hàng ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài.

Cùng với một số phi vụ tương tự, VKSND Tối cao cho rằng Công ty Thiên Nam không được phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng bầu Kiên đã chỉ đạo ký hợp đồng với ngân hàng ACB để kinh doanh với tổng số gần 12.000 tỷ đồng, gây lỗ hơn 433 tỷ đồng. Số tiền này, ngân hàng ACB cho Công ty Thiên Nam nhận nợ đến năm 2015.

Các công ty trên của bầu Kiên còn kinh doanh tài chính dù không được cấp phép.Từ ngày 4/9/2009 đến ngày 5/10/2009, Công ty như B&B góp 1.280 tỷ đồng vào Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu. Sau đó, công ty này phát hành 10 triệu trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng bán cho ngân hàng ACB. Số tiền bán được tung ra để mua cổ phiếu của Công ty cổ phần Bất động sản Hoà Phát – Á Châu, ngân hàng VietBank… và góp vốn vào các công ty khác.

Trong các ngày 15-16 và 17/3/2007, Công ty AFG sử dụng 3.200 tỷ đồng mua 160.000 trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng ACB từ 15 cá nhân theo hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu. Tiếp đó, ngày công ty này đã phát hành 4 triệu trái phiếu với tổng trị giá 400 tỷ đồng bán cho ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam và dùng số tiền này góp vốn vào Công ty ACI (100 tỷ đồng), Công ty ACI-HN (300 tỷ đồng). Như vậy, Công ty AFG dưới chỉ đạo của bầu Kiên đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng ACB và góp vốn vào các công ty ACI, ACI – HN.

Công ty ACBI cũng đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu của Techcombank, Eximbank. Trong đó, công ty góp 120 tỷ đồng vào công ty cổ phần xi măng Hòa Phát, 21 tỷ đồng vào công ty cổ phần thương mại Hải Phòng Plaza để sở hữu 21% cổ phần... Ngày 25/3/2008, ACBI phát hành 8 triệu trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng và bán cho ngân hàng ACB. Sau đó, công ty sử dụng gần 700 tỷ đồng để trả tiền nhận chuyển nhượng gần 10 triệu cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) của 12 người. Số tiền còn lại, công ty chuyển 100 tỷ cho ACI vay để mua cổ phiếu Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank...

Cũng với việc dùng vốn để kinh doanh tài chính trái phép, bầu Kiên chỉ đạo Công ty ACI dùng hơn 450 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Nhà Rồng, Công ty cổ phần dịch vụ hàng hoá Sài Gòn và Công ty Sabeco; sử dụng hơn 1.400 tỷ đồng của công ty ACI – HN để góp vốn và mua cổ phiếu ngân hàng ACB, DaiAbank, Vietbank, KienLongbank và Eximbank.

Hoàng Việt

NgoiSao.net

Bầu Kiên sử dụng 21.000 tỷ đồng như thế nào - Ngôi sao


© 2021 FAP
  491,945       4/878